Màu xanh dưa hấu trên đất cằn Phong Quang
HGĐT- Về xã Phong Quang (Vị Xuyên) thời điểm này, những dây dưa hấu vươn dài như muốn mang màu xanh của mình giấu đi khoảng đất trống khô cằn, trở thành hình ảnh đầy ấn tượng... Bởi từ lâu, dưa hấu đã là cây trồng giúp bao nông hộ an lòng trước sự bất thuận của tự nhiên, khi nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã luôn trong tình trạng khan hiếm, nhất là vào mùa khô.
Trên nhiều diện tích đất nông nghiệp, màu xanh căng tràn sức sống của các loại cây trồng nhường chỗ cho sự nứt nẻ, khô cằn khiến người dân không khỏi xót lòng, khi Phong Quang – xã thuần nông nhưng không đủ điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm. Trước khó khăn ấy, cây dưa hấu tỏ rõ sự thích nghi đặc biệt với mảnh đất cằn để đồng hành cùng người nông dân giải quyết bài toán giảm nghèo.
Người dân thôn Lùng Càng chăm sóc dưa hấu.
Biết bao thế hệ người dân xã Phong Quang đã từng “đánh vật” với câu hỏi: Lựa chọn cây trồng gì cho phù hợp, để tăng thu nhập cho gia đình khi mảnh đất cằn luôn kén cây trồng?. Trong năm, cả xã chỉ có 1/6 thôn cấy được lúa 2 vụ. Những diện tích khác được chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, đậu tương nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Và nhiều diện tích đất còn lại đành bỏ hoang vì sự khô cằn, khiến cuộc sống của người dân không ngừng chật vật. Bằng chứng cho thấy, từ năm 2010 đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ nhích từ con số khiêm tốn 6 triệu đồng lên 8 triệu đồng/người/năm. Trước thực tế ấy, nhiều năm về trước; cây dưa hấu đã là lời giải cho bài toán trồng cây gì sau thu hoạch lúa vụ Mùa. Tuy nhiên, tín hiệu vui này chỉ đến với 2 thôn vùng thấp của xã là Lùng Càng và Bản Mán, nơi có điều kiện thuận lợi hơn các thôn còn lại về nguồn nước tưới. Song, để có được những cánh đồng dưa hấu với những quả dưa vỏ mỏng, ruột đỏ, vị ngọt đậm và nặng từ 2-2,5kg được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thì bao giọt mồ hôi của người nông dân đã rớt rơi để những cánh đồng dưa hấu lên xanh, sai quả mùa thu hoạch.
Đến thăm cánh đồng dưa hấu trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển của gia đình anh Tráng Kín Sèn (thôn Lùng Càng) mới có thể cảm nhận được phần nào sự nhọc nhằn mưu sinh của người nông dân trên mảnh đất khó. Với trên 1ha dưa hấu trồng trên đất lúa, gia đình anh Sèn là hộ có nhiều diện tích đất trồng dưa nhất xã, góp phần nâng tổng số diện tích dưa hấu của xã lên 9ha (tăng 4ha so với năm 2010). Năm trước, chỉ với 2.000m2 đất trồng dưa hấu đã mang lại cho gia đình anh Sèn lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Từ kết quả này cùng quá trình đúc rút kinh nghiệm sau nhiều năm trồng dưa, năm 2014, gia đình anh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dưa hấu để tăng thu nhập. Anh Sèn chia sẻ: “Chỉ cần tính hiệu quả kinh tế của 10.000 trên tổng số 16.000 dây dưa hấu trong ruộng thôi, đến vụ thu hoạch gia đình tôi có thể thu trên 30 tấn quả rồi”. Tuy nhiên, kết quả này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc dưa, nhất là việc đảm bảo nguồn nước tưới. Mặc dù là thôn vùng thấp, nhưng tại thời điểm này, nhiều khe, suối, mương dẫn nước đã không đủ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho các loại cây trồng. Nhiều hộ phải bơm nước từ giếng khoan để tưới cho ruộng dưa, khiến chi phí đầu tư trở thành con số “nặng” so với mức thu nhập của người dân ở đây.
Trước khó khăn ấy, nhiều gia đình đã thực hiện che phủ nilon ngay từ khi làm đất, gieo hạt cho những luống dưa. Việc làm này không chỉ hạn chế được sự phát triển của cỏ dại mà còn giảm sự bốc hơi nước trong đất, giữ cho đất ẩm nên tiết kiệm được lượng nước tưới. Đồng thời, những luống dưa được che phủ nilon còn chống hiện tượng rửa trôi phân bón, giúp cây hấp thụ lượng dinh dưỡng tối đa để mang lại giá trị kinh tế, tiết kiệm nhiều công lao động và hạn chế sự xâm nhập của các loại sâu, bệnh. Cùng với đó, vào mùa thu hoạch, thị trường thành phố sẽ là nơi tiêu thụ phần nhiều sản phẩm cho các nông hộ, khi xã Phong Quang có vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách thành phố Hà Giang 6km...
Trước sự khắc nghiệt của tự nhiên, khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trở nên khô cằn. Nhưng màu xanh từ những ruộng dưa vẫn trở thành niềm hy vọng cho bao nông hộ về một tương lai no ấm, khi nhiều gia đình như anh: Tráng Kín Sèn, Hoàng Văn Lê, Hoàng Văn Tình; với nguồn thu nhập từ dưa hấu đã góp phần đưa kinh tế gia đình vượt lên chữ nghèo để cải thiện cuộc sống gia đình.
Ý kiến bạn đọc