Phát huy giá trị truyền thống người thợ ở Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang
HGĐT- Hơn 70 cựu chiến binh, họ đã nghỉ hưu ở 5 phường thuộc Thành phố Hà Giang đã dần bước vào tuổi “xưa nay hiếm” tay bắt, mặt mừng, trước con em họ trong buổi gặp mặt đầu năm Giáp Ngọ tại Hội trường Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang làm tôi xúc động... Đã chục năm như thế, truyền thống luôn là “cầu nối”gắn kết giữa các thế hệ người thợ với nhau.
Niềm vui của các thế hệ cán bộ Công ty trong ngày gặp mặt đầu xuân.
Được biết, tiền thân của Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang hôm nay là Công ty Cơ khí Hà Giang được thành lập từ những năm 1959. Nhiệm vụ những người thợ thời kỳ ấy là sản xuất công cụ: Dao, cuốc, xẻng, rèn đúc lưỡi cày... phục vụ đồng bào Hà Giang sản xuất nông, lâm nghiệp. Vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, những người thợ đã phải chuyển đổi nhiều ngành, nghề để thích ứng với sự phát triển sản xuất. Hết làm gia công cày cuốc lại làm phân bón, làm thợ lắp đặt Trạm biến áp, đường dây tải điện. Ở đâu, nghề nào, làm việc gì, vai trò tiên phong của đội ngũ công nhân vẫn được đề cao và phát huy hết khả năng lao động, tinh thần sáng tạo, làm ra nhiều của cải đóng góp cho gia đình, cho xã hội. Chuyển từ gia công, xây lắp sang chuyên khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản được đánh giá là một dấu son quan trọng ghi dấu bàn tay, khối óc sáng tạo người thợ. Bước ngoặt cho sự thăng hoa, phát triển đỉnh cao ấy được ghi nhận đã hơn chục năm nay. Ông Nguyễn Hữu Phát, Trưởng ban liên lạc Hội hưu trí Công ty cho biết: Bản thân vợ chồng tôi gia nhập tập thể những người thợ từ năm 1962. Đã hơn 10 năm làm Trưởng ban liên lạc cán bộ hưu trí Công ty, chúng tôi đã ghi nhận con em những người thợ qua các thế hệ đã ngày một phát triển đi lên.Các cán bộ hưu trí đã rất vui mừng, tự hào về con em mình, về Công ty mình khi xưa, nay vẫn gìn giữ, phát huy giá trị “uống nước nhớ nguồn”. Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang, Trịnh Ngọc Hiếu cho biết: Đã 10 năm qua, kể từ ngày thành lập, Ban liên lạc cán bộ hưu trí Công ty đã luôn là cầu nối các thế hệ người thợ. Truyền thống được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Giao lưu, hỗ trợ, giúp đỡ thăm hỏi lúc ốm đau, bệnh tật, trợ cấp quỹ để nuôi dưỡng các tài năng trẻ học hành tiến bộ... Ông Phát cho biết, kể từ khi thành lập Hội hưu trí Công ty đến nay, ngoài việc gặp mặt sinh hoạt thường kỳ 3 lần/năm với tất cả 70 hội viên. Tại mỗi buổi gặp mặt là mỗi buổi sinh hoạt ôn lại truyền thống người thợ, tìm hiểu ai khó khăn, ai hoạn nạn, ai cần vay vốn để phát triển kinh tế... Công ty cũng như Hội hưu trí sẵn lòng giúp đỡ. Hơn thế, mỗi buổi gặp gỡ giao lưu, mỗi cán bộ, mỗi công nhân đều được chia sẻ, học hỏi nhau để cùng gìn giữ những điều cốt lõi của giai cấp công nhân là tính sáng tạo và tinh thần tự cường vươn lên. Bao nhiêu kinh nghiệm được tích lũy, bao ân tình các thế hệ nối tiếp đã được trao nhau trong ngày gặp mặt. Đểqua đó, phát huy tính tiên phong, tinh thần tự lực, tự cường trong các thế hệ người thợ. Trong hơn 10 năm qua, Ban liên lạc hưu trí Công ty đã cấp trên 300 suất quà tặng các cháu là con em những thế hệ người thợ học giỏi. Hy vọng, tới đây và mãi về sau này, con em những người thợ trưởng thành sẽ đóng góp to lớn cho Công ty, cho đất nước. Trong buổi gặp mặt đầu xuân, đã không ít lời khen ngợi của các thế hệ đi trước dành cho tập thể cán bộ, công nhân Công ty Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang về những đóng góp Công ty dành cho họ, dành vào sự đóng góp ngân sách tỉnh để xây dựng quê hương Hà Giang lớn mạnh.
Ngay sau buổi gặp mặt, tôi cùng anh Đào Xuân Tuất, Phó Giám đốc Công ty đã đến thăm một số cán bộ hưu trí ở các phường trong thành phố Hà Giang để hiểu thêm truyền thống tốt đẹp đó. Rất vui khi được trao đổi cởi mở với những người thợ già đã nghỉ hưu vẫn luôn dõi theo từng bước đi của con em mình. Vui hơn, trong hơn 10 năm kể từ ngày thành lập đến nay, cả Hội hưu trí Công ty 70 người “không” có ai rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn phải trợ giúp. Tất cả 70 người thợ đã nghỉ hưu đều đã tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định, yên vui và quây quần bên con cháu gia đình. Điều đó, đã một lần nữa để tôi chiêm nghiệm lại một chân lý: Giai cấp công nhân, những người thợ, họ mãi là giai cấp tiên phong, luôn sáng tạo, tự cường, vượt khó vươn lên làm chủ cuộc đời. Chính tinh thần ấy, ngày hôm nay đã tạo động lực, tiếp thêm niềm tin cho con em họ học hành tiến bộ, làm chủ tương lai.
Ý kiến bạn đọc