Vị Xuyên quyết tâm thực hiện thành công Đề án 50 ha cây chanh leo
HGĐT- Cây Chanh leo hay còn gọi là cây Chanh dây, cây Lạc tiên, cây Mác mác, có tên khoa học là Passiflora L, được người dân ở Vị Xuyên trồng từ rất lâu đời để làm cảnh, tạo bóng mát hoặc kinh doanh với hình thức nhỏ. Cây Chanh leo là cây ăn quả nhanh cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Nhận được sự phối hợp của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại tỉnh Ninh Bình (DOVECO) -Một trong những công ty lớn cung cấp nông sản chế biến hàng đầu Việt Nam, UBND huyện Vị Xuyên đã xây dựng và quyết tâm thực hiện thành công đề án trồng 50 ha cây Chanh leo trên địa bàn.
Sau khi phê duyệt, đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn các xã: Bạch Ngọc, Ngọc Linh và Trung Thành là những nơi có đầy đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và nhân lực. Đồng chí Lưu Bá Đinh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ đề án cho biết: Đề án Phát triển trồng mới cây chanh leo trên địa bàn huyện Vị Xuyên giai đoạn 2013 – 2015 được thực hiện với cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay tái đầu tư có thu hồi. Phòng Nông nghiệp - PTNT đã kết hợp với UBND các xã hướng dẫn người dân thực hiện đề án hoàn thiện các thủ tục vay vốn và dải ngân vốn vay cho các hộ chuẩn bị vật tư làm giàn, phân bón lót, đào hố trồng cây. Các hộ dân thực hiện đề án cũng được cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện; phổ biến các cơ chế, chính sách thực hiện Đề án cây chanh leo; tập huấn quy trình kỹ thuật, làm đất, giàn trồng, chăm sóc cây chanh leo. Đến nay, 100% số hố trồng cây trên diện tích 50 ha đã được nghiệm thu để xuống giống. DOVECO đã ho các hộ dân vay 100 % lượng giống với đơn giá 30.000 đồng/cây giống và thu lại bằng tiền tính bằng sản phẩm tương ứng sau khi thu hoạch năm đầu. Công ty đã cam kết thu mua 100 % lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn tại địa bàn huyện với giá tối thiểu 5.000 đồng/kg.
Theo Dự toán của đề án, 1ha chanh leo trong một chu kỳ kinh doanh có chi phí năm thứ nhất 147.368.000 đồng, doanh thu đạt 165.000.000 đồng, lợi nhuận 17.632.000 đồng. 2 năm tiếp theo chi phí bình quân 53.980.000 đồng/ha/năm, doanh thu bình quân 220.000.000 đồng, lợi nhuận bình quân đạt 166.020.000 đồng. Lợi nhuận 1 ha/chu kỳ kinh doanh đạt 349.672.000 đồng; lợi nhuận của 50 ha là 17.483.600.000 đồng. Bên cạnh đó, đề án cũng mang lại hiệu quả rất lớn về xã hội và môi trường như giải quyết việc làm cho 3 - 5 lao động thường xuyên/ha. Tăng cường mối liên kết sản xuất giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông có áp dụng khoa học kỹ thuật. Nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các điểm mô hình trình diễn sản xuất hàng hóa sẽ là hạt nhân mở rộng, là nơi để các hộ nông dân đến tham quan, học tập, từng bước nâng cao chất lượng, sản lương cây ăn quả, đưa ngành sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trở thành một trong những mũi nhọn chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt. Phát triển vùng sản xuất chanh leo hàng hóa tập trung ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ góp phần cải thiện, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, từng bước gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái theo chủ chương của UBND huyện.
Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất chanh leo hàng hóa tập trung của huyện theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất. Năm 2014, trên cơ sở phát huy các tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động quy hoạch được vùng sản xuất thực hiện trồng mới 50 ha chanh leo. Trong đó thực hiện vườn Chanh leo mẫu tại xã Trung Thành 20 ha để người dân tham quan, học tập kinh nghiệm. Phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích trồng chanh leo lên 300 ha. Phấn đấu thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa đưa năng xuất cây chanh leo đạt 500 tạ/ha/năm. Đảm bảo mức thu nhập của người sản xuất đạt 250 – 300 triệu đồng/ha/năm... là mục tiêu hết sức quan trọng của đề án góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vị Xuyên.
Ý kiến bạn đọc