Mèo Vạc “gồng mình” chống chọi với giá rét
HGĐT- Hiện tượng băng tuyết xuất hiện trong mấy ngày gần đây, một lần nữa khiến cho cuộc sống của người dân ở huyện nghèo Mèo Vạc bị đảo lộn. Đồng bào các dân tộc nơi đây đang phải “gồng mình” chống chọi với giá rét, các hoạt động sản xuất gần như bị ngừng trệ, nguy cơ đói nghèo có thể tái diễn.
Người dân xã Pả Vi khẩn trương thu hoạch diện tích cỏ bị chết để làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.
Vốn là huyện gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi đặc thù nhiều đá, ít đất, nhiệt độ thấp hơn so với một số huyện khác trong tỉnh; do đó vào mùa rét, Mèo Vạc thường là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Đặc biệt, Mèo Vạc cũng là số ít địa bàn phải chịu sự khắc nghiệt của hiện tượng băng tuyết vào mùa Đông. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, Mèo Vạc đã phải hứng chịu 2 đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết phủ trắng ruộng vườn, gây thiệt hại không nhỏ về cây trồng vụ Đông và diện tích cỏ chăn nuôi. Gần đây nhất, trong các ngày từ 12-13.1, thời tiết rét đậm đã xuất hiện mưa tuyết ở một số xã biên giới của huyện. Mặc dù ban ngày trời nắng nhưng nhiệt độ chỉ dao động từ 5-6 độ C, các xã núi đá chỉ từ 1-2 độ C; nhiều khi xuống tới -1 độ C nên không thể sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Theo đồng chí Lù Trai, Chủ tịch UBND xã Xín Cái, cho biết: Đây là địa bàn có nhiệt độ gần như thấp nhất trong huyện; mưa tuyết lần này tuy không dày và kéo dài như trong đợt trước, nhưng đã khiến cho các hoạt động ngoài trời bị... “đóng băng”. Để tránh rét, chính quyền xã đã khẩn trương chỉ đạo người dân chủ động ở trong nhà, che chắn thêm chuồng trại, đốt lửa để sưởi ấm cho đàn gia súc. Thế nhưng, mặc dù không có thiệt hại về gia súc, gia cầm nhưng hầu hết các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng.
Tại xã Pả Vi, điều dễ nhận thấy nhất chính là diện tích cỏ chăn nuôi bị táp lá, khô héo khiến cả một vùng nổi lên màu xám trắng. Theo quan sát, diện tích bị táp lá chủ yếu là cỏ Goa-tê-ma-la và một số diện tích cỏ VA06 bị ảnh hưởng nhẹ. Nhằm tận dụng những diện tích cỏ bị chết, người dân đã khẩn trương thu hoạch và tiến hành ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Nhưng trên thực tế, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Anh Sùng Mí Nô, xóm Pả Vi Thượng, xã Pả Vi cho biết: “Hàng năm, với diện tích cỏ hiện có chỉ đủ đáp ứng cho đàn bò của gia đình. Năm nay, do cỏ bị chết do rét nên chắc chắn sẽ bị thiếu vào mùa Đông. Gia đình đang tính phải bán bớt bò đi nếu không chẳng biết lấy đâu ra thức ăn cho chúng”. Được biết, gia đình anh có 5 con bò, đó là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Với thời tiết rét đậm và cỏ bị chết như vừa qua thì nguy cơ bị tái nghèo lại đang trở thành nỗi ám ảnh. Gia đình anh Nô chỉ là một trong số hàng trăm hộ gia đình ở Mèo Vạc rơi vào tình cảnh tương tự vì chịu ảnh hưởng của băng tuyết. Bởi thực tế, phát triển đàn bò, dê hàng hóa gắn với trồng cỏ chăn nuôi đang là hướng đi chính trong công tác XĐGN ở Mèo Vạc. Nay nguồn thức ăn bị thu hẹp, đàn gia súc giảm về số lượng thì đói nghèo tái diễn là chuyện có thể báo trước. Giá rét còn tạo ra nhiều đảo lộn trong đời sống của cán bộ cũng như công tác giáo dục trên địa bàn huyện Mèo Vạc, chương trình giảng dạy không theo kế hoạch đề ra. Đồng chí Lâm Quang Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc cho biết: “Do thời tiết quá lạnh, huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học cho các em học sinh nghỉ học để tránh rét. Trong đợt rét vừa qua, đã có trên 21 nghìn học sinh phải nghỉ học. Điều này đã trở thành rào cản không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn đặt ra nhiều khó khăn trong công tác huy động học sinh đến trường sau rét”.
Sau 2 đợt rét đậm, rét hại không có gia súc nào bị chết đang cho thấy sự chủ động của các cấp ủy, chính quyền cũng như ý thức của người dân được nâng cao. Ngay khi có mưa tuyết và giá rét xuất hiện, các cơ quan chức năng huyện Mèo Vạc đã khẩn trương chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân che chắn, dọn vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch cỏ để dự trữ trong những ngày giá rét. Đồng thời cử cán bộ phụ trách xã, xuống cơ sở để trực tiếp hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng và gia súc. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, băng tuyết đã làm cho trên 21 ha khoai tây bị thiệt hại, trên 50 ha chỏ chăn nuôi có nguy cơ bị chết. Thiếu đất, thiếu nước sản xuất đã đành, nay lại thêm một lần nữa băng tuyết, khiến người dân phải “co mình” chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Với đặc thù của huyện Mèo Vạc thì đây mới chỉ là thời điểm giữa mùa giá rét, trong khi diễn biến bất thường của thời tiết, rét đậm, rét hại có thể tiếp tục kéo dài nên chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc luôn cần được đặt lên hàng đầu. Hơn thế nữa, người dân vẫn luôn cần đến sự quan tâm của các cấp chính quyền để giá rét không còn là... nỗi lo.
Ý kiến bạn đọc