Đánh giá kế hoạch hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP và HACCP vào sản xuất chế biến chè năm 2013
HGĐT- Ngày 17.12, tại Công ty Cổ phần chè Hùng An (Bắc Quang), Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kế hoạch hỗ trợ áp dụng quy trình Viet GAP và phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) vào sản xuất chế biến chè. Tham dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT; đại diện Chi cục QLCL NLS và TS, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức; đại diện một số công ty chế biến chè; lãnh đạo các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quang Bình...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao chứng nhận VietGAP của Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trung Tâm chất lượng nông, lâm sản vùng 1 cho HTX chế biến chè Phìn Hồ.
Toàn tỉnh hiện có 19.443,7ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 15.637,3ha, năng suất chè búp tươi đạt 36,7 ta/ha, sản lượng 57,388 tấn. Cơ cấu giống chè trên địa bàn tỉnh chủ yếu có 2 nhóm chính: Chè Shan tuyết và chè Trung du, trong đó chè Shan tuyết chiếm 90% diện tích. Nhằm đảm bảo ATVSTP trong quá trình sản xuất chế biến chè, thực hiện Kế hoạch số 58/KH-UBND tỉnh về hỗ trợ áp dụng quy trình ViệtGAP, HACCP vào sản xuất và chế biến chè năm 2013, Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch tại 4 huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Quang Bình với diện tích là 500ha; hỗ trợ chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong sản xuất chè búp tươi và hỗ trợ giấy chứng nhận VietGAP chè búp tươi cho Công ty Cổ phần chè Hùng An và HTX chế biến chè Phìn Hồ trà với diện tích 341,62ha; hỗ trợ sản xuất theo hướng VietGAP diện tích 200ha tại xã Xuân Minh (Quang Bình) và thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên); lựa chọn 3 cơ sở chế biến áp dụng HACCP tại nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty TNHH Long Trà (Bắc Quang) và Công ty Cổ phần chè Bách San (Vị Xuyên). Đối với các huyện được hỗ trợ vật tư, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất chè; bước đầu đã tạo dựng được liên kết chuỗi trong kiểm soát ATTP của các hộ tham gia kế hoạch. Từ cơ sở trồng trọt, đến nhà chế biến, kinh doanh sản phẩm. Năm 2014, thực hiện kế hoạch nâng cao sản phẩm dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng 600ha chè an toàn, 500ha chè VietGAP, 3 cơ sở áp dụng HACCP, hỗ trợ đổi mới công nghệ lò đốt than, củi 6SH-20, 6SH50 cho các cơ sở chế biến. Việc xây dựng dự án trồng chè an toàn theo hướng VietGAP không những đem lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn mang tính lâu dài, hình thành thói quen ứng dụng KHCN thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm sạch trên địa bàn.
Nhân dịp này, lãnh đạo Sở NN&PTNT trao chứng nhận VietGAP của Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản và Trung tâm chất lượng nông, lâm sản vùng 1 cho 2 đơn vị là Công ty Cổ phần chè Hùng An và HTX chế biến chè Phìn Hồ.
Ý kiến bạn đọc