Sẽ có gần 12 nghìn hộ dân hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP)
HGĐT - Trong báo cáo của UBND tỉnh về Tổng quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội, định hướng, quan điểm và chính sách ưu đãi mời gọi thu hút đầu tư của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua, có một dự án dành cho 11.800 hộ gia đình nghèo và cận nghèo là đối tượng được hưởng lợi sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được triển khai thực hiện tại tỉnh ta trong thời gian sắp tới. Để tìm hiểu về tổng quan của dự án, phóng viên Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban vận động nguồn vốn ODA của tỉnh.
Phóng viên: Xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết quá trình vận động và thời gian dự kiến triển khai thực hiện dự án?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến: Trong những năm qua, tỉnh ta đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức Quốc tế trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo như: IFAD, Sida, WB, ADB, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, JICA... Tuy nhiên do điều kiện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, Hà Giang vẫn còn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc diện có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ được triển khai đúng quy trình, yêu cầu của nhà tài trợ, chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực của người được hưởng lợi, đặc biệt là sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Điều đó không những tác động lớn đến tính hiệu quả của dự án mà còn chiếm được lòng tin của các nhà tài trợ.
Để có cơ sở đề xuất cho dự án xin tài trợ trong thời gian tiếp theo, đối với Hà Giang là một việc rất khó khăn, do tỉnh ta đã được Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế tài trợ 2 dự án từ năm 1997, mặt khác theo COSOP (khung hợp tác chiến lược Quốc gia – IFAD) 2012, các dự án xin tài trợ cho mỗi khu vực phải có 2 tỉnh để thiết kế chung, rất không may Hà Giang trong thời gian từ năm 2012- 2015 không có cơ hội để ghép với tỉnh nào cả. Trước điều kiện khó khăn trên, khi Dự án Phân cấp Giảm nghèo nông thôn tỉnh Hà Giang (DPPR) kết thúc, tỉnh đã cho thành lập Ban Chỉ đạo chuẩn bị dự án, bao gồm Ban quản lý dự án DPPR, các ngành có liên quan do tôi làm trưởng ban. Ban này có nhiệm vụ: Tổng kết các bài học kinh nghiệm của dự án DPPR; nghiên cứu khung hợp tác chiến lược Quốc gia – IFAD giai đoạn 2012-2017 (COSOP 2012-2017); tổng hợp các cơ sở dữ liệu liên quan đến thực trạng và mục tiêu phát triển của Hà Giang giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; đề xuất nội dung hợp tác, đề xuất với nhà tài trợ; chuẩn bị dự thảo đề cương phù hợp để trình nhà tài trợ và các cơ quan hữu quan của Chính phủ; thực hiện hàng loạt các nghiên cứu chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững và nghiên cứu về phát triển các chuỗi giá trị giúp cho việc nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và giảm nghèo bề vững. Trong thời gian qua, các thành viên của Ban này đã làm việc rất hiệu quả và được nhà tại trợ, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết về mục tiêu, đối tượng và quy mô của dự án?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến: Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn tại các xã của chương trình một cách bền vững. Các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp có lợi và bền vững trong môi trường kinh tế nông thôn mới của tỉnh theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án phấn đấu giảm 50% tỷ lệ hộ nghèo tại các xã trong chương trình, giảm 30% tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đồng thời giảm ngang bằng giữa hộ do nữ làm chủ hộ và hộ do nam làm chủ hộ. Để đạt được kết quả trên, Dự án sẽ xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hợp tác cùng có lợi. Chương trình sẽ hỗ trợ phát triển tại 30 xã thuộc các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần với tổng số trên 11.800 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi, ngoài ra còn có khoảng 8.000 hộ khác được hưởng lợi từ việc phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa. Tổng kinh phí của Chương trình ước khoảng 33,712 triệu USD; trong đó vốn đóng góp của Chính phủ Việt Nam ước tính khoảng 9,6 triệu USD, chiếm 28,4%; vốn đóng góp của người hưởng lợi khoảng 4,25 triệu USD, chiếm 12,6%. Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng sinh kế bền vững cho các hộ nghèo và cận nghèo, đặc biệt các hộ do nữ làm chủ hộ, đồng bào dân tộc thiểu số và những đối tượng thiệt thòi. Một sinh kế được coi là bền vững khi có khả năng ứng phó được với những căng thẳng và phục hồi được từ những cú sốc, cũng như duy trì hoặc tăng cường năng lực và tài sản bây giờ và trong tương lai, đồng thời không phá hủy nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết một số nội dung cụ thể, nổi bật của chương trình?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến: Điểm nổi bật của dự án lần này là việc thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo và phương pháp hỗ trợ. Thứ nhất, về cách thức giảm nghèo chủ yếu dựa trên việc phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập bền vững. Thứ hai, là chuyển từ việc hỗ trợ trực tiếp cho không sang việc cho vay thông qua phát triển mạng lưới tín dụng tiết kiệm vi mô ở nông thôn cho Hội Phụ nữ tỉnh để ban đầu thành lập nên Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ, nhằm mục đích chuyển thành Quỹ Xã hội được đăng ký vào cuối năm thứ 3 của chương trình, và cuối cùng có thể sau khi CPRP đã kết thúc, trở thành một định chế tài chính vi mô đăng kí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chương trình nhóm TKTD sẽ tập trung vào các xã nghèo hơn và đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của các hộ do nữ làm chủ hộ trong nhóm. Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm thành lập các nhóm TKTD mới. Chương trình sẽ tài trợ 0,5 triệu USD cho Hội phụ nữ để cho vay lại tới các nhóm TKTD. Nguồn vốn này cuối cùng sẽ dùng để vốn hóa Quỹ xã hội; Thứ ba, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc phát triển các chuỗi giá trị, sẽ có khoảng 3- 6 các chuỗi giá trị được triển khai; Thứ tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công lên tới 300.000 USD cho một xã để xây dựng các công trình hạ tầng mang lại lợi ích cho cộng đồng, cần thiết để phát triển các chuỗi hàng hóa mục tiêu, hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống rủi ro thiên tai. Hoạt động này sẽ được lồng ghép vào quy trình đầu tư hạ tầng nông nghiệp của chương trình MTQG NTM, được điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu của CPRP. Phần đóng góp của người hưởng lợi sẽ chiếm ít nhất 10% tổng kinh phí tại các xã đặc biệt khó khăn và 25% tại các xã khác, phần còn lại sẽ do IFAD/chương trình NTM tài trợ; Thứ năm, triển khai các hoạt động hợp tác công tư, qua đó 6 hợp đồng được ký kết tài trợ, trong đó IFAD đồng tài trợ lên tới tối đa 49% tổng chi phí đầu tư, với phần còn lại do doanh nghiệp hưởng lợi đóng góp. Doanh nghiệp có thể dùng tới 30% khoản tài trợ từ chương trình để mua dịch vụ hỗ trợ, các dịch vụ về pháp lý, kĩ thuật, tiếp thị, chứng nhận tiêu chuẩn, khuyến nông... cho khoản đầu tư vào chuỗi hàng hóa dự kiến. Chương trình sẽ tài trợ tối thiểu 15.000 USD và tối đa là 100.000 USD và ít nhất có 40% tổng số hộ gia đình hưởng lợi từ các khoản đầu tư chuỗi giá trị được hỗ trợ theo hình thức hợp tác công tư phải là hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ do nữ làm chủ hộ. Chỉ có các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp đã được đăng kí theo pháp định, có thời gian hoạt động tối thiểu là 24 tháng mới đủ điều kiện để xin được trợ cấp. Ngoài ra các trung tâm dịch vụ nông nghiệp của tỉnh có thể tham gia xin tài trợ, với điều kiện các trung tâm này phải chứng minh được các đề xuất đầu tư của trung tâm phải có lợi nhuận biên dương để có đủ khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp mới thành lập có kế hoạch kinh doanh khả thi về mặt tài chính có thể đủ tiêu chuẩn xin các khoản tài trợ nhỏ để hỗ trợ liên kết nông dân với thị trường và tập huấn cho nhân viên. Các khoản tài trợ hợp tác công tư được trao trên cơ sở cạnh tranh đối với đầu tư vốn vào công trình dân dụng, trang thiết bị (chế biến, đóng gói, tạo năng lượng hoặc bảo vệ môi trường), giao thông và tiếp cận thị trường, liên quan trực tiếp với hoạt động cốt lõi của nhà đầu tư. Trong trường hợp đề xuất đầu tư có tác động xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu và tác động xã hội đặc biệt lớn, hoặc đề xuất đầu tư có ý nghĩa then chốt để phát triển mặt hàng liên quan tại Hà Giang, Chương trình có thể tài trợ tối đa, với điều kiện IFAD chấp thuận không phản đối, lên tới 200.000 USD. Đối với hộ kinh doanh, mức tài trợ từ 5.000 USD đến 30.000 USD...
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh!
Ý kiến bạn đọc