Xín Mần quyết tâm đưa chè Shan tuyết thành cây trồng mũi nhọn
HGĐT- Đến nay cây chè Shan không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo đối với nhân dân trong huyện Xín Mần mà còn thực sự đã giúp cho nhiều hộ gia đình làm chè Shan tuyết trở nên giàu có, sản phẩm chế biến từ búp chè đang được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài huyện.
Cây chè được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm phát triển trở thành cây mũi nhọn của huyện, hàng năm được đầu tư kinh phí, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trồng mới hàng chục ha và hỗ trợ kinh phí đầu tư đổi mới trang thiết bị chế biến chè, ngoài ra còn hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại như xây dựng nhãn hiệu chè Shan tuyết Chế Là, Nà Chì, Quảng Nguyên. Đặc biệt nhãn hiệu chè Chế Là đã được Bộ Y tế cấp Huy chương “Chè vì sức khỏe cộng đồng”. Tuy nhiên, để đưa cây chè Xín Mần chở thành cây mũi nhọn của huyện vẫn cần phải có những giải pháp, đề án đồng bộ và mang tính bền vững.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Xín Mần hướng dẫn kỹ thuật trồng chè đại điền cho người dân.
Cây chè vốn là cây lâu đời trên đất Xín Mần và được trồng chủ yếu là giống chè Shan tuyết lá to, có chất lượng tốt, hương vị dịu mát, dễ tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cây chè được nhân dân huyện Xín Mần trồng với mục đích chủ yếu phục vụ nhu cầu tự cung, tự cấp và đem bán một phần cho các cơ sở chế biến. Là loại cây lâu năm, chỉ trồng một lần cho thu hoạch từ 30 - 40 năm, thậm chí hàng trăm năm và hiện nay những diện tích chè đang cho thu hoạch chủ yếu trồng ở mật độ 1.500 - 2.000 cây/ha, cây cao 2 – 3 mét, mỗi năm cho thu hoạch từ 3 - 4 lứa; nền canh tác chủ yếu tự nhiên, năng suất chỉ đạt bình quân từ 2,5 - 3 tấn nên nguồn thu nhập từ chè đối với mỗi gia đình chưa cao, chưa trở thành nguồn thu nhập chính của người nông dân. Nhưng nếu trồng chè Shan tuyết theo hướng công nghiệp tập trung ở mật độ cao 13.000 cây/ha năng suất trồng thâm canh đạt từ 10 - 12 tấn /ha, chất lượng khá, sản phẩm chè đen và chè xanh cho phẩm cấp tốt, tỷ lệ mặt hàng tốt cho xuất khẩu cao hơn hẳn giống chè vùng Trung du. Ngoài cho sản phẩm chè có tác dụng thiết thực trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trống rửa trôi, sói mòn ở miền đất dốc. Nhưng trên thực tế, tính đến năm 2010, trên địa bàn huyện chè Shan tuyết có diện tích hơn 2.500ha, còn diện tích cho sản phẩm trên 1.784ha đã cho thấy diện tích trồng chè toàn huyện tuy lớn nhưng các vườn chè manh mún không tập trung, mật độ vườn chè không đảm bảo; việc đầu tư thâm canh chè còn hạn chế, chưa được người dân chú trọng dẫn đến năng suất thấp, chưa phát huy được tiềm năng, năng suất và hiệu quả của cây chè, giá trị sản xuất cây chè còn chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua số liệu tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện cho thấy: hiện diện tích cây chè cổ thụ của huyện có 50ha, trong đó xã Quảng Nguyên chiếm diện tích lớn nhất với trên 30ha. Chè HTX trồng từ năm 1965 - 1980 có diện tích trên 713ha và chè trồng từ năm 1990 đến nay... Tuy có diện tích chè lâu năm, cổ thụ khá lớn nhưng do những năm trước đây, cây chè được trồng ở mật độ thưa từ 1.500 - 2.000 cây/ha; hàng năm sau mỗi lần thu hoạch người dân không chăm sóc, bón đủ lượng phân bón theo chu kỳ sinh trưởng và phát triển, không đốn phớt hàng năm nên cây chè cao, khó thu hái, nhiều cành già không ra búp mới, lượng búp không nhiều. Ngoài ra, do đặc điểm cây chè được được nhân dân trồng trên các sườn núi cao, xa cơ sở chế biến; đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn không thuân lợi người dân thu hái chưa đúng quy trình kỹ thuật, thời gian vận chuyển về cơ sở chế biến kéo dài hơn so với quy định nên chè đã bị ôi dẫn đến khi chế biến chè khô chất lượng không cao. Cùng với đó, công tác chế biến cũng chưa có chiều sâu vẫn mang tính nhỏ lẻ của các cơ sở chế biến chè xanh, chè vàng tại các xã Khuôn Lùng có 6 cơ sở, sản lượng bình quân từ 8 - 10 tấn chè khô/1 cơ sở/năm; xã Nà Chì có 2 cơ sở, sản lượng bình quân khoảng 20 - 25 tấn chè khô/1 cơ sở/năm... Ngoài ra, còn hàng trăm gia đình sản xuất chế biến chè xanh, chè vàng, phương tiện sản xuất chủ yếu là máy chế biến chè mini với công xuất thấp, chất lượng không cao...
Để phát huy thế mạnh về cây chè và đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn của huyện, thời gian qua, huyện Xín Mần đã, đang tập trung cải tạo diện tích chè già cỗi năng suất thấp và trồng mở rộng diện tích chè đại điền, áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, thâm canh ở mật độ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, sản lượng chè trên một đơn vị diện tích, góp phần công cuộc xoá đói, giảm nghèo, chống sói mòn, rửa trôi, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng những giải pháp thiết thực, mang tính dài lâu, như: Tập trung vào hỗ trợ các cơ sở chế biến chè đổi mới công nghệ, mở rộng qui mô nhà xưởng, xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì và phát triển giá trị thương hiệu chè vùng cao Xín Mần. Từ đó, toàn huyện Xín Mần phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn huyện trồng cải tạo chè già cỗi đạt 30% diện tích tương đương với 701ha. Trồng mở rộng diện tích chè đại điền đạt 500ha và duy trì diện tích chè ổn định cho thu hoạch đạt trên 3.000 ha. Cùng với đó, các ngành chức năng sẽ tiến hành đào tạo chuyên sâu, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... đúng quy trình kỹ thuật; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn theo quy trình ViệtGap thực sự hiệu quả đề người dân học tập kinh nghiệm, thông qua đó tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chè. Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nhân dân theo phương châm cầm tay chỉ việc từng khâu làm đất, trồng, chăm sóc đốn, thu hái phòng trừ sâu bệnh theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây chè, khai thác tiềm năng của cây chè với quyết tâm đưa cây chè Shan tuyết thành cây trồng mũi nhọn trong việc xóa đói, giảm nghèo của người nông dân.
Ý kiến bạn đọc