Nậm Ngái - “điểm sáng” phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng

08:18, 18/06/2014

HGĐT - “Nậm Ngái là thôn xa nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất xã Lao Và Chải. Tuy nhiên, đây lại là “điểm sáng” của xã về nhiều mặt, trong đó có phong trào chuyển đổi cơ cấu giống kết hợp với đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Cuộc sống của bà con giờ có sự đổi thay đáng mừng, đặc biệt là không còn hộ thiếu đói giáp hạt như nhiều năm về trước” – đó là lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Lao Và Chải (Yên Minh) đã thôi thúc tôi vượt dốc lên thôn.


Cách trung tâm xã khoảng chục cây số nhưng mất cả tiếng đồng hồ tôi mới đặt chân đến trung tâm thôn Nậm Ngái. Dưới nắng hè gay gắt nhưng không khí trong thôn rất mát mẻ và dễ chịu. Đó là do thôn nằm trên núi cao và được bao bọc bởi những rừng cây xanh tốt. Anh Hoàng Quang Sáng, Bí thư Chi bộ thôn chỉ tay về những cánh rừng cho biết: “Giữ rừng trở thành truyền thống của người dân trong thôn từ nhiều đời nay. Ngoài hàng trăm ha rừng Nhà nước giao cho từng hộ dân quản lý, thôn còn có hàng chục ha rừng già nằm quanh thôn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước, quy ước và cả những tập tục truyền thống. Trong đó, tập tục cúng thần rừng hàng tháng vẫn được duy trì đều đặn. Do giữ rừng tốt nên diện tích đất ở, đất sản xuất của thôn dù nằm trên địa hình có độ dốc lớn nhưng không bị sói mòn, sạt, lở và đặc biệt giữ được nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng”.

 

Cả thôn Nậm Ngái có gần 15 ha ruộng bậc thang trồng lúa và trên 20 ha trồng ngô. Chia bình quân cho 55 hộ, trên 300 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp/đầu người không cao so với nhiều thôn trong xã, nhất là diện tích đất chỉ trồng được 1 vụ. Nhiều năm trở về trước, với điều kiện đất canh tác khó khăn, lúa, ngô trồng bằng giống địa phương, đầu tư thâm canh kém nên năng suất, sản lượng cây trồng rất thấp, cuộc sống của hầu hết các hộ gặp nhiều khó khăn, làm lụng vất vả quanh năm cũng không đủ lương thực ăn. Khoảng chục năm trở lại đây, thôn có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy sản xuất. Chuyển đổi từ việc trồng lúa, ngô địa phương sang trồng giống lúa lai do Nhà nước cung ứng. Bên cạnh đó, đầu tư, áp dụng nghiêm túc quy trình thâm canh theo chỉ đạo của cán bộ khuyến nông. Nhờ đó, năng suất lúa của thôn Nậm Ngái mấy năm gần đây luôn đạt bình quân khoảng 65 tạ/ha, năng suất này không những dẫn đầu toàn xã mà còn là niềm mơ ước của nhiều địa phương trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, bà con cũng khai khẩn thêm đất hoang, tận dụng đất vườn đồi để trồng thêm một số cây lương thực như đậu tương, lạc... Từ việc trồng lúa, ngô giống mới gắn với đầu tư thâm canh nên cuộc sống của bà con có sự chuyển biến tích cực, cả thôn giờ chỉ còn 4 hộ nghèo theo tiêu chí mới và không còn hộ thiếu lương thực trong năm. Đa số các hộ dư thừa lương thực trong năm nên đã đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu bò theo hướng hàng hóa. Có điều kiện thoát khỏi đói nghèo ngay tại địa phương nên lực lượng lao động trong thôn gắn bó với quê hương, thôn có số người sang Trung Quốc làm thuê ít nhất xã.

 

Là thôn vùng cao, 100% hộ dân tộc thiểu số nhưng đây lại là “điểm sáng” của xã trong việc thực hiện Pháp lệnh DS/KHHGĐ. Hàng chục năm nay thôn không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Đặc biệt, những cặp vợ chồng trẻ, sinh năm 1980 trở lại đây đều rất nghiêm túc, ý thức trong việc chấp hành quy định của Nhà nước, không có trường hợp nào vi phạm. Để làm tốt công tác trên là nhờ xã, thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bà con ai cũng hiểu “người đông lên, đất sản xuất ít đi là khó khăn và nghèo đói”. Bên cạnh đó, thôn cũng đưa việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch vào hương ước, quy ước của thôn để các hộ nghiêm túc thực hiện hơn. Sinh đẻ có kế hoạch, mỗi hộ chỉ có từ một đến hai con nên trẻ em trong thôn được quan tâm, chăm sóc tốt. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường luôn đảm bảo, trong đó nhiều em sau khi hoàn thành chương trình học cấp 2 ở xã còn tiếp tục tham gia theo học cấp 3 ở trung tâm huyện. Bí thư Chi bộ Hoàng Quang Sáng nói vui: “Dù là thôn vùng cao nhưng bà con trong thôn rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, vui nhất là thôn đang có khoảng chục em học sinh học cấp 3 ngoài huyện và những năm tới con số này sẽ đông hơn, trong đó có nhiều em có nguyện vọng và quyết tâm phấn đấu học lên cao nữa. Đấy không những là lực lượng lao động có kiến thức mà còn là đội ngũ kế cận cho những chức danh chủ chốt của thôn và của xã trong tương lai”.

 

“Điểm sáng” trên nhiều lĩnh vực giúp cuộc sống của người dân thôn Nậm Ngái đổi thay tích cực. Thôn sẽ phát triển hơn, thuận lợi hơn rất nhiều nếu Nhà nước đầu tư làm đường bê tông kiên cố vào trung tâm thôn, giúp bà con đi lại thuận tiện, giao lưu, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

 


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mang niềm vui đến hộ nghèo và cận nghèo
HGĐT - 75 hộ nghèo và cận nghèo (N&CN) trên địa bàn huyện Vị Xuyên, sau khi nhận tiền giải ngân từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã đầu tư mua trâu sinh sản. Từ đây, việc có sức cầy, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp cùng tài sản tăng thu nhập từ “đầu cơ nghiệp” sẽ khởi nguồn câu chuyện vui cho nhiều gia đình.
18/06/2014
Khai trương Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Hà Giang
HGĐT- Ngày 16.6, tại tổ 13, phường Nguyễn Trãi (TPHG) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) Chi nhánh Hà Giang tổ chức Lễ khai trương.
16/06/2014
Hội thảo áp dụng bộ công cụ xác định các dự án kết cấu hạ tầng ưu tiên đầu tư lần thứ II
HGĐT- Ngày 13.6, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Đối tác chiến lược Quốc gia của Tổ chức Sáng kiến phát triển các thành phố châu Á) phối hợp với UBND thành phố Hà Giang tổ chức Hội thảo áp dụng Bộ công cụ xác định các dự án kết cấu hạ tầng ưu tiên đầu tiên đầu tư thuộc Chương trình ODA lần thứ 2. Dự hội thảo có lãnh đạo Thường trực Thành ủy, UBND thành
16/06/2014
Nhiều khó khăn trong tìm hướng tiêu thụ hàng nông sản
HGĐT- Là một tỉnh miền núi, sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng triệu tấn nông sản được người dân sản xuất với đủ các loại như lúa, ngô, đậu tương, lạc, cam, chè và sản phẩm chăn nuôi... Trong điều kiện của một tỉnh mà đa phần người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì mọi sinh hoạt của họ đều trông cậy vào nông sản. Tuy nhiên
13/06/2014
Thế giới Cây và hoa Việt Nam