Tín hiệu vui từ mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại Đồng Yên (Bắc Quang)
HGĐT- Thanh long ruột đỏ là cây trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền
Anh Đỗ Đức Tuân chăm sóc vườn thanh long của mình.
Sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên, thế nhưng do hoàn cảnh gia đình nên anh Tuân không theo đuổi ngành nghề mình đã học mà ở nhà làm kinh tế. Đã từng gắn bó với nhiều loại cây trồng truyền thống như cam, chè... Một lần tình cờ tiếp cận thông tin qua internet và nhận thấy những ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ, thấy đây là một giống cây trồng triển vọng, có khả năng thích nghi với vùng đất của mình, anh quyết định đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng giống thanh long và ấp ủ đưa loại cây này về trồng thử. Với dự định của mình, anh bắt đầu đi tham khảo mô hình trồng thử cây thanh long ruột đỏ của anh bạn thân cùng thôn tên là Đỗ Văn Tuân, đồng thời tìm hiểu chuyên sâu về loại cây trồng này qua sách báo, mạng internet. Sau khi đã có kinh nghiệm cả lý thuyết và cả về thực tế, anh Tuân quyết định bàn với mẹ đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ. Ban đầu, anh cũng không tránh khỏi sự hồi hộp và long lắng vì kinh tế gia đình còn hạn hẹp, trước giờ chủ yếu trông chờ vào các loại cây trồng truyền thống. Nhưng với quyết tâm tìm cây trồng mới để thoát nghèo, anh đã vượt qua những rào cản về kinh nghiệm và cả gánh nặng tinh thần luôn thường trực. Cuối năm 2012, anh quyết định vay vốn tất cả anh em họ hàng rồi thuê 1 ha đất vườn và liên hệ với cơ sở giống trong miền nam đặt 1.000 gốc thanh long ruột đỏ giống Đài Loan. Anh Tuân chia sẻ: “Khi mình quyết định làm mô hình này, hầu như tất cả mọi người đều phản đối và bảo không ăn thua, có người độc miệng con nói sẽ thất bại, thế nhưng mình nghĩ trồng cây cam mãi cũng chẳng giàu lên được, mình đã hạ quyết tâm vậy nên mặc kệ người ta nói mình vẫn làm việc của mình. Có thể nói trồng cây thanh long là một mô hình mới tại địa phương nên khâu nắm được quy trình kỹ thuật là quan trọng nhất. Khi đã nắm được kỹ thuật trồng thì việc trồng và chăm sóc loại cây này rất đơn giản, trụ dùng để trồng thanh long có thể bằng xi măng hoặc gỗ”. Qua tìm hiểu và được đi tới tận nơi khảo sát thực tế vườn thanh long của anh Tuân chúng tôi được biết, trụ có kích thước dài 1,8m cạnh vuông, bề mặt 13 cm, trụ được trồng cách mặt đất khoảng 0,5m, phía trên trụ có 4 cọng sắt ló ra dài khoảng 20cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cánh thanh long. Anh Tuân chia sẻ thêm “Nguồn phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, mỗi năm chỉ được bón hai lần (bón thúc mầm và bón thúc quả), sau khi trồng cần trừ cỏ bằng thuốc diệt cỏ, nhưng chú ý không phun vào cây và xung quanh bộ rễ. Tuy nhiên, khi cây được nửa năm thì rễ đã phun toàn bộ mặt đất không sử dụng được thuốc diệt cỏ, nên cần che đậy để giảm cỏ mọc. Để cây thanh long mau lớn và đạt sản lượng cao phải che đậy cẩn thận để giữ gìn cho bộ rễ, không để tổn thương do ánh nắng mặt trời, do úng nước, gió bão... Đồng thời cắt xén những cành cây không thể mọc mầm và ra quả mỗi cành chỉ nên để 3-4 quả”. So với các cây trồng khác, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 20 – 25 năm sau mới phải trồng lại. Đồng thời đây là giống cây không kén đất, không đòi hỏi nhiều nước. Đặc biệt sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trên năm. Từ năm thứ 2 trở đi, năng suất quả cao gấp đôi so với năm thứ nhất. Hiện tại, anh Tuân là một trong những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi và đặc biệt là trồng thanh long ruột đỏ của xã Đồng Yên, với vai trò của mình, anh đã chia sẻ kinh nhiệm của mình tới với các hộ trồng cây thanh long trên địa bàn xã.
Với quyết tâm thoát nghèo, không ngại khó, ngại khổ và hơn hết là dám đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chàng thanh niên Đỗ Đức Tuân đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng. Như vậy đến nay trên địa bàn xã Đồng Yên đã có ít nhất 3 hộ gia đình trồng thành công loại cây ăn quả này với số lượng khá lớn. Tuy nhiên, để trồng trên diện rộng, rất cần chính quyền các cấp và ngành liên quan vào cuộc nghiên cứu, đầu tư về vốn và trang bị thêm kiến thức cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn.
Ý kiến bạn đọc