Xây dựng kế hoạch kiểu... “đếm cua trong lỗ” (!)

09:04, 27/03/2014

HGĐT- Hàng loạt chỉ tiêu trong lĩnh vực công nghiệp như sản xuất điện, giấy, bột giấy, xi măng, lắp ráp ô tô, chế biến chè, quặng chì - kẽm, ăngtimon... sẽ không đạt mục tiêu đề ra vào năm 2015. Điều này cho thấy, công tác xây dựng kế hoạch, dự báo tình hình, quản lý Nhà nước của ngành chuyên môn có vấn đề, vẫn mang nặng tư duy lối mòn và thích “đếm cua trong lỗ”!


Trong buổi làm việc mới đây của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh với ngành Công Thương, có những con số rất thật được công bố khiến chúng ta phải trăn trở. Bên cạnh thành tựu đạt được như đã xây dựng, trình tỉnh ban hành hàng loạt quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần đưa nhiều lĩnh vực quản lý quan trọng gồm thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thương mại dịch vụ, hoạt động khuyến công, quản lý thị trường đi vào nề nếp... Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng trên 58%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng trên 6,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Dự kiến đến 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, vượt 65%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ xã hội đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với chỉ tiêu đề ra.



Nhà máy Feromangan (Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc) chưa một lần “nhả khói” đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng ngành công nghiệp.


Tuy nhiên, ngành Công Thương cũng thừa nhận, sẽ có hàng loạt chỉ tiêu ở các lĩnh vực chiếm ưu thế như sản xuất điện, giấy, bột giấy, xi măng PC30, gạch các loại, lắp ráp ô tô tải nhẹ và xe con, gạch các loại, chế biến chè, quặng chì - kẽm, ăngtimon không đạt mục tiêu. Cụ thể như, kế hoạch sản xuất điện đề ra đến 2015, sản lượng đạt 2 tỷ kWh, tăng 400% so với năm 2010 và có 92% tỷ lệ hộ dân được cung cấp điện. Nhưng, kết thúc năm 2013 sản lượng mới đạt trên 1,2 tỷ kWh. Dự kiến năm 2014-2015 có thêm 4 dự án hoạt động, tổng công suất 100MW, cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 350 triệu kWh. Như vậy, tổng sản lượng điện đến năm 2015 mới đạt trên 1,55 tỷ kWh, khoảng 76% hộ dân được dùng điện.


Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải: Trước thời điểm năm 2010, các dự án thủy điện nằm trong quy hoạch đều đang chuẩn bị đầu tư, nhưng lạm phát, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thời điểm lên 20%, lợi nhuận sản xuất điện chỉ đạt 12-18%, giá bán điện chưa được điều chỉnh, điều này dẫn đến thời gian thu hồi vốn kéo dài, hiệu quả kinh tế không cao nên ngân hàng hạn chế cấp vốn đã đẩy một số chủ đầu tư vào tình thế không có khả năng triển khai dự án. Còn chỉ tiêu các hộ được sử dụng điện, được đổ lỗi cho công tác thống kê, báo cáo có vấn đề. Năm 2010, số liệu thống kê khẳng định có 87% hộ dân được dùng điện. Từ đó, cơ quan chuyên môn mạnh dạn đẩy số hộ dân được dùng điện lên 92% vào năm 2015, nhưng thực tế đến hết năm vừa qua mới trên 77% hộ dân có điện.


Điện thì vậy, chế biến chè và sản xuất giấy, bột giấy cũng phải chạy dài, có lẽ thêm nhiệm kỳ nữa may chăng mới đạt kế hoạch đề ra. Chế biến chè là một trong những lĩnh vực thế mạnh, rất được kỳ vọng, người nông dân, cơ quan chức năng đều mong muốn sản lượng tăng vọt lên 20 nghìn tấn vào cuối nhiệm kỳ. Thế nhưng, thực tế lại không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan đó, năng suất chè không tăng qua các năm, diện tích chè trồng mới cho thu hoạch chưa nhiều, tốc độ chè già cỗi, sản lượng thấp diễn ra nhanh hơn tỷ lệ chè trồng mới. Ngoài ra, tại nhiều vùng chè, người nông dân đưa máy vào thu hái thay cho phương pháp thủ công đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng, thời gian thu hái giữa các lứa thưa hơn... nên có cố lắm đến 2015 cũng chỉ đạt 12 nghìn tấn, kém đến 8 nghìn tấn so với mục tiêu kỳ vọng.


Cùng với chè, sản xuất giấy, bột giấy cũng được kỳ vọng đạt sản lượng 15 nghìn tấn, nhưng căn cứ vào thực tế, may mắn lắm thì đạt 10 nghìn tấn. Sự chênh lệch quá lớn giữa thực tế và kế hoạch đề ra được cơ quan chức năng biện hộ, khi xây dựng kế hoạch họ rất lạc quan bởi riêng Nhà máy giấy Hải Hà giai đoạn I có công suất 12 nghìn tấn sản phẩm/năm, giai đoạn II tăng lên 20 nghìn tấn; Nhà máy khăn giấy vệ sinh Phúc Hưng, Nhà máy giấy Long Giang công suất 2.500 tấn sản phẩm/năm... Vì vậy, mục tiêu 15 nghìn tấn chỉ là chuyện nhỏ! Thực tế hoàn toàn ngược lại, Nhà máy giấy Hải Hà chưa triển khai giai đoạn II do gặp khó khăn về vốn; Nhà máy giấy Long Giang bị dừng hoạt động do ô nhiễm môi trường, Nhà máy giấy Phúc Hưng chưa hoạt động do phải thay đổi công nghệ.


Chỉ tiêu sản xuất xi măng thực sự là con số thảm họa với số lượng đề ra 30 nghìn tấn. Con số khủng khiếp này không biết người làm kế hoạch dựa trên cơ sở nào để xác định, hay do tâm lý thích số to cho hoành tráng, cho oai! Những gì đang diễn ra tại Công ty Cổ phần Xi - măng Hà Giang cho thấy, cái oai đó đã tan như bong bóng xà phòng. Trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất nhà máy xi măng, nhưng sản xuất rất đình trệ, phải ngừng hoạt động thời gian dài do mâu thuẫn nội bộ. Số phận của xi măng Hà Giang chưa biết sẽ trôi đi về đâu, phía trước vẫn là một tương lai đầy bất định khi nhiều phát sinh trong khâu tổ chức chưa có hướng giải quyết, công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra thua ngay trên sân nhà nên điệp khúc ngừng hoạt động còn kéo dài...


Hiện tượng chạy theo thành tích, đẩy số liệu lên cao cho oai dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, nhất là trong xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (CPI). Chính vì điều này, có thành viên Chính phủ đã thốt lên: CPI của các địa phương luôn cao ngất ngưởng ở mức 10% thậm chí hơn nữa, nhưng sao CPI của cả nước lại lẹt đẹt 5-7%? Việc xây dựng, xác định chỉ tiêu, kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, là cái đích để mỗi cấp, ngành hướng đến, đồng thời cũng khẳng định rõ đường hướng phát triển. Tuy nhiên, xây dựng kế hoạch cần được dựa trên những luận cứ khoa học, có tính dự báo để đưa ra con số sát thực, tránh làm theo kiểu “đếm cua trong lỗ” như các chỉ tiêu trong lĩnh vực công nghiệp.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Coi trọng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
HGĐT- Trong điều kiện tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế thì nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) luôn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển. Xác định rõ điều đó, nhiều năm qua, tỉnh ta trân trọng và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển KT-XH.
27/03/2014
Phát triển kinh tế rừng ở xã Quang Minh
HGĐT- Quang Minh là xã vùng thấp của huyện Bắc Quang, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất đai rộng, đồi núi thấp, địa hình tương đối bằng phẳng. Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 5.015 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.258,3 ha, đất lâm nghiệp 2.394,3 ha, đất phi nông nghiệp là 449,4 ha, còn lại là các loại đất khác. Toàn xã có 20 thôn, bản với hơn
27/03/2014
Mô hình cấy mạ tập trung ở Bằng Lang
HGĐT- Cấy mạ tập trung giúp người nông thực hiện 5 cùng theo hướng thâm canh cánh đồng mẫu. Cán bộ khuyến nông xã Bằng Lang (Quang Bình) cho biết: “Lợi ích của cấy mạ tập trung là sản xuất ra cây mạ chắc khỏe, có khả năng chống chịu tốt do được chăm sóc đúng kỹ thuật”.
26/03/2014
Nhộn nhịp Cửa khẩu Xín Mần
HGĐT- Kết thúc năm 2013, lượng hàng hóa giao dịch qua Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) đạt trên 6.424.000 USD. Đầu quý 1/2014, mặc cho nền kinh tế có những biến động không thuận lợi, nhưng lượng khách và hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Xín Mần vẫn diễn ra khá sôi động. Hàng hóa XNK và khách đến giao dịch buôn bán vẫn hấp dẫn muôn nơi đổ về...
25/03/2014
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.