“Ưu tiên lợi thế, phát triển cây, con “mũi nhọn”
(Xuân Giáp Ngọ)- Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Bắc Mê khi trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Với nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, nâng cao đời sống... nông nghiệp Bắc Mê đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Hơn 100 ha cây Hồi được trồng nhân rộng trong năm 2013 hứa hẹn mang lại triển vọng kinh tế cho người dân địa phương. (Trong ảnh: Ươm cây Hồi giống).
“Cú hích” kích cầu sản xuất
Là huyện vùng sâu; Bắc Mê còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đường giao thông và đặc biệt là tập quán canh tác lạc hậu, ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, huyện nhà đã có cơ chế hỗ trợ riêng, đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương để “kích cầu” cho nông nghiệp phát triển: Hỗ trợ 650 triệu đồng/650 ha đậu tương cho các xã trọng điểm thực hiện Đề án cây đậu tương hàng hóa; hỗ trợ mô hình trồng mới 10 ha mía tại thị trấn Yên Phú; 50 ha dong riềng tại xã Đường Âm; 250 triệu đồng/250 ha cỏ; 30 triệu đồng/HTX cho các HTX thành lập mới theo Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ các hộ gia đình mua 113 máy cày với định mức 50% giá máy; hỗ trợ 850 triệu đồng thực hiện sản xuất vụ Đông 2013 tại 13 xã, thị trấn, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mô hình điểm tại thôn Tạm Mò (xã Yên Định), Bản Đuốc (Yên Phong); hỗ trợ 50% giá giống lúa, ngô vụ Xuân vàphân bón, vôi bột cải tạo đất đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của ngành chăn nuôi đại gia súc, huyện hỗ trợ mua 40 con trâu đực giống tốt cho các xã: Yên Định, Yên Phong, Yên Cường, ĐườngÂm, Đường Hồng, thị trấn Yên Phú để cải tạo giống...
Thành quả được nhân rộng
Chưa phải là huyện động lực về sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp Bắc Mê đang có những bước chuyển mình rõ nét; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30,6 nghìn tấn; tổng diện tích gieo cấy lúa đạt trên 2.350 ha, năng suất trung bình đạt 55,3 tạ/ha; sản lượng trên 13 nghìn tấn; cây ngô thực hiện 5.518 ha, năng suất đạt 32 tạ/ha; sản lượng trên 17.600 tấn; cây lạc thực hiện 1.154 ha, năng suất đạt 18,7 tạ/ha; cây đậu tương gieo trồng được 2.102 ha, năng suất đạt 14,9 ha. Một số cây trồng khác đang được quan tâm, đầu tư phát triển là cây chè, cỏ, dong riềng, hồi, dưa, bí vụ xuân... Nhiều mô hình mới xuất hiện mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng rau ở Nà Vuồng, cây ngô ở Bản Đuốc (Yên Phong); đậu tương hàng hóa ở Đường Hồng; ĐườngÂm; cây vụ Đông ở Yên Phong; chăn nuôi trâu, bò nhốt ở Minh Sơn, Phiêng Luông; cánh đồng mẫu lớn tại Yên Định, thị trấn Yên Phú, Đường Âm; cây dong riềng, cây hồi ở ĐườngÂm; phát triển kinh tế gắn xây dựng nông thôn mới ở 2 xã điểm Yên Định, Yên Phong... Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Bắc Mê, những mô hình này tuy chưa lớn về quy mô và giá trị kinh tế nhưng đang dần làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, trì trệ của người dân, tạo thói quen chủ động trong sản xuất và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh.
Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Năm 2014, Bắc Mê nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấukinh tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn, ứng dựng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng và bền vững dựa trên những lợi thế của địa phương”.
Chúng tôi có dịp ghé thăm các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện vào những ngày cuối cùng của năm cũ; nhìn thấy sự háo hức, niềm hy vọng hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân ngay bên thành quả lao động, mới hay những chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp của huyện đã bám rễ vững chắc vào đời sống người dân; thế mạnh địa phương trở thành cơ hội phát triển.
Ý kiến bạn đọc