Vị Xuyên mùa quả ngọt
HGĐT- Trong cơn mưa lạnh tê tái của mùa đông, những vườn cam sành ở Việt Lâm đang chín và vườn quýt trĩu quả độ thu hoạch vẫn ánh lên sắc vàng tươi đầy mê hoặc. Năm nay, cùng với chủ trương khôi phục, trồng mới, cam, quýt trên địa bàn huyện Vị Xuyên được mùa, mang tín hiệu vui cho các chủ vườn.
Không ai nhớ giống cam, quýt có trên đất Vị Xuyên từ bao giờ, nhưng qua bao thế hệ người trồng, loài cây quý ấy như người bạn tri kỷ gắn bó với mảnh đất Vị Xuyên để làm nên thương hiệu cam sành nức tiếng. Cam, quýt Vị Xuyên được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến bởi những hương vị và nét đặc trưng riêng như:
Vườn cam sành trĩu quả ở xã Việt Lâm.
Những năm 1990-1995, diện tích cam trên địa bàn huyện phát triển mạnh với diện tích trên 1.000 ha, sản lượng hơn 7.000 tấn. Nhưng đến năm 2006, diện tích còn 240 ha và năm 2012 chỉ còn 57,6 ha. Sản lượng cam, quýt năm 2007 đạt 733,5 tấn, đến năm 2012 chỉ còn 369,3 tấn. Hiện nay, diện tích cam, quýt chỉ còn trồng tập trung tại các xã: Việt Lâm, Trung Thành và thị trấn Việt Lâm. Diện tích cam ngày một thu hẹp do cam đã già cỗi (hầu hết các vườn cam có độ tuổi từ 15-18 tuổi). Nguồn cây giống không đảm bảo chất lượng, diện tích trồng cam sành chủ yếu trên các sườn đồi do đó công tác quản lý dinh dưỡng, đặc biệt là nước tưới cho cam rất hạn chế, dẫn tới năng suất và chất lượng sản phẩm thấp. Khâu bảo vệ thực vật chưa được chú trọng. Cách phòng, trừ sâu bệnh hại không kịp thời để lây lan, phát sinh trên diện rộng thành dịch, đặc biệt là dịch rầy chổng cánh chích hút là nguồn lây lan bệnh vàng lá gân xanh (Greenning) và sâu đục thân khiến cây cam chết hàng loạt. Việc mở rộng diện tích cam tự phát, không theo quy hoạch và không áp dụng các quy trình kỹ thuật nên khó kiểm soát giá cả và chất lượng sản phẩm. Công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được thực hiện nên các cơ quan quản lý Nhà nước không thể tiến hành đầu tư hạ tầng hỗ trợ sản xuất đồng bộ,...
Xuất phát từ thực tế trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên đã triển khai Phương án “Phát triển trồng mới cam sành địa phương năm 2013”. Theo đó, 71 hộ tại xã Việt Lâm, Trung Thành và thị trấn Việt Lâm đã được quy hoạch diện tích đất để trồng mới 40 ha cam. Cơ cấu giống chủ yếu là cam sành, quýt giấy sạch bệnh có năng suất, chất lượng cao do Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên) cung ứng.
Thả bộ ngắm khu vườn bạt ngàn cam chuẩn bị chín rộ vào dịp Tết Nguyên đán cùng vườn quýt vàng trĩu quả của gia đình anh Lục Minh Thưởng (xã Việt Lâm) khiến chúng tôi không khỏi nao lòng trước màu vàng “hưng thịnh” của những trái cây có hạt đã làm nức lòng bao thực khách. Việc chăm sóc và duy trì 5ha ha cam, quýt đang cho thu hoạch mang lại cho gia đình anh nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. “Ngoài giá trị kinh tế, ngày thường, những quả cam sành và quýt không chỉ được được biếu, tặng người thân, khách quý mà trong ngày Tết Nguyên đán, mâm ngũ quả bao giờ cũng có cam sành bày lên bàn thờ như một lễ vật để cúng đất trời, tổ tiên. Nét đẹp văn hóa ấy thực sự là niềm tự hào của bao người trồng cam, quýt như chúng tôi”, anh Thưởng chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc