Coi trọng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
HGĐT- Trong điều kiện tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế thì nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) luôn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển. Xác định rõ điều đó, nhiều năm qua, tỉnh ta trân trọng và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển KT-XH.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng cũng như vận động vốn ODA, Ban vận động ODA của tỉnh tích cực và chủ động kết nối với các bộ, ngành T.Ư cũng như các Đại sứ quán, các Tổ chức quốc tế như ADB, WB. Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban đã có nhiều đổi mới, sâu sát hơn, kịp thời hơn nên đã nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó có phối hợp để giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường ngã 3 Ngọc Linh đi Linh Hồ và Phú Linh (Vị Xuyên); tham mưu cho UBND tỉnh cấp ứng trước 11,53 tỷ cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc và dự án cải thiện nông nghiệp có tưới; tham mưu cho tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đối ứng ODA từ nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2014 cho 11 công trình dự án với tổng vốn phân bổ 50 tỷ đồng... Một số ngành và các huyện, thành phố có tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp cùng nhau trong công tác triển khai, vận động và thực hiện dự án đạt kết quả khả quan, điển hình là UBND huyện Yên Minh, Quản Bạ đã phối hợp thực hiện dự án cấp, thoát nước cho 2 thị trấn; Sở NN - PTNT quan tâm thu hút được Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới và dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm thải CO2
Trung tâm phát sóng Núi Cấm (Đài PT-TH tỉnh) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chính phủ Tây Ban Nha.
Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 23 dự án đang triển khai từ nguồn vốn ODA, trong đó có 16 dự án do tỉnh làm cơ quan chủ quản, 7 dự án do các bộ, ngành T.Ư làm chủ quản. Kế hoạch giải ngân trong năm 2013 trên 211 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 144 tỷ, vốn đối ứng trên 67 tỷ. Kết quả, tiến hành giải ngân được 130 tỷ đồng, đạt trên 61% kế hoạch. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu công thì vốn ODA có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực tế đã chứng minh điều đó khi các dự án góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và đô thị như Dự án cấp nước và vệ sinh môi trường thị trấn Yên Minh và thị trấn Tam Sơn; nâng cấp thủy lợi thôn Bản Tản, Trung Thành (Vị Xuyên)... góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn như: Đường từ km 21 đi ngã 3 Bạch Ngọc và Trung Thành (Vị Xuyên); nâng cấp, rải nhựa đường từ Trung Thành (Vị Xuyên) đi Tân Quang (Bắc Quang)... góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm khai thác tối đa nguồn lực từ vốn ODA, trong năm 2013, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tích cực tiếp cận và vận động thu hút các dự án từ nguồn vốn ODA. Trong 13 chương trình, dự án vận động, thu hút có 1 dự án được thẩm định kết quả nghiên cứu khả thi đó là dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm thải CO2” sử dụng nguồn vốn tái thiết của Ngân hàng Đức, cơ quan chủ quản Bộ NN - PTNT, thời gian thực hiện 7 năm, bắt đầu triển khai từ 2014 với số vốn dự kiến 20 triệu Euro, trong đó vốn ODA là 15 triệu Euro. Có 3 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục, 1 dự án ký kết hợp đồng trách nhiệm triển khai thực hiện. Còn lại 7 chương trình, dự án đang trong quá trình tiến hành vận động, trong đó, nổi bật nhất là Chương trình “Giảm nghèo dựa vào phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang” có tính khả thi cao bởi được sự ủng hộ rất lớn từ phía nhà tài trợ IFAD. Đoàn thiết kế dự án ban đầu của IFAD lên làm việc tại tỉnh, đến nay đã hoàn thành việc xây dựng báo cáo thiết kế dự án ban đầu và chuẩn bị xây dựng thiết kế chi tiết của dự án. Tổng số vốn đầu tư cho chương trình dự kiến 34 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn ODA là 29 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng đứng ra làm đầu mối đề xuất với các bộ, ngành T.Ư để thực hiện chương trình phát triển tổng thể các tỉnh miền núi phía Đông Bắc (Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) nhằm thu hút vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác trong giai đoạn 2014 - 2020.
Tuy nhiên, số lượng các dự án vốn ODA vận động và thu hút cho tỉnh chưa nhiều, quy mô nhỏ. Nhiều cơ quan thành viên, đặc biệt là UBND các huyện còn thiếu thông tin, chưa nắm được chiến lược, định hướng sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ, chưa rõ trình tự cũng như phương thức tiếp cận dẫn tới khó khăn trong quá trình thu hút. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai các dự án dù được cải thiện nhưng còn hạn chế nhưng thiếu vốn đối ứng để triển khai dự án, chậm trong khâu giải phóng mặt bằng. Một số trình tự, nguyên tắc đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình, chế độ thông tin báo cáo chưa nghiêm túc nên khi gặp khó khăn, vướng mắc không được tham mưu, xử lý kịp thời. Mặc dù đã thành lập tổ công tác ODA tại các cơ quan thành viên nhưng do các thành viên cử người làm việc kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp nên việc tham mưu cho lãnh đạo các cấp chưa sâu, chưa đầy đủ dẫn đến kết quả vận động không được như mong muốn. Bên cạnh đó, sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ trong lĩnh vực đấu thầu và các chính sách về an sinh xã hội như đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng và vận động vốn ODA, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban vận động ODA tỉnh yêu cầu mỗi ngành, mỗi huyện cần tiếp cận vận động ít nhất một dự án sử dụng vốn ODA. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần rà soát lại các danh mục dự án đang tiến hành vận động, phân nhóm để tiếp tục thu hút, vận động cũng như quản lý và triển khai thực hiện. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho đoàn công tác của các tổ chức quốc tế đến làm việc và khảo sát, thiết kế, thẩm định dự án. Đặc biệt, trong tháng 4 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị vận động nguồn vốn ODA tại Hà Nội, đây là cơ hội cho tỉnh giới thiệu với các nhà tài trợ về các dự án cần đầu tư cũng như giúp các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp cận với các nhà tài trợ...
Ý kiến bạn đọc