Chính sách chi trả DVMTR giúp cải thiện đời sống chủ rừng cung ứng dịch vụ
HGĐT- Năm 2012, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh được thành lập nhằm nhận ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của các tổ chức, doanh nghiệp cho chủ rừng cung ứng dịch vụ. Đây là chính sách mới, có tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng... Xung quanh việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, phóng viên Báo Hà Giang đã trao đổi với ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.
Phóng viên (P/v): Chính sách chi trả DVMTR mới được triển khai trên địa bàn tỉnh, ông có thể giới thiệu khái quát nội dung, ý nghĩa của chính sách này.
Ông Đinh Xuân Lượng: Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR nhằm tạo thu nhập cho người làm nghề rừng và các chủ rừng, xã hội hóa nghề rừng để khuyến khích, thúc đẩy bảo vệ, phát triển rừng bền vững, ổn định lâu dài, chống sạt lở, bồi tụ lòng hồ, lòng sông, suối, hạn chế tình trạng phá rừng, nâng cao giá trị của rừng. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải trả tiền cho chủ các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng. Như vậy, trên địa bàn tỉnh, các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch phải trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các chủ rừng.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR, cuối năm 2012, UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ có nhiệm vụ: Huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ, phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của người được hưởng lợi từ nghề rừng, hoặc các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng; tiếp nhận vốn ngân sách của tỉnh, vốn tài trợ, viện trợ, huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn; nhận ủy thác chi trả tiền của bên sử dụng DVMTR cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ.
P/v: Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tiến hành chi trả DVMTR như thế nào?
Ông Đinh Xuân Lượng: Ngay khi đi vào hoạt động, Quỹ đã tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR đối với 24/25 cơ sở có sử dụng DVMTR, thu tiền quỹ được trên 28,7 tỷ đồng. Trong đó, truy thu 2 năm 2011-2012 được trên 19 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch, thu năm 2013 được trên 9,6 tỷ đồng, đạt trên 30%. Với số tiền thu được từ các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng DVMTR, Quỹ đã chi trả cho các hộ nhận khoán thuộc lưu vực thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà (Yên Bái) với số tiền trên 16 tỷ đồng, đạt 89% so với số thực thu và 100% kinh phí UBND tỉnh phân bổ.
P/v: Từ khi thực hiện chính sách trên, người dân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập, qua đó ý thức trách nhiệm với rừng được nâng lên?.
Ông Đinh Xuân Lượng: Đúng vậy, năm 2013 trên địa bàn tỉnh có gần 255 nghìn ha rừng, với 77 nghìn hộ nhận khoán, bảo vệ được hưởng tiền DVMTR. Trong đó, các Ban quản lý rừng đặc dụng có trên 36 nghìn ha được hưởng tiền cung ứng dịch vụ; trên 218 nghìn ha giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Theo tính toán, trung bình 1 ha rừng sẽ nhận được 110 nghìn đồng tiền DVMTR, định mức cao nhất thuộc về lưu vực Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 đạt trên 432 nghìn đồng/ha, thấp nhất là lưu vực trung tâm sản xuất nước sinh hoạt Hoàng Su Phì, 18 đồng/ha. Qua kiểm tra cho thấy, toàn bộ kinh phí năm 2011-2012 đã được phân bổ về các huyện, thành phố và chủ rừng để thanh toán cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Chính sách chi trả DVMTR được triển khai đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, giúp cải thiện đời sống vật chất cho người làm nghề rừng. Rừng giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt hơn, số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, các vụ cháy rừng giảm nhiều so với những năm trước.
P/v: Chính sách mới ra đời, việc triển khai vào cuộc sống sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của các bên có liên quan?.
Ông Đinh Xuân Lượng: Cái khó khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đó là công tác giao đất, giao rừng trong các lưu vực chưa đồng bộ, chưa thể hiện rõ, đầy đủ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc rà soát chính xác diện tích rừng của từng hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành với lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, một số công ty sản xuất điện trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện nghiêm ủy thác chi trả tiền DVMTR theo kỳ hạn hợp đồng ký kết với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, không kê khai trung thực số tiền phải nộp. Ngoài ra, các huyện như Quản Bạ, Đồng Văn chưa quan tâm, sâu sát chỉ đạo thực hiện chính sách chi trả DVMTR, cán bộ được giao nhiệm vụ luân chuyển nhưng không bổ sung, kiện toàn kịp thời, dẫn đến triển khai chậm, thiếu kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc.
P/v: Sau một năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã khẳng định tốt vai trò nhận ủy thác chi trả DVMTR, ông có thể cho biết định hướng hoạt động năm 2014 của Quỹ?.
Ông Đinh Xuân Lượng: Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng DVMTR trên 33,5 tỷ đồng, chi trả DVMTR trên 28,5 tỷ đồng. Trong đó, thu ủy thác Quỹ T.Ư từ các nhà máy thủy điện liên tỉnh trên 9,2 tỷ đồng, thu nội tỉnh trên 24,3 tỷ đồng. Để thực hiện được điều này, Quỹ thường xuyên đôn đốc các công ty, đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện đúng theo quy định, kịp thời báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng ủy thác đã ký kết giữa tổ chức có sử dụng DVMTR với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Có như vậy, người cung cấp dịch vụ mới được hưởng đúng, đủ quyền lợi của mình, qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ rừng.
Ý kiến bạn đọc