Khẳng định vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn

07:09, 27/05/2014

HGĐT- Khuyến nông Hà Giang được xây dựng và phát triển là yêu cầu tất yếu của điều kiện sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động khuyến nông không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.


Các hoạt động khuyến nông đã tập trung vào thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, các định hướng, chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh và yêu cầu, chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Vai trò hoạt động khuyến nông đã được khẳng định trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới.


Thực hiện Nghị định số 13/NĐ-CP, ngày 02/3/1993 của Chính phủ về công tác khuyến nông, cùng với sự ra đời, hình thành và phát triển của hệ thống khuyến nông trên cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 217/QĐ-UB, ngày 28/5/1994 của UBND tỉnh Hà Giang. Để tiếp tục phát triển và củng cố mạng lưới khuyến nông, ngày 15.6.1994, Sở Nông, lâm, thủy lợi (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT) ban hành Quyết định số 313/QĐ-UB và Quyết định số 314/TC-NLTL về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các Trạm Khuyến nông huyện, thị xã. Xác định công tác khuyến nông là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân, ngày 29.6.1998, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 23/CT-UB về công tác Khuyến nông nhằm nâng hiệu quả hoạt động khuyến nông và trách nhiệm của các cấp, các ngành với nhiệm vụ khuyến nông theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 (Khóa XII) về củng cố và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông...


Ngay sau khi thành lập, do xác định được vai trò, nhiệm vụ của công tác khuyến nông nên công tác tuyển chọn cán bộ luôn được quan tâm. Các cán bộ khuyến nông thường xuyên được tham gia đào tạo, tập huấn để ngày càng hoàn thiện bản lĩnh, kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống khuyến nông Hà Giang được đánh giá hoàn thiện nhất trên cả nước kể cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Hiện tại 100% huyện, xã, phường, thị trấn và thôn bản hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp đều có cán bộ khuyến nông. Nếu như khi mới thành lập, hệ thống khuyến nông có 89 cán bộ, trong đó cấp tỉnh là 10 cán bộ, cấp huyện 79 cán bộ thì đến nay, hệ thống khuyến nông trên địa bàn toàn tỉnh gồm 2.442 người và được chia thành 4 cấp, trong đó: Cấp tỉnh 17 người, cấp huyện 85 người, cấp xã gồm 190 cán bộ khuyến nông chuyên trách và 182 cán bộ khuyến nông bán chuyên trách, cấp thôn bản là 1.968 người. Việc hình thành và kiện toàn, hoàn thiện hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, ngoài việc thúc đẩy năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp thì đây là môi trường thuận lợi để tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người cán bộ nhằm phục vụ lâu dài và có ích cho xã hội, cộng đồng...


        Mô hình phát triển sản xuất nhân giống lạc L14 năm 2013. Ảnh: CTV

Từ khi thành lập đến nay, công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới về sản xuất nông, lâm nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của hoạt động khuyến nông. Đã tổ chức được tổng số 26.903 lớp tập huấn từ tỉnh đến cơ sở với 1.045.407 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn đối với cán bộ khuyến nông các cấp tập trung vào các kỹ năng, phương pháp trong công tác khuyến nông, các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất NLN. Đối với cán bộ khuyến nông bán chuyên trách, khuyến nông thôn bản, nông dân tập huấn theo yêu cầu mùa vụ, điều kiện sản xuất của từng vùng, tập trung vào kỹ thuật thâm canh lúa, ngô, đậu tương, lạc; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật ủ phân chuồng bằng chế phẩm, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi... Trong giai đoạn năm 1998 đến năm 2002, bằng sự giúp đỡ của Dự án HPM, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các Trạm Khuyến nông xây dựng thành công 15 Câu lạc bộ Khuyến nông với 475 hộ tham gia, 200 nhóm sở thích với 1.693 hộ tham gia, 1 làng khuyến nông tự quản... Hàng năm hệ thống khuyến nông trên toàn tỉnh còn lựa chọn những hộ gia đình sản xuất giỏi làm nòng cốt cho việc tuyên truyền, vận động bà con, nhất là hộ đói, hộ nghèo, nơi vùng sâu, vùng xa áp dụng theo quy trình kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống, tăng vụ... qua đó người nông dân đã tin tưởng vào kết quả của công tác tập huấn, góp phần tăng năng suất, sản lượng các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các hoạt động của khuyến nông, nhất là công tác đào tạo, tập huấn, khuyến nông đã thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của nhà nông, là người trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch mùa vụ, thâm canh tăng vụ, đồng thời phổ biến các chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Công tác huấn luyện và thông tin tuyên truyền cũng đã góp phần quan trọng vào hoạt động khuyến nông trong 20 năm qua. Để thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền cho nông dân, dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, hệ thống khuyến nông đã chủ động và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, cụ thể: Xây dựng thành công 409 chuyên mục và 18 chuyên trang đăng trên Báo Hà Giang; 266 chuyên mục phát trên Đài PT-TH và dịch ra 2 thứ tiếng Mông và Dao phát trên truyền hình và các trạm TVRO của các huyện trong tỉnh với 138 chuyên mục. Các chuyên mục tập trung vào hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật, các kinh nghiệm sản xuất và các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Biên soạn và phát hành 48.000 cuốn Sổ tay khuyến nông với 4 lần tái bản để cán bộ khuyến nông các cấp, nông dân chủ chốt làm tài liệu, cẩm nang học tập nâng cao kiến thức và hướng dẫn chỉ đạo nhân dân sản xuất; 402.400 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật các loại, 24.720 sách hướng dẫn kỹ thuật và in sao 7.389 đĩa hướng dẫn kỹ thuật giúp cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân có tài liệu học tập áp dụng vào sản xuất tại chính đồng ruộng, chuồng trại của gia đình; xuất bản 24 số ấn phẩm “Thông tin Khuyến nông” với 53.180 cuốn phát các đơn vị có liên quan và hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh; tổ chức tôn vinh những gương lao động, sản xuất giỏi trong 20 năm, tổ chức các hội thi, đăng cai thành công nhiều hội nghị, hội thảo lớn và tổ chức tốt các diễn đàn khuyến nông mang lại hiệu quả cao... Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, công tác khuyến nông được cấp ủy chính quyền cơ sở và bà con nông dân đánh giá cao. Thương hiệu “Khuyến nông” đã thực sự trở thành người bạn, người đồng hành cùng người dân trong quá trình sản xuất và phát triển kinh tế ở địa phương.


Có thể nói trong 20 năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, vai trò của hoạt động khuyến nông đã được khẳng định, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi, phát huy được tiềm năng nhân lực, đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa bàn, đẩy mạnh thâm canh, đầu tư các giống cây trồng vật nuôi mới, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao. Ngay từ khi thành lập, được sự giúp đỡ của các chương trình, dự án từ Trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông đã chỉ đạo xây dựng thành công trên 1.000 mô hình trình diễn khuyến nông với gần 10 nghìn hộ nông dân tham gia. Đây là một hình thức chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kết quả cao nhất. Từ kết quả của mô hình đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác cũ bằng kỹ thuật mới. Ngoài ra, các hoạt động khuyến nông còn tập trung vào các chương trình như: Mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cụ thể như các mô hình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, về nông - lâm nghiệp, về khuyến công... Hầu hết các mô hình đều đạt kết quả tốt, cây trồng, vật nuôi đều có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn. Năng suất đều vượt hơn so với sản xuất đại trà từ 1,5 - 2 lần, đem lại thu nhập cao cho người lao động. Kết quả rõ nét nhất của công tác khuyến nông trong những năm qua là cơ cấu giống lúa, giống ngô trong toàn tỉnh chuyển đổi mạnh theo hướng tăng nhanh thâm canh giống lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới có năng suất chất lượng cao. Trên đất một vụ lúa đã hình thành công thức luân canh, xen canh: Ngô xuân - lúa Mùa chính vụ hoặc đậu tương Xuân - lúa Mùa. Các huyện vùng cao núi đá cũng đã hình thành công thức luân canh: Ngô Xuân hè - đậu tương thu Đông... Các huyện vùng thấp đã hình thành công thức luân canh 3 vụ: Lúa xuân – lúa Mùa – cây vụ Đông (rau, ngô, khoai tây..). Là tỉnh nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp vẫn xác định cây lúa và cây ngô là những cây trồng chính, quan trọng. Do tăng cường hoạt động khuyến nông, mở rộng diện tích thâm canh, nên tổng sản lượng lương thực quy thóc của toàn tỉnh năm 1994 là 145.257 tấn đến năm 2013 là 383.925 tấn tăng 264%; lương thực bình quân đầu người năm 1994 là 270 kg/người/năm thì đến năm 2012 là 487 kg/người/năm, tăng 180%...


Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuật nông, lâm nghiệp thông qua các chương trình đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền và xây dựng mô hình trình diễn, coi đây là khâu đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Xây dựng vùng sản xuất lúa, ngô, đậu tương, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp tập trung có năng suất và chất lượng cao ở các huyện. Đẩy mạnh việc phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc ở vùng cao, tăng sản phẩm chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao chất lượng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Tập trung cho việc xóa đói giảm nghèo bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống, dân trí cho nhân dân. Phấn đấu giảm mạnh chi phí sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp trên 1 ha canh tác. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao chất lượng hàng hoá, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn giàu đẹp. Củng cố, xây dựng tổ chức hệ thống khuyến nông toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đối với khuyến nông cơ sở xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác củng cố xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, để hệ thống khuyến nông có chuyên môn, vững tay nghề và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, phục vụ tốt và lâu dài cho sự nghiệp phát triển sản xuất NLN tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, Trạm khuyến nông các huyện, thành phố, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến nông để kịp thời phát hiện và uốn nắn những thiếu sót, hạn chế trong tổ chức thực hiện; đồng thời biểu dương, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông trên địa bàn.


ĐÀO THU THỦY (Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản: Phấn đấu doanh thu trên 38 tỷ đồng trong quý II
HGĐT- Hết quý I. 2014, Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản đạt doanh thu trong sản xuất, kinh doanh 34.510.409.189 đồng, tăng khá so cùng kỳ, nộp ngân sách Nhà nước 8.011.642.933 đồng. Kết quả trên là sự cố gắng lớn của tập thể cán bộ, công nhân doanh nghiệp.
27/05/2014
Hiệu quả các lớp dạy nghề nông nghiệp
HGĐT- Sau mỗi lớp học, bà con biết cách chăm sóc các loại cây, con đúng kỹ thuật, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
24/05/2014
Điểm sáng trong phát triển kinh tế ở Việt Quang
HTX Tiểu thủ công nghiệp mây tre đan xuất khẩu Việt Quang (Bắc Quang) được thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các loại mâm vuông, mâm tròn, khay, bàn nghế, giỏ hoa, các loại hộp bằng mây tre đan... Với sự năng động trong hoạt động sản xuất, không ngừng tiếp cận thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX ngày một phát triển, trở thành điểm sáng
24/05/2014
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra việc khai thác khoáng sản tại xã Minh Sơn
HGĐT- Ngày 22.5, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra việc khai thác khoáng sản tại xã Minh Sơn (Bắc Mê). Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Công thương, huyện Bắc Mê.
23/05/2014
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.