Thành công cây trồng vụ đông ở Vị Xuyên

16:12, 23/01/2014

(Xuân Giáp Ngọ)- Dưới tia nắng ấm áp của mùa Xuân, bên cạnh sắc thắm hoa đào thì màu xanh căng đầy sức sống trên những cánh đồng rau vụ đông của huyện Vị Xuyên trở thành điểm nhấn đầy ấn tượng. Qua ngày đông giá lạnh, những cánh đồng rau ấy vẫn vươn lên xanh tốt một mầu, trở thành biểu tượng sinh sôi trước mùa Xuân mới cho bao người trồng rau trên địa bàn huyện.


Dọc tuyến Quốc lộ 2 từ thành phố Hà Giang xuống huyện Vị Xuyên hay đi sâu vào từng ngách nhà, ngõ xóm của các xã: Đạo Đức, Việt Lâm, Trung Thành,... ta không khỏi nao lòng trước màu xanh bắt mắt của những cánh đồng rau vụ đông với bạt ngàn su hào, bắp cải, súp lơ hay cải sa-lát,... Với quyết tâm đưa cây vụ Đông trở thành vụ chính, sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, đây là năm đầu tiên huyện Vị Xuyên thực hiện thắng lợi cây trồng vụ Đông. Điều ấy không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất mà còn là nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn huyện mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

 


Vườn rau với 500 cây su hào, bắp cải và đỗ cho gia đình chị Nông Thị Thương, xã Việt Lâm thu 10 triệu đồng/vụ.


Năm trước, tổng diện tích cây vụ Đông của huyện Vị Xuyên đạt 646,4 ha thì nay, con số này đã tăng 237,5 ha, nâng tổng diện tích cây vụ Đông của toàn huyện lên tới 883,9 ha. Với những giá trị kinh tế thiết thực từ cây trồng vụ Đông mang lại, năm 2011, huyện Vị Xuyên chủ trương đưa cây vụ Đông trở thành vụ chính trong năm. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương mới còn gặp nhiều khó khăn trong cách thức triển khai cũng như việc bà con chưa thực sự “mặn mà” với cây vụ Đông nên hiệu quả đạt được chưa cao. Qua những lần thất bại cùng sự đúc kết kinh nghiệm, vụ Đông năm 2013 trên địa bàn huyện Vị Xuyên thu nhiều kết quả đáng khích lệ. Mang lại cho người dân nguồn thu vài chục triệu đồng/ha. Sự thành công ấy là bước đệm quan trọng để nâng hệ số sử dụng đất của huyện từ 2 vụ lên 3 vụ/năm. Góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, cung cấp ra thị trường nhiều loại mặt hàng rau xanh, giữ bình ổn giá cả thị trường dịp trước và sau Tết. Bên cạnh đó, cây cải sa-lát được huyện khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Bởi hiện nay, Công ty Vạn Đạt đóng chân trên địa bàn huyện đã ký kết hợp đồng với UBND huyện về việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cải sa-lát cho người dân.

   

Thu hoạch cải sa-lát ở xã Đạo Đức.


Một trong những điểm nhấn đáng quý cho thành công ấy, ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị còn có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người trồng rau. Vụ Đông năm nay, lãnh đạo huyện Vị Xuyên đã trực tiếp xuống đồng, cùng bà con trồng rau, tạo nên phong trào trồng cây vụ Đông sôi nổi trên toàn huyện. Hơn nữa, qua năm tháng, việc chủ động tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng cây vụ Đông của các ngành chức năng trở thành hạt mưa sa thấm vào lòng đất để những cánh đồng rau xanh ngút tầm mắt phủ nhiều diện tích đất trống sau thu hoạch vụ Mùa. Cơ cấu giống cây vụ Đông được Phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên tính toán một cách hợp lý, dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như thế mạnh về cây vụ Đông của từng địa phương. Chẳng hạn, các xã vùng thấp, ven sông Lô, có đường giao thông thuận tiện, đảm bảo việc cung ứng rau ra thị trường như xã: Đạo Đức, Trung Thành, thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên thuận lợi cho việc phát triển nhiều diện tích cây: Ngô, cải sa-lát, su hào, bắp cải hay xã vùng cao Thượng Sơn có thổ nhưỡng phù hợp với các loại cải địa phương, khoai tây... Trong quá trình triển khai cây vụ Đông, bà con được các ngành chức năng hướng dẫn cách trồng rau an toàn, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Nếu những năm trước, người dân phải sử dụng rau do nhiều thương lái dưới xuôi cung cấp thì nay, cùng với việc tăng diện tích cây trồng vụ Đông, năng suất, sản lượng rau trên địa bàn huyện Vị Xuyên đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ rau của người dân...

 

Nơi chợ trung tâm huyện Vị Xuyên ngày giáp Tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nụ cười hiền hậu của bao người dân bán hàng rau, thấp thoáng sau sắc thắm hoa đào. Nếu ở những nơi khác, mùa Xuân về dọc các con phố với cảnh mua, bán cành đào Xuân thì ở Vị Xuyên, những người trồng rau trên địa bàn huyện đã góp thêm “nhành” xuân mới bằng chính sản phẩm rau an toàn của mình. Sản phẩm ấy là kết tinh của quá trình chuyển biến tích cực trong nhận thức về hiệu quả kinh tế của cây trồng vụ Đông. Là thành quả của sự nhọc nhằn “một nắng hai sương” để Xuân này cuộc sống thêm sung túc.


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc “gồng mình” chống chọi với giá rét
HGĐT- Hiện tượng băng tuyết xuất hiện trong mấy ngày gần đây, một lần nữa khiến cho cuộc sống của người dân ở huyện nghèo Mèo Vạc bị đảo lộn. Đồng bào các dân tộc nơi đây đang phải “gồng mình” chống chọi với giá rét, các hoạt động sản xuất gần như bị ngừng trệ, nguy cơ đói nghèo có thể tái diễn.
22/01/2014
Quang Bình đẩy mạnh phát triển vùng cam hàng hóa
HGĐT- Huyện Quang Bình có tổng diện tích cây ăn quả là 1.536,43 ha, tập trung ở 6 xã trong vùng quy hoạch, gồm: Yên Hà, Hương Sơn, Xuân Giang, Bằng Lang, Tiên Yên, Vĩ Thượng, trong đó diện tích cây cam, quýt là 979,79 ha, diện tích cho thu hoạch là 416 ha. Năm 2013 mặc dù bị ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu cộng với một số diện tích cam, quýt đã già cỗi nhưng sản lượng vẫn
22/01/2014
Tươi mới Tân Bắc
(Xuân Giáp Ngọ)- Tân Bắc là xã có nhiều lợi thế về tiềm năng phát triển, cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã luôn đoàn kết nhất trí cao, tích cực ủng hộ và thực hiện sự nghiệp đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua luôn đạt ở mức cao và ổn định. Tình hình ANCT, TTATXH luôn được giữ vững.
20/01/2014
Xuân Giang ngày càng... Xuân
(Xuân Giáp Ngọ)- Đón Xuân 2014, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Xuân Giang (Quang Bình) vô cùng phấn khởi khi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của xã trong năm qua đã đạt và vượt đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến tích cực. Giúp người dân từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
20/01/2014
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.