Hiệu quả từ mô hình “trồng lạc trên đất lúa” tại Đồng Yên
HGĐT- Cách đây chưa lâu, tôi có dịp vào xã Đồng Yên (Bắc Quang) và ghé qua chợ Cáo để mua ít lạc về quê làm quà; vì nghe nói lạc vùng này chắc hạt, ăn rất bùi và ngậy, lại có vị thơm ngon rất đặc biệt. Đến đầu chợ, vừa xuống xe đã bắt gặp đầy dãy những sạp hàng, bao tải nào là lạc nhân, lạc củ của các bà, các chị mặc váy Tày bán san sát nhau.
Xà vào hàng của một chị người Tày rồi hỏi lạc này có ngon không chị? Chị ấy cười rồi vui vẻ trả lời, ngon chứ! giống lạc mới đấy em ăn thử xem, không ngon thì đem trả lại. Thấy vậy tôi vội vã mua mấy kg lạc rồi tìm đến UBND xã Đồng Yên để tìm hiểu thêm về loại cây trồng đặc trưng của vùng đất khô cằn này.
Cánh đồng lạc xuân 2014 của bà con đội 1, thôn An Xuân, xã Đồng Yên (Bắc Quang).
Đồng Yên là xã thuần nông, diện tích đất gieo trồng là 819 ha. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng cây lúa, cây lạc). Chính vì vậy, để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mục tiêu giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ và khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có của địa phương tiến tới XĐGN bền vững, thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai. Vụ mùa có nước, bà con trồng lúa để đảm bảo lương thực cho cả năm; vụ Xuân trồng lạc vì thời tiết lạnh kéo dài, cây lạc là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng và kinh tế (giá lạc cao gấp 3 lần giá lúa), nên được người dân quan tâm và chú trọng hơn đến cây trồng này. Không biết từ bao giờ, lạc đã trở thành cây trồng hàng hoá, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đất, đặc biệt thích hợp với những vùng đất khó khăn về nước tưới. Hàng năm, ngay từ đầu mùa vụ, ngoài việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch gọn vùng sản xuất thuận tiện cho việc tưới tiêu, xã đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện... tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc... Trong vụ Xuân năm 2013, xã Đồng Yên có tổng diện tích lạc Xuân 731,3 ha.
Chia sẻ với chúng tôi về cây trồng chủ lực của xã, đồng chí Hoàng Văn Tại, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Yên cho biết: “Lạc là cây dễ trồng, có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đồi, đất ruộng. Tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là đất cát pha, đất thịt nhẹ dễ thoát nước. Lạc còn là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc, có đầu ra tương đối thuận lợi nên bà con trong xã rất yên tâm và mở rộng diện tích, đồng thời thay đổi nhận thức của từng người dân trong việc luân canh cây trồng cải tạo đất ruộng 1 vụ, không bỏ hoang phí ruộng đất và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho hộ gia đình, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần XĐGN tại địa phương.”
Hiện giá lạc luôn ổn định và ngày càng tăng, theo bà con trồng lạc ở thôn An Xuân cho biết: Giá bán lạc năm nay có nhỉnh hơn chút ít so với năm ngoái, với giá lạc tươi là 10.000-12.000đ/1kg, giá lạc khô là 17.000 - 23.000đ/1kg; thị trường tiêu thụ ổn định góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Điều đáng nói là sau khi thu hoạch xong, bà con nông dân có thể tự lựa chọn những củ lạc đẹp để giống cho vụ sau mà năng suất cây lạc không bị ảnh hưởng, góp phần giảm chi phí và chủ động về giống. Hơn nữa vì dễ bảo quản nên lạc không chịu sức ép về thời gian tiêu thụ như một số nông sản khác. Để cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, cán bộ khuyến nông viên xã cùng bà con đã thường xuyên bám sát kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Chủ động phòng, trừ sâu bệnh bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Vụ xuân trong vài năm trở lại đây, huyện đã đưa giống lạc L14 trồng thí điểm trên diện tích đất gieo trồng tại xã Đồng Yên. Tuy thời tiết khắc nghiệt, rét đậm rét hại kéo dài nhưng được sự chỉ đạo của chính quyền, giống lạc mới được đưa vào trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha, sản lượng đạt 2.559,6 tấn.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại đã thay đổi căn bản đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 3,57%. Tuy nhiên việc sản xuất của bà con nông dân vẫn còn khó khăn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước tưới. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cho chính quyền địa phương xã Đồng Yên là cần xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý. Đồng thời, luôn luôn cải tạo nguồn giống, thay thế dần những giống lạc kém năng suất không phù hợp với loại đất của địa phương. Với kết quả đạt được, mô hình chuyển đổi trồng cây lạc thay cây lúa trên chân đất thiếu nước ở xã Đồng Yên đã mở ra hướng sản xuất phù hợp, giúp giảm được áp lực về nhu cầu nước tưới, tăng thu nhập trên cùng một diện tích, góp phần XĐGN bền vững ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc