Mô hình trồng Tống quán sủ gắn Thảo quả ở Xín Mần
HGĐT- Trong những năm qua, huyện Xín Mần đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân như: Mô hình trồng ngô hàng hóa; mô hình trồng và chế biến chè; mô hình phát triển cây dong riềng... Mỗi mô hình đều mang lại những lợi ích riêng biệt cho bà con nhân dân. Tuy nhiên với mô hình trồng Tống quán sủ gắn với Thảo quả mới được triển khai ở Xín Mần từ năm 2011 đến nay đã và đang cho thấy hiệu quả song hành vừa trồng rừng vừa gắn phát triển kinh tế dưới tán rừng được cấp ủy, chính quyền huyện và người dân quan tâm, đánh giá cao.
Cán bộ xã Nàn Sỉn kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây Tống quán sủ và Thảo quả ở mô hình điểm.
Tống quán sủ là loại cây thân gỗ, chịu lạnh tốt, phù hợp với những vùng có độ cao từ 1.000m trở lên, nhiệt độ trung bình dưới 22 độ, tầm cao trung bình của cây khi trưởng thành đạt 10 đến 13m. So với các loại cây chịu lạnh như Sa Mộc và Thông thì giá trị kinh tế của cây Tống quán sủ không cao bởi gỗ của loại cây này không tốt, chỉ có thể sử dụng đóng những đồ dùng gia dụng đơn giản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xín Mần cho biết: Rễ cây Tống quán sủ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm, lá cây rụng làm phân xanh cải tạo đất rất tốt, cây có khả năng giữ được nước cho đất... nên rừng trồng cây Tống quán sủ rất ẩm ướt, thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp như Thảo quả. Bên cạnh đó, tốc độ sinh trưởng của cây Tống quán sủ cũng nhanh hơn Sa mộc và Thông nên chỉ sau 2,5 đến 3 năm là rừng Tống Quán Sủ khép tán, giúp đẩy nhanh và rộng độ che phủ rừng, chống sói mòn và hạn chế biến đổi khí hậu.
Với điều kiện tự nhiên là huyện cực Tây của tỉnh, nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, sự phát triển kinh tế ở Xín Mần còn chậm, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới bới vô vàn những khó khăn về đường giao thông, khí hậu, thời tiết... Đánh giá cao những tiềm năng và lợi thế của cây Tống quán sủ trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và giúp người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng, năm 2011, huyện Xín Mần triển khai mô hình trồng Tống quán sủ gắn Thảo quả tại xã Nàn Sỉn với diện tích ban đầu là 3ha, mật độ trung bình 3.000 cây/ha. Với sự phát triển ổn định, nhanh chóng của cây Tống quán sủ, sau một năm, nhận được sự đánh giá cao của huyện Xín Mần và sự hưởng ứng của người dân trong phát triển mô hình Tống quán sủ - Thảo quả. Năm 2012, huyện Xín Mần tiếp tục mở rộng diện tích cây Tống quán sủ ở Nàn Sỉn thêm 19 ha. Năm 2013, nhân rộng thêm ở các xã Chí Cà, Nàn Sỉn, Xín Mần và Thu Tà với diện tích 164,9 ha.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã và sự đầu tư chăm sóc của bà con nhân dân, tất cả diện tích cây Tống quán sủ đều sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Lý Quốc Hưng, Chủ tịch xã Nàn Sỉn cho biết: “Với 3 ha diện tích Tống quán sủ trồng năm 2011 trên địa bàn xã đã khép tán từ tháng 9.2013 và có chiều cao trung bình 3 đến 3,5m, thậm chí nhiều cây cao trên 4m. Với đặc thù của cây Thảo quả là đất phải có độ ẩm ổn định và phải có tán rừng che phủ nên khi những diện tích Tống quán sủ khép tán, đáp ứng được yêu cầu về sự giữ ẩm cho đất và tán rừng, xã đã tiến hành trồng 3 ha Thảo quả dưới tán rừng Tống quán sủ và đến nay cây Thảo quả đang trong quá trình nẩy mầm, ra lá và sinh trưởng ổn định”.
Chia sẻ về việc nhân rộng và phát triển mô hình Tống quán sủ - Thảo quả thời gian tới, anh Ngô Văn Tăng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xín Mần cho biết: “Tiềm năng mở rộng diện tích rừng cây Tống quán sủ để bà con kết hợp trồng Thảo quả phát triển kinh tế là rất lớn, bởi hiện nay, đa phần các xã ở Xín Mần đều có độ cao, khí hậu, nhiệt độ phù hợp để trồng loại cây này nên trong những năm tới huyện sẽ tiếp tục đầu tư, vận động nhân dân mở rộng diện tích Tống quán sủ gắn trồng Thảo quả. Cùng với đó, khi những diện tích Tống quán sủ đã khép tán huyện sẽ vận động bà con trồng và mở rộng diện tích Thảo quả dưới tán rừng Tống quán sủ để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để đáp ứng cây giống cho bà con nhân dân, huyện đã xây dựng nhiều vươn ươm ngay tại các xã đã và đang tiếp tục chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng Tống quán sủ”.
Giá trị của cây Thảo quả trong việc giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo đã được chứng minh ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh nói chung, huyện Xín Mần nói riêng. Cho nên việc phát triển, nhân rộng diện tích trồng Tống quán sủ gắn với Thảo quả ở Xín Mần đang mang đến nhiều hy vọng về hiệu quả kinh tế cũng như phủ xanh đất trống, đồi trọc cho người dân huyện Xín Mần.
Ý kiến bạn đọc