Phát triển kinh tế rừng ở xã Quang Minh
HGĐT- Quang Minh là xã vùng thấp của huyện Bắc Quang, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất đai rộng, đồi núi thấp, địa hình tương đối bằng phẳng. Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 5.015 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.258,3 ha, đất lâm nghiệp 2.394,3 ha, đất phi nông nghiệp là 449,4 ha, còn lại là các loại đất khác. Toàn xã có 20 thôn, bản với hơn 2.000 hộ, trên 9.352 khẩu của 15 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 86,6%. Người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi.
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn khảo sát Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát phát triển kinh tế rừng tại xã Quang Minh (Bắc Quang).
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về trồng rừng kinh tế theo các chương trình, dự án, công tác trồng rừng đã được nhân dân chú trọng đầu tư, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ có diện tích trồng rừng tập trung từ 10 ha trở lên. Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg, ngày 10.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015, hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch huyện giao và nhu cầu phát triển rừng tại các thôn bản, UBND xã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển rừng tới từng thôn bản, gồm chỉ tiêu phát triển rừng theo Dự án 661 và nhân dân tự đầu tư. Cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã, khuyến nông thôn bản đã hướng dẫn nhân dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc từng năm. Vì vậy trong những năm qua công tác phát triển rừng đã được Nhà nước hỗ trợ cây giống, nhân dân tích cực tham gia vào công tác trồng rừng, vì thế tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2007 tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 56%, đến năm 2011 tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 65% và đến hết năm 2013 tỷ lệ che phủ rừng đã tăng trên 70%. Nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập lớn từ trồng rừng kinh tế, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Kết quả cho thấy trong những năm qua toàn xã đã trồng được trên 600 ha rừng kinh tế, trong đó trồng rừng theo Dự án 661 gần 400 ha, nhân dân đầu tư tự trồng được trên 200 ha, chủ yếu là cây keo. Từ năm 2010, một số diện tích đất lâm nghiệp của một số thôn được đưa vào quy hoạch vùng trồng cao su, do vậy công tác trồng rừng kinh tế tạm dừng đối với các thôn nằm trong vùng quy hoạch để trồng cây cao su...
Trao đổi với phóng viên trong một buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo xã Quang Minh cho biết: Xác định rõ việc phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nên xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân phát huy thế mạnh về tiềm năng, đất đai và nguồn lực con người để phát triển đúng hướng. Với sự đồng tình ủng hộ của người dân cộng với các cơ chế chính sách không ngừng được hoàn thiện, đồng thời mức hỗ trợ cho trồng, chăm sóc, bảo vệ và khoanh nuôi phục hồi rừng được tăng lên góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhất là khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án lâm nghiệp được triển khai thực hiện đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, trong đó có trên 315 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào dự án. Bước đầu người lao động đã có thu nhập từ rừng và nguồn thu này ngày càng tăng do vậy đã tạo động lực cho người trồng rừng yên tâm đầu tư phát triển rừng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy trên địa bàn huyện. Cùng đó, người dân được vay vốn hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư trồng rừng kinh tế. Một điều kiện thuận lợi nữa đó là tại xã có vườn gieo ươm cây giống phục vụ cho trồng rừng thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, vì vậy cây giống đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đủ tiêu chuẩn phục vụ công tác trồng rừng. Với sự ủng hộ nhiệt tình trong công tác trồng rừng nên trong những năm qua nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao từ trồng rừng, vì thế đã tạo bước chuyển biến tư tưởng chung về nhận thức của nông dân, người trồng rừng nói riêng và của nhân dân trong xã nói chung...
Để tiếp tục phát huy lợi thế trong phát triển rừng kinh tế trong những năm tiếp theo, các đồng chí lãnh đạo xã Quang Minh cho biết thêm: Để nâng cao nhận thức cho người dân không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào vốn đầu tư của Nhà nướ,c cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ tự giác tiến hành chăm sóc bảo vệ diện tích rừng hiện có, đồng thời thực hiện tốt quy trình kỹ thuật khai thác rừng hợp lý để duy trì tu bổ và phát triển tài nguyên rừng. Vận động nhân dân tận dụng đất đai phát triển trồng rừng kinh tế có hiệu quả, nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, lũ quét... Phát triển kinh tế từ nghề rừng một cách bền vững, hiệu quả...
Ý kiến bạn đọc