Vĩnh Hảo, vùng đất của những ông “vua cam sành”
Là 1 trong 5 xã điểm xây dựng nông thôn mới ở huyện Bắc Quang, xã Vĩnh Hảo nhiều năm qua được biết đến là vùng trồng cam sành nổi tiếng. Việc khôi phục, phát triển nhiều diện tích cam sành không chỉ góp phần đem đến diện mạo của những thôn, làng mới, mà còn giúp cho Vĩnh Hảo ngày càng có thêm nhiều ông “Vua cam” tỷ phú...
Có mặt tại Hội thi sản phẩm cam sành lần đầu được tỉnh tổ chức tại huyện Bắc Quang diễn ra vào đầu năm nay, với sự góp mặt của 80 hộ sản xuất cam điển hình ở 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi xã Vĩnh Hảo có đến hơn 20 hộ dự thi với nhiều tên tuổi trồng cam nổi tiếng. Trao đổi với chúng tôi, anh Ấu Đình Hiệu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo cho biết, xã có diện tích cam, quýt thuộc diện lớn nhất của huyện Bắc Quang với 208 hộ trồng cam. Toàn xã hiện có 262ha cam đang cho thu hoạch và 105ha cam trồng mới năm 2013. Anh Hiệu tâm sự, nhìn lại nhiều năm trước, khi cây cam bị “ép” bởi nhiều thứ như giá cả thị trường bấp bênh, sâu bệnh và tâm lý người trồng không mấy mặn mà, thì tại Vĩnh Hảo, Đảng bộ xã vẫn xác định cây cam là cây XĐGN và chủ lực của địa phương. Qua đó, đã động viên nhiều hộ nông dân tiếp tục gắn bó với cây cam sành. Cùng với đó, có những hộ đã đi đầu tìm thị trường tiêu thụ và dần dần, đưa trái cam sành Bắc Quang vươn xa qua những chuyến xe xuôi ngược.
Mùa cam đem đến mùa vui cho người dân Vĩnh Hảo.
Những trái cam sành Bắc Quang – Hà Giang ngày càng được nâng cao về giá trị kinh tế. Về Vĩnh Hảo có thể thấy phong trào trồng cam, quýt đã và đang phát triển tại nhiều thôn như: Vĩnh Chính, Khuổi Mù, Vĩnh Sơn, Thọ Quang..., với hàng chục hộ có diện tích trồng cam từ 1,5 - 9ha. Cũng từ nhận thức về tiềm năng của cây cam sành, nhiều hộ đã có sự liên kết, thành lập Tổ sản xuất cam sành và được công nhận VietGAP. Cũng xuất phát từ đây, Hiệp Hội cam sành Bắc Quang được thành lập từ nhiều năm qua, nhằm liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, qua đó tạo hướng đi bền vững cho một loại cây truyền thống. Trao đổi với anh Phạm Xuân Tình, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Quang, được biết từ những con số thống kê về các hộ trồng cam ở Vĩnh Hảo, có thể đếm được đến 13 hộ trồng cam trở thành tỷ phú. Qua các kênh thông tin, nhiều người có lẽ đã biết đến những “Vua cam” như Phạm Quang Lân, thôn Vĩnh Chính, Vũ Văn Mạnh thôn Khuổi Mù... là những hộ có từ 5 – 8ha cam, quýt. Ông Phạm Quang Lân cho biết, năm nay vườn cam của gia đình cho thu hoạch đạt trên 100 tấn, còn ông Mạnh cho biết, vườn của gia đình thu hoạch với con số gấp 1,5 lần thế. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc, trái cam đẹp, thị trường đã ưa chuộng cam sành Hà Giang nên giá cam tại vườn của ông Mạnh, ông Lân luôn rất ổn định, đem lại nguồn thu mỗi vụ từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Ngoài 2 ông “Vua cam” trên, đất Vĩnh Hảo đang có thêm những ông “Vua cam” tỷ phú mới như gia đình ông Đoàn Thanh Điền, Phạm Quang Huyến, Ngô Quang Dương, hộ ông Chỉnh, thôn Vĩnh Chính; Bàn Văn Chuyền, thôn Thọ Quang; Lại Văn Bắc, thôn Vĩnh Sơn; Đỗ Văn Dũng, thôn Khuổi Mù..., với sản lượng vườn cam những năm qua đạt từ 60 đến trên 100 tấn/năm.
Đến thăm gia đình ông Hoàng Quyết Thắng tại thôn Vĩnh Sơn, gia đình vừa đạt giải Nhất Hội thi cam của tỉnh lần thứ Nhất. Ngôi biệt thự gia đình ông Thắng mới cất trị giá trên 1,6 tỷ đồng tọa trên khu đất rộng hướng ra vườn cam và sông như nói lên thế “Vạn đại dung thân” với nghề trồng cam. Ông Thắng cho biết, từ thời cha của ông đã trồng cam, cây cam đã giúp gia đình ông cất lên. Với 3ha cam đang ở tuổi “mắn quả”, ông Thắng khiêm tốn cho biết giá trị thu về mỗi năm trên 600 triệu đồng. Để có trái cam sành “vô địch” Hội thi cam, ông cũng tiết lộ kinh nghiệm chăm sóc, cắt tỉa, loại bỏ những cây, cành cam sâu bệnh trong vườn; không tham để cây quá sai quả. Đồng thời, sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật an toàn, cung cấp chất hữu cơ hợp lý cho cây ở từng thời điểm trong năm...
Từ những vườn cam tươi tốt, trong đó có những vườn cam ở Vĩnh Hảo, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm cho rằng, trong khi chúng ta đi tìm nguyên nhân suy giảm diện tích cam sành thời gian qua do sâu bệnh, suy giảm khoáng chất đất..., thì ngày càng có nhiều vườn cam đẹp ở Bắc Quang, Quang Bình. Từ đó cần đặt ra câu hỏi tại sao lại như vậy, đồng thời cần phải học hỏi từ những mô hình phát triển cam sành như ở Vĩnh Hảo và một số địa phương ở Bắc Quang, Quang Bình hiện nay.
Ý kiến bạn đọc