Hai giáo viên trường xã Niêm Sơn thu nhập từ tăng gia hơn 100 triệu đồng
HGĐT- Theo chân đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện Mèo Vạc đến kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên (GV), học sinh (HS) của 3 đơn vị trường học xã Niêm Sơn, tôi hết sức ngạc nhiên khi được thầy giáo Phạm Văn Hoàn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Niêm Sơn, giới thiệu về mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) của GV nhà trường.
Tác giả của mô hình này, chính là hai thầy giáo Trần Hoàng Hà dạy môn Hoá - Sinh và thầy giáo Mã Anh Tuấn dạy môn Mĩ thuật. Vốn xuất thân là con nhà nông có nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi GSGC nên khi về công tác tại Trường PTDT bán trú THCS Niêm Sơn từ những năm 2006; nhận thấy đây là vùng đất có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi. Nhưng vào thời điểm đó, nhà trường còn thiếu GV nên các thầy phải dạy nhiều hơn, lại chưa áp dụng soạn giáo án trên máy vi tính nên không có nhiều thời gian giành cho công việc khác. Năm 2012, thầy Hà đưa ra ý tưởng bàn với thầy Tuấn về phát triển mô hình chăn nuôi GSGC nhưng sau đó, hai anh em tham gia đi học nâng cao trình độ chuyên môn nên công việc phải tạm dừng lại.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Tuấn luôn dành thời gian chăm sóc đàn gà.
Bước vào năm học 2013-2014, nhận thấy số lượng HS bán trú tăng lên mà nhu cầu thực phẩm mua phục vụ các bữa ăn hàng ngày rất lớn. Trong khi đó, chợ xã lại họp theo phiên nên không thuận lợi cho việc cung ứng thực phẩm cho HS. Cùng với sự động viên, khuyến khích của nhà trường; hai thầy đã quyết định vay 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT và 60 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc để thực hiện mô hình nuôi lợn đen và nuôi gà tam hoàng. Được nhà trường cho mượn đất, hai thầy đã đầu tư xây dựng chuồng trại hết 40 triệu đồng, số tiền còn lại dùng để mua gà giống, lợn giống.
Để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, ngoài việc tận dụng cơm thừa của HS, hai thầy còn thuê hơn 500m2 đất ruộng trồng khoai lang, rau muống chăn lợn và mua thêm cám, ngô chăn nuôi hàng ngày. Do được chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên đàn lợn, đàn gà lớn rất nhanh. Bình quân, mỗi năm nuôi 4 - 6 lứa gà, mỗi lứa 300 - 400 con; lợn nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa 20 con với trọng lượng80 - 100 kg/con. Hàng tuần xuất bán cho nhà trường khoảng 70 kg thịt lợn, 50 kg gà để nấu ăn cho HS. Ngoài ra, còn bán cho cán bộ, GV và nhân dân trong xã. Bên cạnh chăn nuôi GSGC, hai thầy còn thuê 500m2 ao của dân để thả cá, mỗi năm cũng thu được hơn 300 kg cá. Hiệu quả từ mô hình trên, cho thu nhập mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Khi được hỏi về nghề dạy học bận như vậy, các thầy còn thời gian đâu mà làm kinh tế, Tuấn vui vẻ cho biết: “ Ngoài giờ lên lớp, bọn em tranh thủ thôi, phân công luân phiên nhau chăm sóc và được vợ giúp sức nên cũng đỡ vất hơn”. Đem chuyện làm kinh tế của các thầy, tôi hỏi thầy Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường thì được biết thêm. Hai thầy đều là giáo viên có chuyên môn tốt, luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của trường. Vì vậy, khi hai thầy triển khai thực hiện mô hình này thì tất cả GV trong trường đều rất ủng hộ.
Được biết, để đàn gà phát triển tốt, không bị dịch bệnh, hai thầy còn cẩn thận cất công về tận quê ở huyện Yên Thế, Bắc Giang mua giống gà tam hoàng do chính gia đình mình nuôi, chọn từng con khỏe mạnh, được tiêm phòng chu đáo rồi vận chuyển lên đây. Và chọn mua giống lợn đen tại địa phương về nuôi vì chất lượng thịt tương đối tốt. Đồng thời chuẩn bị thuốc men đầy đủ để điều trị kịp thời nên đàn gà, đàn lợn lúc nào cũng được bảo vệ và phát triển tốt.
Có thể nói từ sự nỗ lực cố gắng của bản thân, hai thầy giáo Trường PTDT bán trú THCS Niêm Sơn vừa trở thành những GV có thành tích tốt trong công tác giảng dạy, vừa trở thành những tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc noi theo.
Ý kiến bạn đọc