Quang Bình - Tiềm năng và mục tiêu phát triển

08:59, 21/12/2013

HGĐT- Đến với Quang Bình, ai cũng nhận thấy nơi đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt so với các huyện vùng cao, Quang Bình có lợi thế về đất đai, giao thông, tài nguyên du lịch. Những thuận lợi đó đã được minh chứng bởi kết quả trong 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển mà đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đã dành được: Nền kinh tế phát triển toàn diện, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4,5%; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,5% so với năm 2003; thu nhập bình quân đầu người tăng 13 triệu đồng so với ngày thành lập.



                 Toàn cảnh thị trấn huyện lỵ Quang Bình. Ảnh: VÂN ANH


Thu ngân sách trên địa bàn tăng 28,5 tỷ đồng so với năm 2003; tổng giá trị sản phẩm tăng 785,4 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 21%. Xã Yên Bình là trung tâm huyện lỵ được công nhận là đô thị loại 5, hệ thống chính trị phát triển mạnh và được coi là huyện động lực kinh tế của tỉnh. Đó là những con số còn khiêm tốn bởi lẽ, huyện được thành lập (24.12.2003) là hết thời kỳ đại công trường xây dựng của tỉnh, mức đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước cho huyện khi mới thành lập chưa đáp ứng với yêu cầu.


Những kết quả trên, là sự kết tinh của cả một quá trình trải qua bao khó khăn gian khổ của những ngày đầu thành lập. Qua bao thăng trầm và những sóng gió của mỗi lĩnh vực KT-XH mà con người Quang Bình đã phải gồng mình để vượt qua. Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập, nhìn lại những kết quả đó so với lợi thế và điều kiện thì còn chưa tương xứng, vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần được rút kinh nghiệm và khắc phục để lãnh, chỉ đạo phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới. Sự phát triển chưa tương xứng với điều kiện và vị trí địa lý của huyện đó là: Phát triển chưa bền vững, còn dàn trải thiếu tập trung, dịch vụ thương mại còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm nông nghiệp chưa tạo ra hàng hóa có chất lượng; một bộ phận cán bộ chưa tâm huyết, công tác đào tạo và tạo việc làm cho người lao động còn thấp, còn nhiều tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, có những thời điểm còn bệnh thành tích...


Phát huy những kết quả trong 10 năm qua và thẳng thắn nhìn lại những hạn chế thực tế trên cho thấy: Quang Bình muốn phát triển cần phải xác định rõ những tiềm năng lợi thế và sức nội sinh của mình để đưa ra mục tiêu, giải pháp phát triển trong những năm tới tính đến năm 2020. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số nhận định về tiềm năng phát triển như sau: Trước hết phải nói tới tiềm năng về nông, lâm nghiệp, bởi vì Quang Bình được xá định coi là vùng nông nghiệp của tỉnh. Xác định và phát huy khai thác tiềm năng này, huyện phải tập trung quy hoạch thành từng vùng, khu vực; vùng thấp phải quy hoạch phát triển 5 cây 2 con, không đầu tư dàn trải, manh mún; cái gì cũng có mà không thành hàng hóa, không rõ trồng cây gì là chủ yếu. Khôi phục lại diện tích cam, quýt, xác định rõ diện tích thâm canh, cánh đồng mẫu phải được thống nhất định hướng và hướng dẫn nhân dân về quy trình, phương thức và lợi thế của nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình hiện có, đầu tư có thu hồi để tái đầu tư và tổ chức lại sản xuất; chuyển giao tiến bộ khoa học nhân giống cá bỗng; hỗ trợ hộ nghèo thông qua hộ có điều kiện; quản lý cưa xăng tập trung vv... nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, nuôi cá lồng trên các lòng hồ, ao hiện có. Vùng cao tập trung phát triển cây chè, thảo quả và các loại cây dược liệu. Quan trọng là tất cả các mô hình trên phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp riêng có của huyện. Quy hoạch vùng cao su, vùng nguyên liệu giấy và khu trồng mía, dong giềng, ngô, lạc... Lựa chọn, thu hút và có cơ chế mở cho các doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng lúa chất lượng cao, vùng lạc, vùng cao su, vùng phát triển chăn nuôi hàng hóa. Hàng năm xác định nhiệm vụ trọng tâm cho lĩnh vực nông nghiệp cụ thể để tập trung lãnh, chỉ đạo và triển khai rõ ràng.


Về tiềm năng du lịch, với lợi thế hiện có của 4 làng văn hóa du lịch cộng đồng, giao thông đi lại thuận tiện, các lễ hội độc đáo như nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; lòng hồ sinh thái, sông chừng, sông bạc cần được khơi dậy ngay từ nhận thức của nhân dân trong phát triển du lịch gắn với kinh tế. Xây dựng các tua tuyến du lịch và quảng bá thông qua các hệ thống truyền thông, có cơ chế đầu tư thu hút du khách.


Về tiềm năng thương mại dịch vụ, gắn với chế biến công nghiệp những năm qua mới chỉ trên chỉ tiêu và sự chỉ đạo chung chung là phát triển chợ nông thôn; để phát huy tiềm năng này, phải có đề án cụ thể và dành kinh phí đầu tư mở rộng các chợ và có cơ chế thu hút các tư thương; trong đó tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp với thương hiệu riêng. Những năm qua chưa chú trọng đầu tư thích đáng và chưa có Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Tiềm năng này gắn với phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch và mở rộng tuyến liên xã như: Tân Nam-Tiên Nguyên, Bản Rịa-Tân Nam, Bản Rịa-Nghĩa Đô, Nà Khương-Bảo Yên (Lào Cai).


Tiềm năng về nguồn nhân lực, huyện Quang Bình vốn có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chưa được phát huy; lao động trong độ tuổi và những đối tượng đã ra các trường chuyên nghiệp chưa có việc làm, cần được thu hút vào các hoạt động thương mại dịch vụ, các hợp tác xã... Nhân lực này của huyện Quang Bình có tinh thần cầu thị phát triển kinh tế, có nhu cầu cao về lao động, việc làm. Để phát huy các tiềm năng trên, cần xác định rõ mục tiêu phát triển và giải pháp thực hiện, nhằm khơi dậy phát triển khai thác các tiềm năng lợi thế của huyện. Về mục tiêu, huyện đã xác định rõ đến năm 2020 là: Tốc độ tăng trưởng GDP 16,5%; thu nhập bình quân/người/năm là 41,6 triệu đồng; thu ngân sách địa phương 872,5 tỷ đồng; cơ cấu nông, lâm,thủy sản chiếm 26%; công nghiệp xây dựng chiếm 33%; thương mại dịch vụ chiếm 41%; không còn hộ nghèo; 50% lao động được đào tạo nghề; 98% lao động có việc làm; tỷ lệ dân được dùng nước hợp vệ sinh là 100%; độ che phủ rừng trên 85%.


Để khai thác các tiềm năng cũng như nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu nói trên, huyện cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: Đổi mới căn bản về phương thức lãnh, chỉ đạo và cơ chế quản lý,; giao việc đi đôi với giao quyền và phân cấp mạnh cho ngành cũng như các xã, thị trấn. Tăng cường công tác tuyên truyền có sự phân công cho các ngành theo chức năng lĩnh vực và đối tượng cụ thể. Xây dựng khối đoàn kết ngay trong tập thể lãnh đạo đến cán bộ đảng viên và nhân dân. Thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng cán bộ trên cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất và hiệu quả công việc. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tư tưởng cá nhân; thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, bố trí xắp xếp những cán bộ có năng lực trình độ đúng vị trí, hợp sở trường. Mạnh dạn đánh giá cán bộ theo hình thức lấy phiếu tín nhiệm hoặc xem xét thực hiện điều tra xã hội về năng lực cán bộ thông qua nhân dân. Xây dựng các nghị quyết chuyên đề, các đề án phát triển, thu hút đầu tư và hội nhập bên ngoài bằng các cơ chế thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở bằng việc đánh giá chất lượng hiệu quả triển khai các nghị quyết, các đề án dự án. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cả hệ thống chính trị cơ sở; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân. Đầu tư thích đáng và trọng tâm trọng điểm các mô hình, các lĩnh vực theo hướng phát triển hàng hóa. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc tồn đọng của nhân dân, thực hiện đối thoại và tiếp dân theo hướng phụng sự nhân dân. Dám chịu, dám làm và dám nhận lỗi trước nhân dân. Tranh thủ sự đầu tư và chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, sự ủng hộ của nhân dân, thực hiện khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc. Giải quyết tốt các chế độ chính sách cán bộ và nhân dân.

 
Tin tưởng rằng, với những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình đạt được trong 10 năm qua, là tiền đề và kinh nghiệm để huyện tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển trong những năm tới. Bằng sự giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của nhân các dân tộc trong huyện. Chắc chắn Đảng bộ, chính quyền huyện Quang Bình sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu trên cơ sở khai thác những tiềm năng với những giải pháp cụ thể đã xác định trên. Xứng đáng là huyện động lực của tỉnh, góp phần vào xây dựng Hà Giang ngày càng giàu mạnh hơn.


TRIÊU TÀI PHONG - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạm ngừng kinh doanh một số sản phẩm rươu của Công ty Cổ phần Xuất nhận khẩu Hà Nội
HGĐT- Ngày 10.12, Bộ Công thương đã có công văn số 11398/BCT – TTTN về việc tạm ngừng kinh doanh một số sản phẩm rượu của Công ty Cổ phẩn xuất nhập khẩu Hà Nội.
19/12/2013
20 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển
HGĐT- Trong không khí thi đua sôi nổi của những ngày cuối năm, tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Hà Giang vui mừng, tự hào kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập và đón Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng; các tập thể, cá nhân được tặng thưởng các phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí
19/12/2013
Người dân Đồng Văn chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc
HGĐT- Trong những ngày qua, liên tiếp có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân vùng cao. Tuy nhiên với tập quán chăn nuôi chủ yếu là nuôi nhốt, các hộ dân ở huyệnĐồng Văn đã làm tốt việc phòng chống rét cho đàn gia súc trong mùa Đông lạnh giá.
19/12/2013
Trôi nổi bày bán giống rau, củ, quả nước ngoài
HGĐT- Thời gian qua, tại không ít chợ, từ chợ huyện đến chợ nông thôn trong tỉnh, chúng tôi phát hiện nhiều hàng bày bán các giống rau, củ, quả có nguồn gốc từ nước ngoài. Trên bao bì các túi hạt giống chỉ có duy nhất một thứ tiếng đó là tiếng Trung Quốc, thời hạn sử dụng mập mờ..., được tư thương bày bán công khai mà không hề có ngành chức năng nào kiểm soát.
19/12/2013