Bước chuyển mình ở Khu Công nghiệp Bình Vàng

09:51, 24/01/2014

HGĐT - 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn trên 4.850 tỷ đồng; đường dây và Trạm điện 110kV, một số nhà máy có quy mô lớn nhất cả nước ở thời điểm hiện tại trong lĩnh vực công nghiệp nặng hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động... đã đặt mốc son mới, khẳng định thành công bước đầu của KCN Bình Vàng. Thành quả trên là tiền đề rất quan trọng, động lực để chuẩn bị bước vào giai đoạn II quá trình đầu tư, xây dựng KCN Bình Vàng.


Năm Quý Tỵ 2013, quãng thời gian được các chuyên gia, nhà quản lý ghi nhận đầy khó khăn, thách thức với nền kinh tế. Nằm ở cực Bắc Tổ quốc - Hà Giang vẫn thuộc nhóm các địa phương chậm phát triển, nguồn nội lực hạn chế, phần lớn dựa vào trợ giúp của T.Ư. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Nhà nước thắt chặt đầu tư công, giá sản phẩm đầu ra xuống thấp lại thuộc cảnh “con nhà nghèo” nên việc dành vốn đầu tư phát triển hạ tầng càng chật vật hơn. Nhưng, trong gian khó, vẫn toát lên nhiều niềm hy vọng, nhiều cách làm sáng tạo, bước đầu mang lại thành công. Những gì đã, đang diễn ra tại KCN Bình Vàng, là minh chứng sinh động, khẳng định nghị lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chắt chiu từng chút nguồn lực, đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp thế mạnh.



                  Sản xuất tại Nhà máy quặng vê viên. 
 

Sự kiện Nhà máy vê viên quặng sắt, do Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông đầu tư tại KCN Bình Vàng chính thức đi vào sản xuất, đã đặt một mốc son mới. Dự án được UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”, tổ chức tháng 4.2011 tại Hà Nội. Với tổng vốn đầu tư 264 tỷ, công suất 300 nghìn tấn sản phẩm/năm, đây là nhà máy sản xuất quặng sắt vê viên lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Dự án Nhà máy sản xuất quặng sắt vê viên được triển khai là sự cụ thể hóa chủ trương phát triển công nghiệp thế mạnh, hiệu quả cao của tỉnh - một trong 8 đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

 

Nhà máy sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, với lò nung quặng vê viên dạng lò quay, nhiên liệu đốt bằng than, hệ thống lọc bụi đa ống, lọc bụi túi vải và lọc bụi tĩnh điện hiện đại. Nhà máy đi vào hoạt động, mỗi năm đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 700-800 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng/năm. Sản phẩm quặng sắt vê viên từ KCN Bình Vàng được cung cấp cho khu liên hợp gang thép Hòa Phát và các lò cao sản xuất thép, thay thế sản phẩm trước đây phải nhập khẩu 100% với chất lượng tương đương, giá thành thấp hơn.


 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Nhà máy vê viên quặng sắt.

Tại KCN Bình Vàng, Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang cũng đã hoàn thành việc xây dựng tổ hợp cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, với tổng vốn đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng. Tổ hợp được xây dựng với 4 dây chuyền, công nghệ đồng bộ, hiện đại gồm dây chuyền lò quay thiêu kết quặng công suất 800 tấn/ngày; lò cao sản xuất gang và xỉ giầu 90 nghìn tấn/năm; lò điện hồ quang sản xuất Feromangan - Siliconmangan công suất 40 nghìn tấn/năm.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy sản xuất Feromangan và Siliconmangan là một trong hai nhà máy có công suất lớn nhất của Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang, cũng là những nhà máy có công suất lớn nhất cả nước. Tổ hợp công nghiệp sử dụng dây chuyền lò quay thiêu kết và lò cao sử dụng hệ thống phun than hiện đại nhất hiện nay. Thiết bị lò hồ quang kín với hệ thống cấp nhiên liệu tự động, được kiểm soát, điều khiển bằng máy vi tính. Hệ thống lọc bụi túi vải áp suất âm hiện đại, thân thiện môi trường, cho phép xử lý triệt để khói bụi và thu hồi tối đa phế thải để tái chế. Khi đi vào hoạt động, tổ hợp công nghiệp giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, đóng góp cho ngân sách nhiều tỷ đồng.

 

Hà Giang bắt tay vào xây dựng KCN sau rất nhiều các địa phương trong cả nước và cũng gặp khó khăn mang tính đặc thù, đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, dốc toàn lực ở những thời điểm quyết định. Và năm Quý Tỵ được coi là giai đoạn “nước rút”, dù khó khăn về vốn, nhưng hệ thống hạ tầng cơ sở lại được triển khai mạnh mẽ nhất. Tại KCN Bình Vàng, không khí lao động luôn tấp nập, một loạt các hạng mục hạ tầng cơ sở được đầu tư như đường D1 - tuyến huyết mạch của KCN, nhà điều hành BQL các KCN, Nhà máy xử lý nước thải tập trung... với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh như hiện nay, để khởi động đồng loạt các dự án hạ tầng cơ sở trong KCN là sự nỗ lực lớn, sự đồng thuận rất cao. Sau nhiều năm nỗ lực triển khai, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, KCN Bình Vàng đã trở thành nơi hội tụ của những nhà đầu tư chuyên nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp nặng.

 

KCN Bình Vàng quy mô gần 255 ha, gồm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn I có diện tích gần 143 ha, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Qua 6 năm triển khai, KCN Bình Vàng đã khẳng định vai trò hạt nhân, động lực cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Theo thông lệ, ở các tỉnh miền xuôi, quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN thường do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng bỏ vốn triển khai. Nhưng với điều kiện đặc thù của tỉnh, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải trông đợi vào nguồn ngân sách eo hẹp của Nhà nước. Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn của tập thể BQL các KCN, sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện của các ban, ngành, chính quyền cơ sở, người dân xã Đạo Đức, đến nay KCN Bình Vàng đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, đủ điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án.

 

Trao đổi với phóng viên khi Xuân mới đang về, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng BQL các KCN khẳng định: Thành công bước đầu của quá trình đầu tư, xây dựng KCN Bình Vàng, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, còn có sự đồng thuận rất lớn của người dân vùng dự án. Sự tin tưởng, tạo điều kiện, bàn giao đất, giải phóng mặt bằng đúng thời gian đã giúp KCN hoàn thành mục tiêu đề ra. Bước sang năm 2014 nền kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức, để các nhà máy sớm đi vào hoạt động ngoài yếu tố giá cả thị trường, BQL các KCN mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên, xã Đạo Đức, đặc biệt là bà con nhân dân xã Đạo Đức, để quá trình đầu tư, xây dựng KCN Bình Vàng thực sự phát huy hiệu quả, có đóng góp lớn vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.


Bài, ảnh: Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiết kiệm điện ích nước, lợi nhà
HGĐT - Năng lượng (NL) là một yếu tố hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế và sự ổn định an ninh chính trị của mỗi Quốc gia.
24/01/2014
Bước đà vững chắc cho thắng lợi mới
HGĐT - Nhìn lại một năm, với những thắng lợi mới trên con đường phát triển nông nghiệp địa phương, qua những kết quả đạt được cho thấy: Năm 2013 đã có sự đổi mới trong điều hành lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; chỉ đạo các huyện, ngành ngay sau khi kết thúc thời vụ tiến hành đánh giá kết quả sản xuất đồng thời xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện kế
24/01/2014
“Mắt xích” quan trọng củng cố khối liên minh công – nông
HGĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “...Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp và công nghiệp, không củng cố được liên minh công nông. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, ngành Công
24/01/2014
Thành công cây trồng vụ đông ở Vị Xuyên
(Xuân Giáp Ngọ)- Dưới tia nắng ấm áp của mùa Xuân, bên cạnh sắc thắm hoa đào thì màu xanh căng đầy sức sống trên những cánh đồng rau vụ đông của huyện Vị Xuyên trở thành điểm nhấn đầy ấn tượng. Qua ngày đông giá lạnh, những cánh đồng rau ấy vẫn vươn lên xanh tốt một mầu, trở thành biểu tượng sinh sôi trước mùa Xuân mới cho bao người trồng rau trên địa bàn huyện.
23/01/2014
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.