Đông Minh: Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi nhưng hiệu quả không cao
HGĐT- Đó là chia sẻ thẳng thắn của Chủ tịch UBND xã Đông Minh (Yên Minh) Nguyễn Đình Phúc. Trong những năm qua, mặc dù là xã nằm sát trung tâm huyện, có nhiều điều kiện thúc đầy phát triển chăn nuôi và được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều đơn vị như Sở LĐTB&XH; Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Việt Nam; Hội Nông dân tỉnh... để phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi bò sinh sản, nuôi gà trống thiến, phát triển chăn nuôi lợn trang trại theo hướng tập trung... nhưng sự phát triển chăn nuôi ở Đông Minh vẫn không có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét và hiệu quả chưa tương xứng.
Người dân ở Đông Minh chủ yếu chăn nuôi theo cách thông thường khiến hiệu quả không cao.
Trong ảnh: Gà trống thiến được chăn thả như gà thường.
Hiện nay tổng đàn gia súc của Đông Minh có trên 5.400 con, đàn gia cầm trên 15.000 con. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển chăn nuôi ở Đông Minh có thể thấy, số hộ gia đình có mô hình phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Những chương trình phát triển chăn nuôi của các đơn vị hỗ trợ cho Đông Minh cũng không được người dân chú trọng quan tâm nên hiệu quả không cao như: Chương trình chăn nuôi trâu, bò sinh sản gắn trồng cỏ của Sở LĐTB&XH tỉnh thực hiện từ năm 2008 với tổng số trâu, bò hỗ trợ là 25 con. Nhưng sau gần 6 năm, số trâu, bò sinh sản, phát triển thêm chỉ được 8 con; Chương trình nuôi trâu luân chuyển của Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Việt Nam thực hiện từ năm 2009, hỗ trợ 10 con, số lượng này đến nay chỉ tăng thêm 2 con; Mô hình nuôi gà trống thiến thực hiện trong năm 2013 ở 2 thôn Nà Báng và Đông Mơ cho 25 hộ với mức hỗ trợ 2,2 triệu đồng/hộ (bao gồm cả tiền thuốc thú y). Sau một năm thực hiện, trung bình các hộ gia đình được hỗ trợ chỉ có chưa đến 30 gà con lớn, bé và mới xuất bán được 160 kg gà trống thiến thịt trong năm 2013. Có thể thấy, những chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở Đông Minh chưa được chú trọng và chưa phát huy được hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND xã Đông Minh, Nguyễn Đình Phúc cho biết: “Nguyên nhân chính làm cho hiệu quả của các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi không đạt được hiệu quả như mong đợi xuất phát từ nhận thức của người dân”. Bởi là một xã nằm trên địa bàn một huyện vùng Cao nguyên đá, đại bộ phận dân số ở Đông Minh là các dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, Mông, Xuồng... nên nhận thức về định hướng sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa chưa được người dân quan tâm, tìm hiểu và chú trọng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn chủ yếu theo cách thức truyền thống là chăn thả tự nhiên để tự cung cấp lương thực cho gia đình. Hơn nữa, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa năng động... Cùng với đó, thời tiết bất thường khi giao mùa, rét đậm rét hại trong mùa đông làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chăn nuôi.
Trong thời gian tới để những chương trình, mô hình phát triển kinh tế ở Đông Minh thực sự thu hút được sự quan tâm của người dân, có bước chuyển mình và đem lại hiệu quả kinh tế cao, xã Đông Minh cần có sự quan tâm hơn nữa đến từng mô hình và các hộ gia đình được hỗ trợ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh tập huấn kiến thức chăn nuôi và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cho bà con... Khi nhận thức của người dân được nâng cao và những người nông dân có trong tay những kiến thức chăn nuôi bài bản, mới có thể hy vọng chăn nuôi ở Đông Minh mới thực sự phát triển.
Ý kiến bạn đọc