Tín hiệu vui trong thu hút đầu tư
HGĐT- 9 Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) được cấp, 5 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh và các doanh nghiệp được ký với tổng vốn trên 5.266 tỷ đồng; nhiều danh mục thu hút đầu tư đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đây thực sự là điểm nhấn, khẳng định thành công bước đầu của quá trình vận động, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
“Nằm trong tốp những địa phương khó khăn nhất nước, nhưng Hà Giang có tiềm năng, thế mạnh mang tính khác biệt, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch với sản phẩm đặc hữu... đây sẽ là lĩnh vực thu hút đầu tư rất lớn, nếu địa phương có chính sách cụ thể để phát huy” - đó là nhận xét, chia sẻ của nhiều đại biểu dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2014 mà chúng tôi ghi nhận được. Với đặc điểm địa hình chia cắt mạnh đã hình thành 3 tiểu vùng khác nhau về độ cao, thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng. Trong đó, các huyện vùng cao núi đá phía Bắc, địa hình dạng hoang mạc đá với nhiều cảnh quan hùng vĩ, nhiều di sản địa chất có giá trị khoa học. Vùng này có lợi thể phát triển thành trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử, khoa học, mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tiểu vùng này khí hậu ôn đới, có tiềm năng phát triển các loài dược liệu quý như thảo quả, đỗ trọng, huyền sâm, ý dĩ, actiso, chăn nuôi bò, ngựa, ong mật. Các huyện vùng núi đất phía Tây, khí hậu thích hợp trồng cây bán ôn đới, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến, gắn với trồng rừng, nuôi cá nước lạnh... Còn vùng đồi núi thấp, nơi có hệ thống giao thông thuận lợi, có cửa khẩu, thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn kinh tế biên mậu. Đây cũng là vùng diện tích đất lớn, phù hợp trồng các loại cây có múi, cây công nghiệp, chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp sạch.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Đồng Văn đi xã Tả Lủng và Sủng Trà, dài trên 13 km, được cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn WB đã tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Từ những tiềm năng, lợi thế, đồng thời xác định rõ thế đứng, chủ động khai thác sự khác biệt, qua mỗi thời kỳ, tỉnh ta đều ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Thời gian gần đây, để tập trung đầu mối thu hút đầu tư, tỉnh đã thành lập Trung tâm Tư vấn xúc tiến đầu tư và Ban vận động ODA, đảm nhiệm vai trò tham mưu, vận động các nguồn vốn ODA, NGO... Với phương châm duy trì hệ thống quản lý hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chung cho tất cả các chương trình, dự án ODA. Vì vậy, hoạt động thu hút đầu tư, vận động các nguồn vốn đã có nhiều tín hiệu khả quan. Riêng năm 2013, tỉnh ta vận động, thu hút 11 dự án, tổng mức đầu tư trên 200 triệu USD, trong đó 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ, 1 dự án được ký hiệp định vay vốn. Các dự án tiêu biểu như cải thiện nông nghiệp, vốn vay WB7, tổng mức đầu tư 29 triệu USD; đường Đông Hà - Cán Tỷ - Lao Và Chải, vốn vay Ả - rập - xê út, tổng mức đầu tư 26,5 triệu USD; chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa do IFAD tài trợ, tổng mức đầu tư khoảng 34 triệu USD; dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển thành phố loại II do ADB tài trợ, tổng mức đầu tư giai đoạn I dự kiến 70,7 triệu USD... thực sự là những điểm sáng về thu hút đầu tư.
Ở một khía cạnh, khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, được hưởng các chính sách ưu đãi giá thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi địa bàn đầu tư, đồng thời giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của T.Ư đối với từng dự án; việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các dự án đầu tư được thực hiện theo cơ chế “một cửa một đầu mối”. Chính vì vậy, từ năm 2011 - 2013, tỉnh ta đã cấp Giấy CNĐT cho 49 dự án với tổng vốn 2.477 tỷ đồng thuộc lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, trồng rừng, xây dựng trang trại chăn nuôi...
Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua, UBND tỉnh đã trao 9 Giấy CNĐT với tổng số vốn trên 3.683 tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Trong đó, có dự án số vốn đầu tư vượt con số nghìn tỷ đồng như: Dự án trồng cao su thuộc Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang, tổng mức đầu tư trên 1.560 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Sông Lô 2 của Công ty TNHH Thanh Bình, mức đầu tư trên 1.040 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp như: Tập đoàn Đầu tư phát triển VID thuộc Ngân hàng Hàng Hải đối với Dự án Xây dựng nhà hợp khối các cơ quan hành chính tỉnh, tổng mức đầu tư trên 553 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh với Dự án Nhà máy chế biến dược liệu và Nhà máy sản xuất phân bón, tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; Công ty TNHH Miền Tây với Dự án Nhà máy thủy điện Nậm Mạ I, tổng mức đầu tư dự kiến 630 tỷ đồng.
Đây thực sự là tín hiệu vui, nhưng để Hà Giang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, các thông tin được doanh nghiệp chia sẻ dưới đây cũng gợi mở nhiều vấn đề cần suy nghĩ, sớm tháo gỡ. Trao đổi với đồng nghiệp chúng tôi ở Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cho biết: Các sở, ban, ngành cần đồng thuận, đồng hành cùng doanh nghiệp, phải có ý thức phục vụ, hỗ trợ, tạo điều kiện, đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý đơn thuần mà có những xử lý, hành xử không mang tính xây dựng. Cùng với việc kêu gọi vốn, tỉnh cần có giải pháp mạnh hơn về cắt giảm thủ tục hành chính. Còn ông Bùi Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn cho hay: Tỉnh cần áp dụng nghiêm các chế độ, chính sách của Nhà nước, giảm bớt những thứ không quan trọng, giảm quan liêu, nhũng nhiễu ở bộ máy quản lý, xóa bỏ “giấy phép con” và nhiều giấy tờ rườm rà khiến doanh nghiệp tốn thời gian, kinh tế, trí tuệ, công sức.
Có mặt trực tiếp chủ trì, chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh, Hà Giang cần cụ thể hóa quy hoạch vùng với cơ chế, chính sách cụ thể đi kèm; đẩy mạnh liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mang tính liên kết cao. Đối với những danh mục đầu tư, cần cụ thể hơn nữa, cung cấp nhiều thông tin để các nhà đầu tư, tổ chức trong nước, quốc tế dễ tiếp cận. Hà Giang cần cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, cải cách hành chính theo hướng thuận lợi nhất, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh...
Mong rằng những “điểm nghẽn”, lực cản thu hút đầu tư sớm được tháo gỡ để tiềm năng, thế mạnh được phát huy, khai thác một cách hiệu quả, hữu ích... từng bước đưa Hà Giang phát triển.
Ý kiến bạn đọc