Rau VietGap ở thị trấn Yên Minh - niềm hy vọng hình thành vùng sản xuất rau hàng hóa chất lượng cao
HGĐT - Đầu năm 2013, huyện Yên Minh quyết định cho Trạm Khuyến nông thực hiện Dự án: “Phát triển vùng rau, quả an toàn theo hướng VietGap” thực hiện trên địa bàn thị trấn Yên Minh từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học năm 2013. Rau, quả trồng theo hướng VietGap đang sinh trưởng, phát triển tốt như “nuôi” niềm hy vọng hình thành vùng sản xuất rau, quả hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nông dân nơi đây.
Yên Minh là trung tâm của 4 huyện vùng cao phía Bắc với gần 80.000 dân đang sinh sống ở 18 xã, thị trấn. Với điều kiện đó, huyện có lợi thế để phát triển sản xuất rau, quả. Tuy nhiên, hiện nay, toàn huyện mới chỉ có gần 2.000 ha rau trồng không tập trung ở các địa phương, sản lượng đạt gần 6.000 tấn rau/năm. Với diện tích, sản lượng rau, quả như vậy nên hàng năm huyện phải nhập lượng rau, quả lớn từ nơi khác về phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân, ước tính trên 70% nhu cầu thị trường.
Cán bộ nông nghiệp huyện kiểm tra mô hình trồng rau VietGap tại thị trấn Yên Minh.
Từ thực tế trên, nhằm hình thành vùng sản xuất rau, quả hàng hoá phục vụ nhu cầu thị trường quanh năm. Đặc biệt là nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế gắn với xây dựng thương hiệu vùng sản xuất rau, quả an toàn, UBND huyện quyết định cho Trạm Khuyến Nông triển khai, thực hiện Dự án: “Phát triển vùng rau, quả an toàn theo hướng VietGap tại thị trấn huyện Yên Minh”. Dự án xây dựng mô hình sản xuất rau xanh, quả dưa chuột theo hướng VietGap trên diện tích 0,7 ha tại thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh với 11 hộ dân tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12.2013 với tổng nguồn vốn đầu tư trên 150 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp khoa học hàng năm, số còn lại do người dân đóng góp bằng công lao động. Việc lựa chọn thực hiện mô hình tại thị trấn Yên Minh là phù hợp bởi đây là vùng sản xuất rau chuyên canh và bán chuyên canh, có điều kiện về hệ thống dẫn nước tưới tiêu, người dân có trình độ canh tác rau nhiều năm nay. Do đó, khi bước vào triển khai mô hình đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân và hy vọng của chính quyền địa phương.
Mô hình trồng rau theo hướng VietGap bắt đầu được triển khai từ tháng 4 năm nay. Bước đầu thực hiện, Trạm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn hộ tham gia, diện tích thực hiện. Cùng với đó tiến hành tập huấn, giúp các hộ nắm vững quy trình, kỹ thuật sản xuất rau, quả theo hướng VietGap. Trên cơ sở nắm bắt thị trường tiêu thụ, trình độ canh tác, điều kiện khí hậu, mô hình lựa chọn quả dưa chuột và các loại rau phù hợp như bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt. Trong đó 0,4 ha trồng rau, 0,3 ha trồng dưa chuột (trồng 2 vụ). Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống rau, quả và phân bón và bắt đầu triển khai trồng từ tháng 8 vừa qua.
Kết quả, diện tích trồng dưa chuột, rau các loại đã thực hiện theo đúng kế hoạch. Do kỹ thuật trồng rau, quả theo hướng VietGap đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên không chỉ hướng dẫn bà con thông qua tập huấn mà cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống đồng ruộng để chỉ đạo bà con gieo trồng và chăm sóc. Do đó, diện tích rau, quả mô hình sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó một số sản phẩm đã cho thu hoạch với năng suất khá như, dưa chuột đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trồng 0,3 ha được 5,4 tấn; rau bắp cải trồng 0,3 ha, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha, sản lượng thực thu trong mô hình được 7,5 tấn, cây cà rốt trồng 0,02 ha. Các loại cây trồng khác như su hào, súp lơ và một số loại rau khác hiện đang trong giai đoạn chăm sóc đợt 1, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mật độ sâu bệnh hại ở mức thấp không gây hại đến cây trồng. Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế của 0,7 ha trồng rau, dưa theo hướng VietGap dạt trên 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với người dân sản xuất lúa.
Dự án: “Phát triển vùng rau, quả an toàn theo hướng VietGap” được triển khai cơ bản tạo “cú hích” cho việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân. Đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng an toàn. Tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo cơ sở ban đầu giúp huyện hình thành vùng rau, quả tập chung chuyên canh chất lượng cao. Qua đó đáp ứng được một phần nhu cầu rau, quả cho nhân dân trên địa bàn thị trấn nói riêng, huyện Yên Minh và các vùng lân cận nói chung.
Ý kiến bạn đọc