Phố núi bên dòng Gâm
(Xuân Giáp Ngọ)- Mùa này, Bắc Mê mờ ảo, hữu tình trong màn sương sớm, đẹp như nàng công chúa vừa bừng tỉnh, soi bóng bên dòng sông Gâm hiền hòa. Ở tuổi 30, Bắc Mê vươn mình chững chạc với nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ANQP. Giữa thời khắc chuyển giao năm mới, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp để cảm nhận rõ hơn sự chuyển mình của phố huyện.
Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại một năm Quý Tỵ 2013 đầy khó khăn, thách thức; nhưng chúng ta vẫn đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, ANQP; ông có thể điểm qua những điểm nhấn nổi bật của huyện nhà trong năm qua?
Ông Triệu Trung Hiệp: Kết thúc năm 2013, là năm bản lề, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; Bắc Mê đã hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: Tổng sản phẩm trong huyện đạt 761 tỷ đồng, tăng 16,8% với năm 2012; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,9 triệu đồng, tăng 19,9%; tổng sản lượng lương thực có hạt 30.674,7 tấn, đạt 102,4% KH; thu ngân sách trên địa bàn (thuế và phí) đạt 55,14 tỷ đồng đạt 119% KH; tỷ lệ huy động học sinh từ 6 đến 14 tuổi đến trường trong năm học 2013 – 2014 đạt 98,6%; tỷ cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Trong năm đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.067 lao động, giải quyết việc làm cho 2.335 người; có 745 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 31,44%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; ANQP được củng cố và giữ vững. Bên cạnh đó, sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới cũng là một bước đột phá, tạo tiền đề để hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới trong những năm tiếp theo.
Đồng chí Triệu Trung Hiệp thăm điểm trường Tiểu học thôn Phia Vèn (Lạc Nông).
Phóng viên: Nói về chương trình xây dựng nông thôn mới, qua 3 năm triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn Bắc Mê đã đổi thay như thế nào, thưa ông?
Ông Triệu Trung Hiệp: Năm nay, với chủ trương chung của tỉnh về xây dựng nông thôn mới là đột phá về “Nhà sạch, vườn đẹp” và đường giao thông nông thôn”, huyện Bắc Mê đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương: Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã kiện toàn BCĐ Chương trình xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã và Ban phát triển thôn ở 134/134 thôn bản; hoàn thành công bố Đồ án, Đề án và cắm mốc quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, 2015 - 2020 ở 13/13 xã, thị trấn; Tiếp tục thực hiện 7 việc của xã, 9 việc của thôn, 5 việc của hộ gia đình; cung ứng 473,1 tấn xi măng; vận động nhân dân hiến 2.803 m2 đất để làm đường giao thông; tổ chức 69 lần ra quân xây dựng NTM; huy động nhân dân đóng góp hơn 11.000 ngày công với tổng trị giá trên 2.136,7 triệu đồng; mở mới và nâng cấp gần 80 km đường giao thông; thực hiện 345 “Nhà sạch, vườn đẹp”; cải tạo 141 vườn tạp; làm mới và di chuyển hàng ngàn chuồng trại gia súc ra xa nhà; xây dựng 85 bể bioga; đặc biệt, xãYên Định tổ chức được phong trào “Ngày thứ 6 vì Nông thôn mới” và “Chung sức ngày công làm đường giao thông”. Đến nay, tại 2 xã điểm NTM là Yên Định đạt 26/45 nội dung của 19 tiêu chí; Yên Phong đạt 22/45 nội dung tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 3 – 6 tiêu chí. Đặc biệt, năm 2013, huyện tập trung đầu tư phát triển kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, nhiều mô hình kinh tế đang mang lại cuộc sống ổn định, no ấm cho người dân.
Phóng viên: Việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống cho thấy ngành này vẫn là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; Tuy nhiên Bắc Mê luôn được “nhắc tên” là địa phương có “truyền thống” chậm mùa vụ. Xin ông cho biết những giải pháp để khắc phục tình trạng này, hướng đến nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa?
Ông Triệu Trung Hiệp: Thực tế không thể phủ nhận Bắc Mê là một trong những địa phương khó khăn trong việc đáp ứng thời gian mùa vụ, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp. Nguyên nhân chủ yêu do sự chây lười, ỷ lại, tập quán canh tác lạc hậu của người dân. Giải quyết vấn đề này, huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, áp dụng KHKT vào sản xuất; chuyển đổi diện tích đất không chủ động nước sang trồng các loại cây hoa màu khác có giá trị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thâm canh theo hướng hàng hóa quy mô lớn; phát triển cây trồng vụ đông và chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả; đầu tư có địa chỉ, trọng tâm, trọng điểm; thực hiện mô hình trồng rừng mẫu tại xã Lạc Nông và Yên Phong để nâng cao thu nhập cho người dân.
Phóng viên: Những thành tựu đạt được sẽ là nền tảng giúp Bắc Mê tự tin bước vào tuổi 30 với những sắc Xuân mới. Ông cho biết những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2014?
Ông Triệu Trung Hiệp: Bước vào năm 2014, huyện Bắc Mê phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hợp lý, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17,2 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 31.369,8 tấn; thu 52,5 tỷ đồng ngân sách trên địa bàn (thuế và phí); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi (6-14 tuổi) đến trường trong năm học 2014 – 2015 đạt trên98,7%; tạo việc làm mới cho trên 2.400 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 26,4%; các vấn đề về văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội; ANQP... đảm bảo ổn định và đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Đặc biệt tiếp tục thực hiện đột phá về chương trình xây dựng nông thôn mới, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện đầu Xuân, chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà bước vào năm mới 2014 với nhiều thắng lợi mới.
Ý kiến bạn đọc