Mang niềm vui đến hộ nghèo và cận nghèo
HGĐT - 75 hộ nghèo và cận nghèo (N&CN) trên địa bàn huyện Vị Xuyên, sau khi nhận tiền giải ngân từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã đầu tư mua trâu sinh sản. Từ đây, việc có sức cầy, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp cùng tài sản tăng thu nhập từ “đầu cơ nghiệp” sẽ khởi nguồn câu chuyện vui cho nhiều gia đình.
Niềm vui trên được xuất phát từ việc thực hiện Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 3.3.2014 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt Phương án hỗ trợ hộ N&CN chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, huyện Vị Xuyên đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định trên một cách cụ thể. Điều đó không chỉ giúp các hộ N&CN từng bước phát triển kinh tế hộ, mà còn góp phần duy trì số lượng đàn gia súc của huyện.
Niềm mong ước có “đầu cơ nghiệp” của gia đình anh Đặng Thế Đường và chị Đặng Thị Môi đã trở thành hiện thực.
Trước đây, điều khó khăn nhất với những hộ N&CN trên địa bàn huyện Vị Xuyên chính là việc khó có được nguồn vốn (không hề nhỏ) để đầu tư mua trâu, bò sinh sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Song, nút thắt này đã được tháo gỡ bằng nguồn vốn vay định mức 22 triệu đồng/hộ, từ Ngân hàng CSXH huyện Vị Xuyên, trong vòng 5 năm kể từ ngày giải ngân (trong đó, trích 2 triệu đồng sử dụng vào việc trồng cỏ và làm chuồng). Trong 36 tháng đầu, người hưởng lợi được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay. Thời gian còn lại, lãi suất được tính theo giá ưu đãi dành cho khách hàng (0,78%/tháng đối với hộ cận nghèo và 0,65%/tháng đối với hộ nghèo). Đồng thời, được hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin và tiền công tiêm phòng cho đàn trâu, với định mức không quá 3.000 đồng/mũi tiêm (theo Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND ngày 14.7.2012 của HĐND tỉnh). Cùng với đó, các hộ vay vốn còn được tham gia các lớp tập huấn về hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn vay; kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi trâu sinh sản; kỹ thuật phát hiện động dục để thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc,... Trong 5 năm, nếu nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả thì khi trâu mẹ cho ra đời những lứa trâu nghé, sẽ giúp các hộ dễ dàng giải quyết bài toán hoàn trả tiền gốc cho Ngân hàng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 75 hộ, thuộc 6 xã như: Ngọc Minh, Tùng Bá, Minh Tân... được vay vốn Ngân hàng CSXH huyện và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Có dịp cùng đi với Giám đốc Ngân hàng CSXH Vị Xuyên, Nguyễn Khánh Nghị đến thôn Khuổi Vài, xã Ngọc Linh thăm các hộ thụ hưởng nguồn vốn vay, vào đúng dịp thu hoạch lúa vụ Xuân. Từ đây, bao nỗi niềm của người nông dân được tỏ bày. Anh Lý Văn Xuân chia sẻ: Vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ở riêng từ năm 2010. Nhưng với điều kiện kinh tế thuộc diện hộ cận nghèo, gia đình anh chưa thể mua trâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không có trâu, đồng nghĩa với việc anh luôn bị động khi mượn trâu hàng xóm, để làm công việc đồng áng của gia đình. Bởi có những mùa vụ, nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Ngọc Linh chỉ trông chờ vào nguồn nước sau những cơn mưa để cầy, bừa. Những gia đình có trâu sẽ tranh thủ thời điểm này để lao động, sản xuất. Còn nhiều gia đình như anh Xuân phải chờ đến khi trâu của gia đình khác rảnh việc mới có thể mượn. Đôi khi, việc chờ đợi ấy làm lỡ dịp thuận lợi để cầy, bừa và lỡ cả khung lịch thời vụ nên năng suất cây trồng không đảm bảo, kéo kinh tế gia đình anh đã nghèo lại thêm khó... Nhưng giờ đây: “Niềm mong ước có trâu để chủ động công việc nhà nông từ bao năm, đến nay đã trở thành hiện thực. Tôi vui lắm, mừng lắm. Chỉ biết cảm ơn Ngân hàng CSXH huyện đã tin tưởng cho gia đình tôi vay vốn để mua trâu thôi!”, anh Xuân không giấu được niềm vui...
Cũng như anh Xuân, chị Đặng Thị Môi không khỏi xúc động: “Gia đình tôi đã từng hỏi nhau: Không biết bao giờ mới có tiền mua được trâu để cầy, kéo như ngày trước? Thật bất ngờ khi gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn, để thực hiện điều mong ước ấy”. Năm trước, con trâu đực to, khỏe của gia đình chị không may bị chết vì bệnh tụ huyết trùng. Bao giọt nước mắt của gia đình chị đã rơi, vì biết tài sản vài chục triệu đồng ấy, khó có thể mua lại được. Hơn nữa, nhiều công việc nhà nông nếu không có sức trâu sẽ rất chật vật, nhất là với một gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn như gia đình chị... Nhưng nay, quá khứ ấy khép lại và niềm vui nhân đôi thực sự đến với gia đình chị, khi con trâu mới mua về đã mang thai. Chị mỉm cười dự tính: “Trâu nghé phải được vỗ béo để bán lấy tiền, trả tiền gốc cho Ngân hàng. Không thể phụ niềm tin của Ngân hàng đã giúp vốn gia đình lúc khó khăn được!”...
Tại thời điểm này, còn biết bao gia đình khác như gia đình anh Xuân, chị Môi đang chung niềm hân hoan khi có “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Và Ngân hàng CSXH huyện Vị Xuyên chính là cầu nối giữa Quyết định số 352 của UBND tỉnh để mang niềm vui đến những gia đình thuộc diện hộ N&CN, có nhu cầu vay vốn thực sự để mua trâu sinh sản, phục vụ sản xuất nông nghiệp và từng bước xóa đói, giảm nghèo...
Ý kiến bạn đọc