Không quá 3 giây để thông quan một lô hàng hóa
HGĐT- 33 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa được vận hành thử, cam kết tham gia hệ thống Hải quan tự động; nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ được tổ chức cho cán bộ và doanh nghiệp từ đầu năm đến nay; hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại... Hải quan Hà Giang sẵn sàng vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VICS vào ngày 14.5 tới.
Không quá 3 giây để thông quan một lô hàng hóa khi hệ thống thông quan tự động VNACCS/VICS được triển khai. Đây thực sự là thông tin rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, tạo thuận lợi hơn nữa, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục Hải quan. Nhằm chuẩn bị vận hành hệ thống VNACCS/VICS, ngay từ đầu năm, Hải quan Hà Giang đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực, tham gia đào tạo, tập huấn tại Tổng cục Hải quan và tự tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, các doanh nghiệp, tiến hành chạy thử hệ thống VNACCS/VCIS... Đến nay, công tác chuẩn bị của Hải quan Hà Giang đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành chính thức vào ngày 14.5 tới - bà Nguyễn Thị Quỳnh, Phó phòng Nghiệp vụ Cục Hải quankhẳng định.
Khi hệ thống VNACCS/VICS được vận hành, Hải quan Hà Giang sẽ chuyển từ quản lý hàng hóa sang quản lý doanh nghiệp.
Hệ thống VNACCS/VICS được phát triển trong khuôn khổ Dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Triển khai dự án này, phía Việt Nam - Nhật Bản đã huy động lực lượng hùng hậu chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, thực hiện trên 30 phiên làm việc với hơn 600 lượt công tác, gần 3 nghìn ngày công lao động. Khi thực hiện VNACCS/VICS sẽ rút ngắn thời gian thông quan, thời gian trung bình đối với luồng hàng xanh của hệ thống sẽ không quá 3 giây. Hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu như: Tự động xác định thuế suất cho từng mã, kể cả thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các thỏa thuận và tự tính thuế cho từng dòng hàng cũng như từng tờ khai, khai thông tin trước và có thể sửa đổi thông tin nhiều lần; doanh nghiệp hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu. Đồng thời, cả doanh nghiệp và Hải quan sẽ giảm phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ bởi tất cả đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống.
Ông Lê Ngọc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Giang cho biết: Đối với cơ quan Hải quan, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước. Bởi lẽ, hệ thống VNACCS/VCIS hướng đến phương pháp quản lý doanh nghiệp thay vì quản lý thiên về hàng hóa như hiện nay; cung cấp nhiều tính năng hiện đại để quản lý người khai hải quan, các quy trình thủ tục được đơn giản, chuẩn hóa; áp dụng tối đa công nghệ thông tin nên vừa giảm tải áp lực công việc, vừa hỗ trợ công tác giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan với hàng hóa XNK, cũng như hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập, tái xuất; hướng đến triển khai cơ chế một cửa quốc gia, giảm thiểu giấy tờ do sử dụng chữ ký số...
Trong quá trình chuẩn bị và chạy thử hệ thống VNACCS/VCIS, Hải quan Hà Giang đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực, tích cực và chủ động. Qua theo dõi cho thấy, thời gian đầu các doanh nghiệp tham gia tập huấn rất lo lắng, bởi việc khai báo tờ khai hải quan theo hệ thống mới lên tới hàng trăm tiêu chí. Nhưng qua nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn tại Cục Hải quan và các Chi cục Hải quan cửa khẩu, nhận thức của các doanh nghiệp được nâng lên, việc tiếp cận đã có tín hiệu tích cực nên quá trình khai báo, chạy thử bước đầu có nhiều chuyển biến. Khi vận hành thử hệ thống mới, Cục Hải quan đã bố trí, phân công cán bộ nghiệp vụ, cán bộ tin học thường xuyên túc trực, cùng tìm cách tháo gỡ, giải quyết vướng mắc phát sinh. Qua đó, các doanh nghiệp đều nhận thấy, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS thực sự đem lại hiệu quả khi có thể rút ngắn thời gian thông quan và chi phí nên rất tích cực, chủ động tham gia vào lộ trình triển khai hệ thống mới. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp tham gia chạy thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS tại Cục Hải quan đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hệ thống khai báo hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình chạy thử nghiệm hệ thống mới cũng gặp một số khó khăn: Các doanh nghiệp, tư thương trên địa bàn tỉnh chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, không ổn định, việc đầu tư, trang bị hạ tầng kỹ thuật trong giao dịch điện tử đảm bảo khai báo, truyền nhận, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan còn hạn chế. Ngoài ra, các cửa khẩu như Xín Mần, Phó Bảng, Săm Pun nằm xa trung tâm, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, hệ thống internet không ổn định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt... ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu của hệ thống VNACCS/VCIS.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quỳnh cho biết thêm: Để triển khai chính thức hệ thống thông quan hàng hóa tự động vào ngày 14.5, Cục Hải quan đang tiến hành thu thập, cập nhật đầy đủ thông tin về hồ sơ doanh nghiệp, tiêu chí quản lý rủi ro vào hệ thống; rà soát, phân quyền người sử dụng trên hệ thống; kiểm tra cài đặt phần mềm đầu cuối của VNACCS/VCIS, cài đặt hệ thống máy chủ, kiểm tra hạ tầng mạng, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống; rà soát dây chuyền nghiệp vụ, thành lập nhóm chuyển đổi cơ sở dữ liệu. Hải quan Hà Giang phối hợp với Tổng cục Hải quan chuyển đổi các hệ thống thông tin như: Hệ thống thông quan điện tử phiên bản 4.0 đang thực hiện tại Chi cục HQCK Thanh Thủy và Chi cục Hải quan Tuyên Quang, hệ thống giá tính thuế GTT01, kế toán thuế KT559 và triển khai vận hành hệ thống thông tin tâp trung như hệ thống thông quan điện tử tập trung E-customs, hệ thống kế toán thuế tập trung KTT, hệ thống giá tính thuế GTT02 tại tất cả đơn vị có liên quan.
Ý kiến bạn đọc