Khôi phục giống vịt bầu cổ ngắn
HGĐT - Giống vịt bầu cổ ngắn được người chăn nuôi đánh giá là có chất lượng thịt thơm ngon, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, giống vịt địa phương này đang có nguy cơ bị mai một do người dân chuyển hướng sang nuôi các giống vịt lai hàng hóa có đặc điểm lớn nhanh, nặng cân nhưng thịt không chắc, ngọt.
Đàn vịt bầu cổ ngắn của gia đình anh Nông Quang Trung ở xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang).
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Nông Quang Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) đã thực hiện mô hình chăn nuôi giống vịt bầu cổ ngắn địa phương. Để tiến hành mô hình, anh đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và trở về nộp đơn xin vay tín chấp qua Hội Nông dân kết hợp với số vốn của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư mua máy ấp trứng công suất 500 trứng với giá 7 triệu đồng cùng các loại máy hỗ trợ khác như: máy nổ phòng khi mất điện, ổn áp... Đây được xem là mô hình khôi phục giống vịt bầu cổ ngắn địa phương có quy củ từ sản xuất con giống tại chỗ đến nuôi vịt lớn. Sau nhiều lần thử nghiệm, từ đầu năm đến nay anh đã nuôi thành công 60 con vịt bầu bố mẹ. Để có được kết quả ban đầu này, anh Nông Quang Trung, chia sẻ: “Mới đầu tôi gặp khó khăn do không mua được trứng vịt về ấp, các gia đình trong làng nuôi vịt lẻ tẻ, gom trứng không đủ mẻ ấp. Đến khi mua được số trứng ít ỏi lại bị hư hỏng một phần do quá trình vận chuyển. Hơn nữa, vì chưa có kinh nghiệm trông coi trứng trong máy ấp nên số trứng vịt cho ấp thành công không nhiều”. Thất bại khiến anh Trung nhiều lần trăn trở tìm cách khắc phục, qua 3 lần ấp thử nghiệm khoảng 200 quả trứng thì tỷ lệ nở đạt trên 50%. “Trứng vịt nở, tôi rất mừng nhưng do thời tiết giá lạnh làm vịt con chết nhiều. Mỗi lần như vậy tôi lại tìm nhiều cách như làm chuồng ủ ấm cho vịt con, tùy thời tiết sẽ bật thêm bóng điện sưởi, che chắn chuồng trại, tìm thức ăn phù hợp nên số vịt sống sót tăng dần thành đàn vịt bố mẹ 60 con. Tiếp theo, tôi sẽ nuôi vịt lấy trứng ấp để phát triển đàn vịt bán ra thị trường có chất lượng thịt ngon”, anh Trung cho biết.
Tính theo giá bán trên thị trường hiện nay, một con vịt giống có giá từ 18 – 20 nghìn đồng/con, vịt bầu cổ ngắn hàng hóa giá 100 nghìn đồng/kg cao hơn giá bán giống vịt lai khoảng 25 nghìn đồng/kg. Do thời gian nuôi vịt dài, số lượng ít, chất lượng thịt ngon nên nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao. Nếu theo cách tính này thì nuôi vịt bầu địa phương sẽ có giá trị cao, nhất là khi số lượng vịt tiêu thụ ở các nhà hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh mỗi ngày đều lớn. Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Giang, mặc dù mô hình mới triển khai, đàn vịt bố mẹ chỉ được nuôi để lấy trứng ấp nhưng có tính khả thi cao. Đây cũng là một điển hình về hội viên nông dân dám nghĩ dám làm, có cách làm cụ thể, thiết thực để phát triển kinh tế gia đình mà các cấp Hội đang khuyến khích. Mô hình nuôi giống vịt bầu cổ ngắn theo hướng hàng hóa có thể xem là cách làm hay để gìn giữ và phát triển giống vịt ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc