Sau “chợ Việt” là chợ phiên
HGĐT- Tháng 10.2011, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến công thương Hà Giang tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về xã Xín Chải, một xã biên giới của huyện Vị Xuyên. Khi hết phiên chợ đưa hàng Việt, người dân ở đây theo thói quen đúng ngày thứ tư trong tuần lại mang những hàng nông sản gia đình sản xuất đem ra bán và mua những vật dụng cần thiết về sử dụng.
Chợ phiên Xín Chải được họp vào thứ tư hàng tuần.
Từ đó chợ phiên tự phát của xã Xín Chải hình thành, họp vào các ngày thứ tư trong tuần và duy trì đến bây giờ. Tuy là tự phát nhưng chợ ở đây cũng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và rất phong phú để người dân lựa chọn.
Được họp trên khoảng đất khá khiêm tốn, nền chợ được mượn là sân bóng truyền của UBND xã, nhưng chợ phiên Xín Chải họp từ khá sớm. Mới 6h sáng chợ đã có rất nhiều người đến trao đổi hàng hóa. Trung bình mỗi phiên có khoảng 15-20 gian hàng của các tiêu thương từ các xã lân cận mang hàng đến bán cho bà con, giá hàng hóa không chênh lệnh so với chợ Cửa khẩu Thanh Thủy hay thành phố Hà Giang. Anh Triệu Văn Hồn, thôn Nặm Lầu, xã Xín Chải cho biết: trước kia khi chưa có chợ phiên này, mình đều phải ra tận Thanh Thủy mua vật dụng về dùng, nay có chợ này rồi vui lắm, chẳng phải đi xa mà mua được nhiều mặt hàng ưng ý. Bên cạnh đó mình cũng thỉnh thoảng mang con lợn hay cái bắp ngô ra đây bán mà...”.
Có mặt bán hàng từ những ngày đầu tiên họp chợ phiên, anh Trần Hữu Huy, một tiểu thương cho biết: Khi tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về đây tháng 10.2011, khi đó tôi cũng tham gia bán hàng, thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của dân cũng khá nhiều nên tôi cùng mấy tiêu thương nữa quyết định vào thứ tư hàng tuần lại mang hàng vào bán cho bà con. Bà con thấy vậy nên hình thành thói quen xuống chợ để mua bán hàng hóa.
Chợ ở đây bày bán các mặt hàng tiêu dùng, người dân chủ yếu đến để mua những mặt hàng thiết yếu chứ chưa có nhiều hàng nông sản của gia đình mang đến bán, chính vì vậy việc sản xuất, chăn nuôi hướng hàng hóa trong dân còn rất hạn chế. Bí thư Đảng ủy xã,Bồng Văn Ơn cho biết: Chủ trương, định hướng của xã là tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hướng hàng hóa để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhưng chủ trương đó vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trình độ hiểu biết, tập quán chăn nuôi của người dân chưa thay đổi rõ rệt. Bên cạnh đó xã không có kinh phí mở rộng mặt bằng, đầu tư xây chợ để thu hút tiểu thương cũng như người dân tham gia trao đổi hàng hóa.
Những năm trước đây, Hà Giang có thời điểm quy hoạch và xây nhiều chợ phiên tại các xã nhiều chợ xây xong phát huy hiệu quả, nhưng cũng có nhiều chợ xây xongkhông có ai họp vì nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng bỏ hoang, các hạng mục xây dựng ngày xuống cấp, tốn nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Vậy mà chợ phiên Xín Chải dù là tự phát nhưng tính hiệu quả rất rõ rệt, để phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có một phiên chợ quy củ, có mặt bằng để họp chứ không phải mượn sân bóng truyền của UBND xã như hiện nay.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm KCXTCT tỉnh cho biết: Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, với mục đích đưa hàng Việt đến tay người dân là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, để người dân nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng, với giá bán hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng. Và sau những lần tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về như vậy, người dân có thói quen tập trung họp chợ hàng tuần và duy trì như xã Xín Chải là việc rất tốt, chợ sẽ là nơi để người dân giao lưu, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển...
Ý kiến bạn đọc