Tín hiệu vui từ cây lạc vụ 2 ở Na Khê

08:02, 12/12/2013

HGĐT- Dọc Quốc lộ 4C, đoạn qua địa phận xã Na Khê (Yên Minh) dịp đầu Đông, dưới triền đồi ven đường là những nương lạc đến kỳ thu hoạch. Đó là điều bất ngờ bởi trước kia, thời điểm này, đất đai nơi đây chỉ toàn... hoa, cỏ dại mọc um tùm. Tìm hiểu được biết, đây là những nương lạc đầu tiên ở Na Khê trồng trong vụ 2 trên đất nương ngô 1 vụ. Diện tích đó được thực hiện từ mô hình “Sản xuất, nhân giống lạc tại thôn Na Kinh, Thèn Phùng” do xã phối hợp với Phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT tỉnh triển khai.



Người dân Na Khê tham quan mô hình trồng lạc vụ 2 tại thôn Na Kinh.


Từ trước đến nay, diện tích trồng ngô chính vụ trên địa bàn xã Na Khê nói riêng, huyện Yên Minh nói chung chỉ sản xuất 1 vụ, thời gian còn lại trong năm bà con để đất trống. Thực hiện mục tiêu tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, huyện triển khai nhiều mô hình sản xuất các loại cây trồng trong vụ 2 trên đất ngô 1 vụ nhằm tìm kiếm cây trồng phù hợp. Trong đó, thành công nhất có mô hình trồng ngô vụ 2 tại xã Thắng Mố, thực hiện năm 2012, đến năm nay toàn huyện đã nhân rộng diện tích ngô vụ 2 trên địa bàn lên trên 300 ha. Tuy nhiên, diện tích ngô 1 vụ bỏ đất trống còn nhiều nên việc tìm thêm cây trồng mới đưa vào cơ cấu sản xuất vụ 2 vẫn được huyện quan tâm. Do đó, năm 2013, huyện quyết định cho Na Khê phối hợp với Phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT thực hiện mô hình “Sản xuất, nhân giống lạc tại thôn Na Kinh, Thèn Phùng”. Xã chọn địa điểm, hộ và tổ chức tập huấn cho nhân dân. Kết quả, mô hình triển khai trên diện tích 5ha với 10 hộ dân tham gia. Giống lạc được lựa chọn trồng trong mô hình L14 (giống nguyên chủng); có đặc điểm thân đứng, tán gọn, chống đổ tốt, lá mầu xanh đậm, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu bệnh. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% lượng giống; 50% đạm, lân, kali, vôi, thuốc BVTV theo quy trình kỹ thuật. Các hộ tham gia đóng góp phân chuồng, 50% phân lân và thuốc BTTV. Sản phẩm thu được, các hộ hưởng 75%, còn 25% nộp lại cho thôn hoặc xã quản lý để cấp cho các hộ có nhu cầu phát triển giống lạc L14 vụ sau.

 

Sau hơn 4 tháng sản xuất, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt là tỷ lệ bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn rất thấp (đây là các loại bệnh thường xuyên gây thiệt hại nặng ở các ruộng lạc trên địa bàn tỉnh). Đến kỳ cho thu hoạch, năng suất lạc bình quân đạt 36,5 tạ/ha. Mục tiêu mô hình là sản xuất để 75% sản phẩm làm lạc giống cho vụ Xuân nên tính giá trị kinh tế từ bán lạc giống và lạc thương phẩm cho thu 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng.

 

Mô hình có tác động mạnh đến tư duy sản xuất của người dân nơi đây. Chị Lù Thị Sinh, thôn Thèn Phùng cho biết: Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các gia đình khác chưa bao giờ trồng lạc trong vụ 2 trên đất trồng ngô chính vụ. Do đó, khi tham gia mô hình, bà con trong thôn cũng lo cây lạc cho năng suất thấp. Tuy nhiên, đến nay, khi lạc đã cho thu hoạch bà con rất vui vì cây lạc sinh trưởng tốt trong vụ thu Đông, cho giá trị kinh tế cao trên diện tích đất mà trước đây bà con trong thôn bỏ trống. Thế nên, từ nay, gia đình tôi và các hộ trong thôn sẽ tiếp tục trồng lạc vụ 2”. Có thể khẳng định, đây là mô hình trồng lạc đầu tiên trên địa bàn huyện Yên Minh được thực hiện thành công trên diện tích đất nương trồng ngô 1 vụ. Đồng chí Giang Đức Hiệp, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT cho biết: “Mô hình lạc vụ 2 ở Na Khê thành công trên nhiều phương diện. Qua đây vận động bà con sản xuất, nhân giống lạc, góp phần thúc đẩy sản xuất lạc thành vùng hàng hoá. Giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng; tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông hộ trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, với mục đích chính dành 75% sản phẩm để làm giống nên sản phẩm góp phần thay thế giống lạc cũ được nhân dân sản xuất lâu năm tại địa phương, bị thoái hóa. Không những thế, trồng lạc còn có tác dụng cải tạo đất nương, chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng”. Đồng chí Phạm Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Qua mô hình lạc vụ 2 ở Na Khê có thể khẳng định cây lạc sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao hơn một số cây trồng khác, trong đó có cây ngô vụ 2. Do đó, chúng tôi đã khuyến nghị với xã tiếp tục mở rộng diện tích lạc vụ 2 trong năm tới. Đồng thời, để có tính nhân rộng ra địa bàn, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng kế hoạch và đề nghị huyện cho phép tiếp tục thực hiện 3 mô hình trồng lạc vụ 2 trên đất ngô chính vụ tại các xã Mậu Duệ, Bạch Đích, Hữu Vinh”.

 

Qua mô hình, chính quyền và nhân dân xã Na Khê đang kỳ vọng cây lạc vụ 2 sẽ giúp xã đạt được mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên của tỉnh được cấp Chứng nhận VietGAHP
HGĐT- Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
30/11/2013
Yên Minh đáp ứng nguồn vốn cho nhân dân phát triển kinh tế
HGĐT- Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Yên Minh đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo... Hàng năm đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế cho địa phương.
30/11/2013
Xã Nậm Ty phát huy hiệu quả công trình thủy lợi
HGĐT - Xác định phát triển hệ thống thủy lợi (HTTL) là một trong những khâu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của HTTL mang lại, từ đó bà con đã tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao
28/11/2013
Yếu tố hàng đầu là người dân tự giác
HGĐT- Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn nêu rõ: “Chăn nuôi gia súc chiếm một vị trí rất quan trọng, không chỉ cung cấp thực phẩm, sức kéo, còn là nguồn cung cấp phân bón cho trồng trọt” . Theo đó, BCH Đảng bộ huyện đã soạn thảo Chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp thực tế địa phương, được triển khai rộng trong nhân dân giai đoạn 2010 - 2015, nhằm từng bước
26/11/2013