Vì mầu xanh trên vùng đá xám
(Xuân Giáp Ngọ)- Là huyện vùng cao núi đá, biên giới xa xôi của tỉnh, huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất nông, lâm nghiệp nói riêng. Trong điều kiện thời tiết khí hậu không thuận lợi; rét đậm, rét hại và hạn hán kéo dài trong vụ Đông - xuân; mưa bão, gió lốc thường xuyên xảy ra, đặc biệt mưa kéo dài suốt tháng 7 đến giữa tháng 8 gây nhão đất làm kéo dài thời gian sinh trưởng cây vụ trước dẫn đến chậm xuống giống trồng ngô vụ 2, đậu tương đúng thời vụ.... Giá cả vật tư, phân bón, xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người sản xuất nông, lâm nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như trên, nhưng thực hiện Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011 - 2015, bằng sự cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là những nỗ lực của cơ quan chuyên môn là phòng Nông nghiệp – PTNT của huyện nên những kết quả về sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2013 đã giành được những thắng lợi đáng khích lệ. Hầu hết các chỉ tiêu đều cao hơn so với năm trước như: Tổng sản lượng lương thực (thóc, ngô) đạt 28.242,5 tấn, tăng 179,1 tấn so với năm 2012. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 15.531,67 ha, so với năm trước tăng 532,4 ha, đưa hệ số sử dụng đất lên 1,58 lần trong năm 2013. Cơ cấu cây trồng được duy trì đúng hướng, cây trồng năng suất cao tiếp tục được đưa vào trồng chiếm tỷ lệ cao (Ngô lai vụ Xuân chiếm 62,1% diện tích; lúa lai chiếm 74,5% diện tích). Công tác thâm canh được chú trọng, năng suất, sản lượng lượng ổn định và có chiều hướng gia tăng, từng bước nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị đất canh tác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông, lâm nghiệp. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là sản xuất hàng hóa (Lúa Khẩu Mang chất lượng cao được mở rộng diện tích, tăng 16,7% = 23 ha so với cùng kỳ năm 2012). Đồng thời thông qua kết quả các mô hình, các lớp tập huấn kỹ thuật về các cây trồng cho nhân dân, đã từng bước tạo sự chuyển biến, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ cở... nên không có tình trạng gia súc chết do dịch bệnh, do đói rét.
Cánh đồng lúa Khẩu Mang.
Riêng với cây lúa (lúa ruộng và lúa nương), cả năm trồng, thu hoạch 821,14ha, năng suất bình quân đạt 55,4 tạ/ha, sản lượng đạt 4.549,7 tấn, giá trị đạt trên 45 tỷ đồng, trong đó, diện tích lúa thâm canh 760,7 ha, chiếm 94,5%, năng suất bình quân đạt 57,3 tạ/ha. Diện tích lúa Khẩu Mang thâm canh 166,7 ha (86,7 ha giống phục tráng một vụ), tăng 23,0 ha so với năm 2012, năng suất bình quân đạt 49,9 tạ/ha. Diện tích cánh đồng mẫu 55,5 ha, năng suất bình quân đạt 59,9 tạ/ha. Cây ngô cả năm (vụ Xuân – Hè và vụ Thu – Đông) trồng, thu hoạch 6.800,5 ha, đạt 96,4% KH tỉnh giao (7.051 ha), đạt 100,5% KH của huyện (6.768,8 ha), năng suất bình quân ước đạt 34,88 tạ/ha, sản lượng ước đạt 23.720,34 tấn, giá trị đạt trên 210 tỷ đồng. Ngoài các loại cây lương thực chính, huyện đã tập trung vào trồng các loại cây phù hợp có giá trị cao như trồng 2.350,72 ha cây đậu tương, so với năm 2012 tăng 215,52 ha. Năng suất bình quân đạt 9,7 tạ/ha, sản lượng đạt 2.283,15 tấn, giá trị đạt trên 45 tỷ đồng. Trồng mới trong năm được 21,0 ha chè (Lũng Phìn 15 ha; Vần Chải 5 ha; Sủng Trái 1 ha). Lũy kế đến nay có 185,4 ha, diện tích cho thu hoạch 125,0 ha, năng suất bình quân đạt 3,3 tạ/ha, sản lượng đạt 41,25 tấn, giá trị đạt trên 6 tỷ đồng. Các loại cây ăn quả như mận, đào địa phương, cây lê Đài Loan đến nay có 1.000,4 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 411,4 ha, mang lại giá trị trên 60 tỷ đồng... Cây thảo quả, hoa hồng, cây lanh, khoai tây và các loại rau, đậu vụ Đông được UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định không có dịch bệnh xảy ra. Đến hết tháng 10, đàn trâu có 1.365 con, đàn bò 22.140 con, đàn lợn 27.556 con, đàn dê 19.476 con, đàn gia cầm 326.290 con... Tất cả các loại gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh phát triển tổng đàn, huyện cũng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh như thực hiện tiêm phòng các loại Vacxin, phun hóa chất Benkocid khử trùng chuồng trại; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nội tỉnh... đảm bảo an toàn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, huyện thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đôn đốc UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền thực hiện tốt công tác PCCCR và bảo vệ rừng; triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu khoán khoanh nuôi, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng theo kế hoạch được giao; tiếp nhận, cấp phát gạo hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho các hộ tham gia. Từ đầu năm đến nay đã chăm sóc rừng được 603,5ha; khoanh nuôi, bảo vệ rừng 18.677,40 ha; trồng mới được 20 ha rừng cảnh quan...
Nhằm tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng: Chuyển đổi, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đảm bảo an ninh về lương thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn vay cho nhân dân phát triển kinh tế nói chung và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nói riêng, theo đồng chí Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tăng cường đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng, thâm canh; mở rộng diện tích các cánh đồng mẫu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như: Chè Shan tuyết Lũng Phìn, trồng cây dược liệu theo Đề án Quy hoạch của UBND tỉnh, mở rộng vùng trồng lúa Khẩu Mang, vùng trồng rau, hoa Phó Bảng...; tập trung phát triển chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình và chăn nuôi hàng hoá ở những nơi có điều kiện; kiện toàn các Ban, tổ, đội và xây dựng phương án PCCCR - BVR từ huyện đến cơ sở trước mùa khô hanh; xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại thôn, bản...
Trên vùng đất khó, bằng công sức của người nông dân, bằng tri thức của cán bộ, mầu xanh của rừng, của ngô, lúa, cây rau, cây hoa, cây đậu... đã làm dịu đi màu đá xám, mang lại ấm no cho bà con nơi đây.
Ý kiến bạn đọc