Đưa hàng Việt về miền núi - khó khăn và sự nỗ lực
HGĐT - Đưa hàng Việt về miền núi để phục vụ bày bán cho người dân nghèo luôn là nhiệm vụ khó khăn của các cơ quan tổ chức cũng như các doanh nghiệp tham gia. Khó khăn nhất là việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về miền núi, đó là ý kiến của bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương Hà Giang (KCXTCT).
Theo lý giải của bà Hằng nêu rõ: Mặc dù các doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng Việt về miền núi đều được hỗ trợ miễn phí các gian hàng bày bán, điện thắp sáng, quảng cáo, tuyên truyền và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà tham gia, bởi Hà Giang là tỉnh có địa hình rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp nghe ngại vì chi phí vận chuyển đến các điểm chợ của các xã vùng sâu, vùng xa là khá lớn. Trong khi đó doanh nghiệp phải cam kết với Trung tâm KCXTCTgiá bán các sản phẩm tại các phiên chợ không được phép cao hơn so với giá thị trường. Thu không bằng chi nên nhiều doan nghiệp Việt không mặn mà. Bên cạnh đó, mật độ dân cư ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh thưa thớt, kinh tế còn nhiều khó khăn nên số lượt tham gia phiên chợ để mua sắm không nhiều, hàng hóa của các doanh nghiệp không bán được hàng Việt chất lượng cao mà chỉ bán được những loại hàng Việt chất lượng phù hợp với túi tiền, sở thích của người dân nghèo.
Một phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì).
Khó khăn là vậy nhưng với sự chủ động, tư vấn, thuyết phục của Trung tâm KCXTCT tỉnh đến các doanh nghiệp với tiêu chí “Không để hàng ngoại nhập ăn sâu vào tiềm thức của người dân” chính vì vậy cho đến thời điểm hiện tại đã có trên 15 doanh nghiệp đăng kí tham gia đưa hàng Việt về các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong thời gian tới, Trung tâm KCXHCT tỉnh sẽ tổ chức 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới và miền núi, trong đó có 4 phiên được hỗ trợ nguồn kinh phí của T.Ư và 6 phiên là nguồn kinh phí của tỉnh. Mỗi phiên chợ có 25 gian hàng của 15 doanh nghiệp tham gia. Hàng hóa được bày bán là hàng do Việt
Để chuẩn bị tổ chức một phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, Trung tâm KCXTCT đã chủ động thiết kế, dàn dựng, trang trí gian hàng đúng tiêu chuẩn kích cỡ cho phép, mỗi phiên chợ dàn dựng 25 gian hàng tiêu chuẩn 3x3x2.5m đảm bảo khung sắt, vách ngăn, mái che bằng bạt chất lượng cao, mỗi gian hàng được trang bị 1 bóng điện chiếu sáng, 1 bàn, 2 ghế, 1 biển treo, thảm dải, mái che. Công tác tuyên truyền, làm băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh được thực hiện trước, trong và sau khi tổ chức phiên chợ. Việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cũng được đảm bảo. Phối hợp với công an xã, huyện xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát không để xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự và nghiêm cấm các hình thức đánh bạc, các hoạt động văn hóa không lành mạnh tại các phiên chợ. Công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại mỗi phiên chợ được Đội quản lý thị trường các huyện tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Tại mỗi phiên chợ Trung tâm Văn hóa các huyện lồng ghép các buổi biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ và chiếu phim lưu động để phục vụ nhân đến xem và cổ vũ...
Mặc dù triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của T.Ư, tỉnh và các ngành chức năng nên công tác chuẩn bị cho 10 phiên chợ được tổ chức tại các xã vùng sâu, biên giới tại 10 huyện đã cơ bản hoàn tất. Việc đưa hàng Việt đến tay người dân là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, để người dân nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng, với giá bán hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc