Niềm vui sau 365 ngày nhọc nhằn sản xuất
(Xuân Giáp Ngọ)- Bỏ lại sau lưng những khó khăn, chật vật của một năm sản xuất đầy biến động, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 143,594 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2012. Việc chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi, thâm canh, đặc biệt đối với các loại cây đậu tương, rau màu đã đưa hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần. Kết quả trên phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp huyện Quản Bạ.
Người dân xã Quyết Tiến chăm sóc cà chua trái vụ.
Đứng ở thời điểm cuối năm 2013 nhìn lại quãng thời gian vừa qua, nhìn tiếp về tương lai tuy phía trước còn nhiều khó khăn thách thức tác động đến sản xuất nông nghiệp, nhưng ngành nông nghiệp huyện Quản Bạ cũng đáng được tự hào khi thành tựu trong nông nghiệp có được: Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 143,594 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2012; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 30.172 tấn đạt 100,5%, tăng 1.490 tấn so với năm 2012. Lương thực bình quân theo đầu người đạt 617 kg/người/năm, tăng 7 kg/người/năm... Người nông dân đã chủ động mở rộng diện tích gieo trồng bằng cách khai hoang, phục hoá, luân canh, chủ động chuyển những chân ruộng thiếu nước sang trồng màu, chuyển một số diện tích trồng ngô, màu năng suất thấp sang trồng đậu tương. Mặt khác, người dân tích cực, lựa chọn những giống cây năng suất cao, phù hợp đưa vào sản xuất. Huyện đã tập trung đẩy mạnh việc tăng trưởng đàn gia súc với các biện pháp, chính sách hỗ trợ gắn với chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, trồng và thâm canh cỏ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc, qua đó góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định, đưa tổng đàn gia súc của huyện lên trên 18.000 con; đàn gia cầm 155.800 con...
Có được kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo sát sao của huyện, nỗ lực của toàn xã hội thì hoạt động của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm khuyến nông, BVTV huyện có vai trò rất quan trọng. Từ kết quả hoạt động của các ngành, đơn vị trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhiều mô hình được khảo nghiệm, ứng dụng vào thực tế, nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực; các loại bệnh trên gia súc, cây trồng được dự báo, phát hiện kịp thời nên không để dịch bệnh lây lan đe doạ đến sản xuất...đã giúp ngành nông nghiệp huyện chủ động trong sản xuất và từng bước phát triển nền nông nghiệp hàng hoá mang tính chuyên canh, tập trung với các sản phẩm chất lượng cao, được thị trường chấp thuận. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn xây dựng vùng trọng điểm hàng hoá, vùng thâm canh phù hợp với lợi thế từng vùng nên đã phát huy được hiệu quả. Đến nay nhiều mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình được đầu tư, phát triển theo hướng hàng hoá. Việc chuyển giao KHKT kết hợp với xây dựng mô hình trình diễn đã giúp người dân nhận thức tốt về các loại giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn, qua đó được nhân rộng, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá như mô hình trồng rau, hoa, cây dược liệu tại xã Quyết Tiến, Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn; mô hình thâm canh, luân canh ở xã Đông Hà...
Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2013, ngành nông nghiệp huyện Quản Bạ quyết tâm đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2014 tăng trên 5% so với năm 2013; sản lượng lương thực có hạt đạt 31.000 tấn; nâng mức bình quân lương thực theo đầu người lên 625kg/người/năm... Thực hiện quyết tâm này, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh lúa, ngô bằng những giống mới, có năng suất, chất lượng cao; mở rộng diện tích vùng lúa, ngô chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa, không chủ động được nguồn nước sang trồng đậu tương, cỏ. Phát triển mạnh vùng rau, hoa, cây dược liệu, chăn nuôi hàng hoá chất lượng cao theo thế mạnh từng vùng. Đồng thời làm tốt việc phòng chống dịch bệnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung.
Với các biện pháp đồng bộ, chuyên sâu, tin tưởng sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ tiếp tục vượt qua những khó khăn, gặt hái nhiều thành công trong năm mới 2014.
Ý kiến bạn đọc