Mô hình cấy mạ tập trung ở Bằng Lang
HGĐT- Cấy mạ tập trung giúp người nông thực hiện 5 cùng theo hướng thâm canh cánh đồng mẫu. Cán bộ khuyến nông xã Bằng Lang (Quang Bình) cho biết: “Lợi ích của cấy mạ tập trung là sản xuất ra cây mạ chắc khỏe, có khả năng chống chịu tốt do được chăm sóc đúng kỹ thuật”.
Lâu nay, vấn đề thực hiện 5 cùng trong thâm canh cánh đồng mẫu từ khâu gieo mạ, cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình vẫn còn gặp khó khăn do người dân chưa làm triệt để khâu cùng gieo mạ dẫn đến các khâu còn lại không đồng bộ. Chính vì vậy, quyết tâm thực hiện chuyển đổi theo phương thức sản xuất mới, huyện Quang Bình đã chỉ đạo xã Bằng Lang tổ chức thực hiện thử nghiệm mô hình cấy mạ tập trung. Thôn Trung Thành được chọn làm điểm với 16 hộ gia đình đăng ký tham gia trên tổng diện tích 2,3 ha ruộng mua mạ. Phương thức thực hiện là một gia đình có uy tín về kỹ thuật chăm sóc mạ được chọn để cấy mạ bán cho các hộ khác. Mô hình này được huyện hỗ trợ 50% giá giống, ni lông che phủ, phân bón. Lợi ích từ mô hình mang lại là mạ được chăm sóc tốt theo đúng kỹ thuật; chủ ruộng mạ sẽ chủ động điều tiết nước, nhiệt độ, che chắn, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Các gia đình khác không mất công làm mạ, chi phí mua mạ hợp lý theo định lượng của Nhà nước.
Ruộng của anh Nguyễn Văn Chi ở thôn Trung Thành, xã Bằng Lang (Quang Bình).
Cán bộ khuyến nông xã Bằng Lang, Nguyễn Xuân Nó, cho biết: “Khó khăn ban đầu khi thực hiện mô hình này là ruộng của các hộ trên địa bàn xã có diện tích nhỏ, lẻ nên khó làm mạ với diện tích lớn; chưa có kinh nghiệm tính toán số lượng giống cần dùng trên một đơn vị diện tích ruộng. Song, mô hình thử nghiệm đã cho hiệu quả tốt”. Đến thăm ruộng của gia đình anh Nguyễn Văn Chi ở thôn Trung Thành được anh chia sẻ: “Nhà tôi có 700m2 ruộng được dùng để thử nghiệm cấy mạ từ tháng 1 đến tháng 2 với các loại giống lúa Nhị ưu 838 là 55 kg, giống lúa thuần BG1 có 27 kg bán cho các gia đình đăng ký. Thuận lợi khi thực hiện mô hình là được cung cấp phân bón và ni lông che phủ. Có đầy đủ dụng cụ che phủ nên dễ điều chỉnh nhiệt độ cho mạ phát triển ổn định. Khó khăn là trời rét đậm rét hại vào thời gian gieo mạ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây mạ. Ban đầu mới làm còn lúng túng trong việc tính toán 1ha ruộng thì cần bao nhiêu m2 mạ nhưng nhờ có sự hướng dẫn tỉ mỉ của cán bộ khuyến nông xã nên tôi đã làm được mô hình này.” Từ thực tế tính toán, trung bình 1 kg giống sẽ gieo được 7m2 mạ; 1m2 mạ giống Nhị ưu 838 có giá bán là 8,1 nghìn đồng và 1m2 mạ giống lúa thuần BG1 có giá 3,8 nghìn đồng. Sau khi bán hết 700 m2 mạ gia đình anh Chi đã thu về 3 triệu đồng nhưng chưa có công lãi do đây mới chỉ là mô hình thử nghiệm. Các hộ tham gia thử nghiệm mô hình cũng đồng tình và đánh giá tốt, chị Hoàng Thị Khuyên ở thôn Trung Thành, một hộ mua mạ cho biết: “Khi mới tham gia mô hình chúng tôi khá e ngại nhưng anh Chi là khuyến nông viên của thôn, có kỹ thuật chăm sóc mạ tốt nên chúng tôi mới tin tưởng. Nhà tôi mua 35m2 mạ giống lúa Nhị ưu 838 có giá hơn 200 nghìn đồng; sau một thời gian cấy mạ thấy cây chắc khỏe, phát triển tốt trong khi thời gian đầu vụ có đợt rét đậm làm chết mạ của nhiều nhà nhưng mạ nhà tôi vẫn sống. Tôi thấy đây là mô hình tốt vì gia đình đỡ vất vả mất công làm mạ, chất lượng mạ tốt do được chăm sóc, bảo quản đúng kỹ thuật, giá cả hợp lý.”
Đánh giá về kết quả của mô hình, cán bộ khuyến nông xã Bằng Lang cho biết thêm: “Việc giao cho một gia đình gieo mạ rồi bán cho các hộ khác có nhiều lợi ích là họ sẽ tập trung chăm sóc, bảo quản mạ chu đáo, ngăn được gia súc thả rông vào ruộng mạ. Các hộ trồng lúa cùng xuống mạ một ngày làm cây lúa phát triển đồng đều, khi có sâu bệnh thực hiện cùng phun thuốc trừ sâu sẽ có hiệu quả cao.” Trước đây, các gia đình cấy mạ không cùng ngày thì đến khi có sâu bệnh rất khó phun thuốc, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, việc thực hiện cấy mạ tập trung vẫn còn khó khăn do ruộng ở xã không tập trung trong khi chỗ gieo mạ phải ở ruộng trung tâm để thuận lợi cho việc vận chuyển. Ngoài ra, nếu thực hiện mô hình này lâu dài thì phải nghiên cứu để tính tiền công cho người làm mạ. Dù còn một số hạn chế song mô hình thử nghiệm gieo mạ tập trung ở xã Bằng Lang đã đem lại hiệu quả tốt. Đây là một cách làm hay giúp thực hiện đồng bộ 5 cùng theo phương thức thâm canh cánh đồng mẫu.
Ý kiến bạn đọc