Xóa đói, giảm nghèo – “bài toán” khó ở Cao Bành
HGĐT- Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang (TPHG) khoảng 10 km, tưởng như nhịp sống và phương thức vận động mang “hơi thở” phố phường là điều dễ thấy, thế nhưng ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TPHG, mọi sự vận động dường như vẫn trì trệ, đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn...
Con đường từ TPHG đến thôn Cao Bành gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao lưu văn hóa của người dân.
Để đến được Cao Bành phải đi qua con đường đất, dốc núi quanh co.Ngày nắng, những tay lái “cứng” phải mất ít nhất 30 phút để đi hết đoạn đường 10km, ngày mưa, con đường gần như ở vào trạng thái “ngưng hoạt động”! Cô giáo Hoàng Thị Ngân, giáo viên giảng dạy tại điểm trường thôn Cao Bành chia sẻ: “Sau những trận mưa lớn, có những đoạn bùn đất ngập quá nửa bánh xe... không thể đi nổi, chúng tôi chỉ còn cách gửi xe, đi bộ tắt đường đồi, hoặc lưu trú tại điểm trường”. Được biết, năm 2002, Cao Bành có con đường đất mở rộng để xe máy đi được; đến năm 2008, theo chương trình dự án, người dân ở đây có con đường bê tông đi lại, nhưng niềm vui chưa bao lâu thì con đường bị phá bỏ để làm đường du lịch đi thung lũng hoa đào (Cao Bồ, Vị Xuyên)... Từ năm 2010 đến nay, con đường bị phá xong vẫn để nguyên gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Đây cũng là con đường duy nhất “nối nhịp tri thức” cho 100% đồng bào dân tộc Dao ở Cao Bành và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân ở đây phần nào sống “tách biệt” hơn với nhịp sống thị thành, kéo theo đó là thực trạng người dân vẫn chưa thoát ra khỏi phương thức sản xuất tự cung, tự cấp.
Lại nói về điện! Điện đến với người dân Cao Bành từ năm 2008, nhưng cũng mới chỉ là “cái vỏ” đến với dân, điện kéo lên rồi bỏ ngỏ... Trạm hạ thế vẫn nằm im cho đến năm 2011, một số hộ có điều kiện ở khu vực trung tâm của thôn làm đơn xin kéo điện rồi tự đầu tư dây, bóng điện, công kéo, bảng điện, công tơ hòm... để có điện sử dụng (có hộ kéo 130m mà chi phí lên trên 6 triệu đồng, có hộ xa hơn, chi phí lên đến hơn 10 triệu!). Hiện tại, ở Cao Bành mới chỉ có 17/78 hộ có điện lưới dùng, các hộ còn lại tự chế điện nước sử dụng hoặc không có điện sinh hoạt... Một điều đáng nói nữa là ở Cao Bành, trường học kiên cố đã được đầu tư xây dựng từnăm 2008, cùng thời gian điện “góp mặt”, thế nhưng, đến nay, ở cả điểm trường mầm non và tiểu học điện vẫn chưađưa vào sử dụng. Do vị trí địa lí nên những ngày đông, sương mù tan muộn khiến các em không đủ ánh sáng; ngày hè, mặt trời lại gắt gỏng từ sớm, các em nô đùa xong không có quạt dùng, không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để học tập. Người dân ở Cao Bành thường chỉ cấy 1 vụ lúa vào mùa mưa, mùa khô chủ yếu là trồng ngô xuống ruộng. Cũng có nhiều hộ đã chủ động trồng những loại cây chủ lực của địa phương như chè, thảo quả. Một số hộ cho thu nhập cao như gia đình anh Bàn Văn Kỳ với tổng thu nhập bình quân trên 100 triệu/năm thì có đến trên 60 triệu là nguồn thu từ thảo quả; hay hộ gia đình chú Cháng Văn Giang đã đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế, duy trì nuôi 6 -7con trâu, có thời gian đỉnh điểm gia đình chú nuôi đến hơn 20 con lợn... Nhiều hộ trong thôn đã có xe máy, ti vi, chất lượng cuộc sống dần được nâng cao. Anh Bàn Văn Nhì, Trưởng thôn Cao Bành cho biết: “Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, thiếu nước sinh hoạt đã không còn là nỗi lo thường trực của người dân ở Cao Bành. Không tốn sức leo đồi, leo dốc vác từng can nước từ những con suối về dùng, các hộ đã chủ động xây bể, mua ống, dẫn nước từ nguồn về sử dụng... Có đủ nước sinh hoạt, nhiều hộ đã biết tận dụng nguồn nước đào ao, thả cá, trồng rau; một số đã mạnh dạn đầu tìm ra hướng thoát nghèo, có của ăn, của để... thế nhưng, con số ấy vẫn còn khá khiêm tốn!”.
Với những vấn đề nêu trên, để Cao Bành xóa đói, giảm nghèo bền vững và có hiệu quả hiện vẫn đang là một bài toán khó. Hy vọng các cấp, các ngành sẽ có những giải pháp kịp thời, để không chỉ Cao Bành, mà ở nhiều địa phương khác, người dân được hưởng đầy đủ hơn các chế độ an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến bạn đọc