Công ty TNHH Sơn Lâm tạo nguồn năng lượng bền vững
(Xuân Giáp Ngọ) - Trong không khí tưng bừng, hồ hởi chuẩn bị đón Xuân mới Giáp Ngọ 2014, đồng bào các dân tộc huyện Quang Bình nô nức kéo về vùng lòng hồ thủy điện Sông Chừng, tham dự một sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, cũng duy nhất xuất hiện trên địa bàn tỉnh - Lễ hội đua thuyền. Sự kiện này đã đặt mốc son mới, đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược phát triển du lịch sinh thái, gắn với nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng rừng kinh tế bền vững trên vùng lòng hồ thủy điện.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh thả cá vào lòng hồ thủy điện Sông Chừng.
Vùng lòng hồ thủy điện Sông Chừng rộng trên 225 ha, trải dài 15 km trên địa phận xã Tân Bắc, Tân
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Sông Chừng.
Nhà máy Thủy điện Sông Chừng đi vào hoạt động ổn định, đã tạo ra cuộc sống mới cho người dân theo hướng bền vững. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi cảm nhận được sự đồng thuận, tin tưởng rất cao của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc vùng dự án dành cho Công ty TNHH Sơn Lâm. Đồng bào vùng hạ du Thủy điện Sông Chừng thuộc các xã Tân Bắc, thị trấn Yên Bình khẳng định: Khi chưa có nhà máy, nhiều diện tích đất nông nghiệp chỉ canh tác một vụ, do không chủ động được nước tưới hoặc bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Nhưng khi nhà máy ngăn đập, nguồn nước được điều tiết hợp lý, giúp hàng chục ha đất canh tác chuyển từ sản xuất một vụ bấp bênh, sang hai vụ ăn chắc. Nguồn nước từ nhà máy đã đóng góp hiệu quả vào quá trình sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho hàng trăm hộ dân. Còn người dân vùng lòng hồ, lại đang vui mừng đón nhận cuộc sống mới, khi được Công ty TNHH Sơn Lâm hỗ trợ chuyển đổi, bổ sung thêm ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng rừng và dịch vụ du lịch.
Trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành Nhà máy Thủy điện, Công ty TNHH Sơn Lâm luôn thực hiện tốt các hoạt động xã hội, chia sẻ cộng đồng, gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với người dân. Hàng năm, Công ty đều tham gia, đóng góp tích cực cho các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp điện miễn phí cho hàng chục hộ dân... Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ thủy điện, Công tyđã phối hợp với huyện Quang Bình, hỗ trợ thành lập HTX trồng rừng và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, xã viên là những hộ dân có đất canh tác nằm trong vùng lòng hồ. Khi triển khai xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Chừng, Công ty TNHH Sơn Lâm đã tính toán rất kỹ các phương án di dân và phương án vén dân được lựa chọn, nhằm tránh xáo trộn cuộc sống nên bà con rất phấn khởi, họ vừa không phải di chuyển đi nơi khác, vừa được tạo nghề mới ngay trên chính quê hương.
Đua thuyền trên vùng lòng hồ thủy điện.
Việc thành lập HTX nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đã mở ra cơ hội mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với huyện Quang Bình, quy hoạch những vùng đất hoang hóa, giá trị sản xuất thấp, không bị ngập nước để trồng rừng, tạo thành những khu rừng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước. Sau này, khi HTX đi vào hoạt động, hàng năm Công ty sẽ có chủ trương hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón trồng rừng, thả cá giống bổ sung vào lòng hồ, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện đánh bắt thủy sản... Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Sơn Lâm đã thả hàng trăm nghìn con cá giống các loại xuống lòng hồ, qua theo dõi, các loài cá sinh trưởng, phát triển tốt. Trong những lần đến thăm, thả cá vào lòng hồ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ lợi ích cộng đồng của doanh nghiệp.
Từ thành công của quá trình xây dựng, vận hành Thủy điện Sông Chừng, Công ty TNHH Sơn Lâm tiếp tục triển khai đầu tư dự án Thủy điện Sông Lô 4 tại xã Tân Thành (Bắc Quang). Ngay khi được UBND tỉnh giao đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư, Công ty đã làm việc với các cơ quan chức năng, tiến hành khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở; khảo sát địa hình; điều chỉnh công suất quy hoạch từ 16 lên 24MW, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng; ký hợp đồng cung cấp thiết bị thủy điện đồng bộ và dịch vụ kỹ thuật công trình. Công ty đã san ủi hơn 3 ha mặt bằng nhà máy, xây dựng trạm biến thế, các công trình phụ trợ phục vụ thi công; đền bù, giải phóng xong mặt bằng hai bên bờ đập chính; bố trí nguồn vốn tự có chiếm khoảng 30% tổng dự toán, làm việc với các Ngân hàng Thương mại và được chấp thuận cho vay vốn thực hiện dự án... Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư cơ bản đã hoàn tất, Công ty dự kiến khởi động việc xây dựng nhà máy vào những ngày đầu Xuân mới Giáp Ngọ. Trên cơ sở kinh nghiệm đúc kết trong quá trình xây dựng thủy điện, Công ty sẽ hoàn thành thi công Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 trong thời gian sớm nhất - ông Phạm Công Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm khẳng định.
Thời gian qua, ở một vài địa phương trong cả nước, các nhà máy thủy điện luôn bị coi là mối đe dọa đối với sản xuất và cuộc sống người dân. Nhưng, tại vùng dự án Nhà máy Thủy điện Sông Chừng, người dân đã cócuộc sống ổn định, tốt hơn trước. Với trách nhiệm và đạo đức của nhà đầu tư chân chính, chuyên nghiệp trong đầu tư, xây dựng thủy điện, Công ty TNHH Sơn Lâm đã, đang và sẽ tạo nguồn năng lượng bền vững cho cuộc sống, tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc