Quản Bạ chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững
HGĐT - Tập trung đầu tư hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các mô hình sản xuất mới, cải tạo đàn gia súc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... là cách làm để huyện Quản Bạ hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Từ những chủ trương đã đề ra, với điều kiện tự thiên, thổ nhưỡng cũng như tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con các dân tộc trong vùng nên huyện Quản Bạ đã coi nông nghiệp là trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành chức năng của huyện đã tập trung chỉ đạo nhân dân gieo trồng, xuống giống đúng thời vụ đạt 100% diện tích đất nông nghiệp hiện có. Cụ thể như chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thu hoạch cây trồng vụ Đông và chủ động nguồn giống để tiếp tục tổ chức sản xuất vụ Xuân đúng thời vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình dự án, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn, hỗ trợ xây và nhân rộng mô hình sản xuất trên diện rộng kết hợp với việc triển khai chương trình nông nghiệp trọng tâm, gắn với các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển của địa phương. Trong năm 2013, theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện đã cấp 3.949,94 triệu đồng (gồm 3.683,85 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp 30a và 266,09 triệu đồng từ nguồn NLN trọng tâm) cho các xã, thị trấn để hỗ trợ cho nhân dân mua giống ngô lai, phân bón. Theo báo cáo mới nhất của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng sản lượng lương thực có hạt trong năm 2013 trên địa bàn đạt trên 30.196 tấn, đạt 102% KH, trong đó cả diện tích gieo trồng và sản lượng các loại cây: Lúa, ngô, lạc, rau đậu ... đều đạt và vượt kế hoạch. Vụ đông năm nay, huyện chỉ đạo 100% diện tích trồng ngô thâm canh và lựa chọn giống tốt cho các loại cây lạc, đậu tương, khoai tây, rau... để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Những kết quả đạt được ấy ngoài sự nỗ lực, cần cù, chăm chỉ của người dân là nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất... giúp người dân tăng năng suất, sản lượng lương thực các loại cây trồng, đồng thời đảm bảo về chất lượng sản phẩm, hướng người dân đến một nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhờ hỗ trợ của huyện, người dân xã Tùng Vài mở rộng diện trồng ngô lai giống mới theo hướng thâm canh.
Để tạo nên “cú hích” trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá cho nền kinh tế, bên cạnh những mô hình sản xuất theo hướng thâm canh trên, Quản Bạ đã và đang triển khai, quan tâm đầu tư một số đề án về cây trồng mới. Triển khai thực hiện 2 cánh đồng mẫu lúa, ngô gắn với cơ giới hoá tại xã Đồng Hà và Thanh Vân; Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa; Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh; Dự án 150 ha rau hoa tại xã Quyết Tiến và cây Dược liệu... Đến nay, một số đề án đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, còn một số mô hình trồng mới, khảo nghiệm tuy chưa thể đánh giá được kết quả vì chưa cho thu hoạch nhưng dựa vào quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường thì đang hứa hẹn đây sẽ là những mô hình phát triển kinh tế bền vững giúp người dân thoát nghèo trong tương lai. Ngoài việc đảm bảo cho năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng, huyện còn chú trọng thúc đẩy phát triển đàn gia súc kết hợp với hướng dẫn hộ nuôi gia súc, gia cầm thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, đặc biệt đối với gia súc giống, gia súc sinh sản kết hợp với thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho tổng đàn; tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân rộng tiếp mô hình hộ gia đình tiêu biểu chăn nuôi lợn gắn với xây dựng nông thôn mới; mô hình nuôi cá lồng thực hiện tại thôn Nà Sài và Thống Nhất của xã Đông Hà...
Bên cạnh những cây lương thực chính để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, huyện tích cực thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, tăng vụ tăng hệ số sử dụng đất, chỉ đạo tốt việc chuyển diện tích đất lúa, đất màu sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Với quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu đã đề ra, huyện Quản Bạ xác định: Hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập là cách hiệu quả để các mô hình kinh tế thực sự đi sâu vào đời sống người dân; tuy mức hỗ trợ chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ chi phí sản xuất, nhưng là động lực khuyến khích người dân chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Hiệu quả mà các chính sách hỗ trợ mang lại không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân; thay đổi tư duy, tập quán canh tác mà còn góp phần vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ người dân trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.
Ý kiến bạn đọc