Ngô, lúa giống mới giúp Du Tiến đảm bảo an ninh lương thực

08:19, 20/11/2013

HGĐT- Trong những năm gần đây, xã Du Tiến (Yên Minh) luôn là địa phương đi đầu trong việc đưa các giống ngô, lúa lai vào gieo trồng. Nhờ trồng giống mới kết hợp thâm canh nên năng suất, sản lượng lương thực hàng năm trên địa bàn xã đạt cao, đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện tự nhiên không thuận lợi.


Nhiều năm trước Du Tiến luôn là địa phương có tỷ lệ đói, nghèo cao, đặc biệt đa số các hộ đều không đảm bảo được lương thực ăn trong năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định nhiệm vụ trong tâm là thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Trên cơ sở xác định điều kiện thực tế địa phương, Đảng bộ xã đã đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với quy luật và yêu cầu phát triển trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp đó là tập trung mở rộng diện tích lúa, ngô lai. Việc đưa các loại giống ngô, lúa lai vào sản xuất, xã gặp không ít khó khăn bởi tập quán canh tác lạc hậu “ăn sâu” vào suy nghĩ của người dân nơi đây. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, trong 3 năm qua, diện tích ngô, lúa lai ở xã tăng dần hàng năm. Toàn xã có 97 ha đất trồng lúa, trong đó diện tích lúa lai tăng từ 50 ha năm 2010 lên gần 80 ha năm 2013; xã có gần 500 ha ngô, năm 2010 chỉ có 26 ha trồng ngô lai, đến năm 2013 tăng lên 213 ha, chiếm 47% diện tích. Đồng chí Phạm Tiến Tình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Việc mở rộng diện tích lúa, ngô lai ở một xã vùng sâu, vùng xa mà đa số đồng bào quen với việc gieo trồng lúa thuần, ngô thuần là việc làm rất khó khăn. Để bà con đồng thuận đưa giống mới vào gieo trồng, Đảng bộ xã có cách làm sáng tạo, sâu sát, hiệu quả đó là chỉ đạo các ngành, đoàn thể từ xã đến tận thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các hộ gia đình đảng viên. Cùng với đó, thông qua hệ thống khuyến nông thôn bản, xã mua giống đảm bảo chất lượng rồi đưa từng gói giống đến tận tay người nông dân. Nhờ đó, diện tích ngô, lúa giống mới tăng dần hàng năm”. Bên cạnh đó, xã cũng nghiêm túc, quyết liệt trong việc thực hiện chương trình thâm canh tăng năng suất và xây dựng cánh đồng mẫu theo chủ trương của tỉnh. Nhờ mở rộng diện tích lúa, ngô lai gắn với thâm canh nên năng suất lúa bình quân tăng từ 57 tạ/ha năm 2010 lên 60 tạ/ha năm 2013; năng suất ngô bình quân tăng từ 23,7 tạ/ha năm 2010 lên 30,4 tạ/ha năm 2013. Năng suất tăng, bình quân lương thực đầu người của xã tăng từ 426 kg/năm cuối năm 2010 lên 493,6 kg/người/năm năm 2013. Đặc biệt, xã đã dần đảm bảo được an ninh lương thực, số hộ đói giáp hạt giảm nhiều so với những năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 68,8% năm 2010 xuống còn 38,5% năm 2013. Gia đình anh Hầu Chá Mình, thôn Khau Ản có 9 nhân khẩu, trước kia, gia đình thiếu đói gần như quanh năm do nhà có nhiều nhân khẩu mà diện tích ngô chỉ có 0,6 ha, lúa 0,2 ha trồng bằng giống địa phương, năng suất thấp. Anh Mình cho biết: “Đến năm nay, gia đình tôi không còn lo thiếu lương thực ăn như những năm trước nữa, đó là do mấy năm gần đây, nghe theo lời vận động của cán bộ khuyến nông thôn nên tôi đưa lúa, ngô lai xã cấp vào trồng trên 100% diện tích đất sản xuất. Nhờ đó nên năm nào thóc, lúa cũng đủ ăn, có năm được mùa còn thừa cả ngô nên gia đình phát triển chăn nuôi lợn. Nếu không trồng giống mới chắc đến giờ gia đình vẫn không đủ lương thực ăn”. Không chỉ gia đình anh Mình mà ở thôn Khau Ản, hầu hết các hộ đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang trồng ngô, lúa giống mới kết hợp với thâm canh nên năng suất, sản lượng lương thực tăng cao so với trước kia, cuộc sống của bà con không còn khó khăn như trước.

 

Bí thư Đảng ủy xã Phạm Tiến Tình nhấn mạnh: “Đối với xã Du Tiến, sản xuất nông nghiệp là hướng đi trọng tâm nên việc mở rộng diện tích lúa, ngô lai nhằm nâng cao năng suất là rất quan trọng, cốt lõi để giữ vững an ninh lương thực. Qua đó góp phần đảm bảo tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bên đó, hiện nay xã bước đầu khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng để phát triển cây, con thế mạnh, phù hợp nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Năm 2013 xã triển khai trồng 10 ha lê Đài Loan tập trung tại thôn Bản Lè, hiện cây phát triển tốt, có thể nhân rộng ra địa bàn, báo hiệu một cây trồng mới có thể áp dụng sản xuất theo hướng hàng hóa, làm giàu cho nhân dân”.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn trồng thử nghiệm khoai tây sớm trên đất nương
HGĐT- Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây trồng vụ 2 phù hợp với khí hậu, thời tiết, mang lại giá trị kinh tế cao, từ vụ Đông – xuân 2011-2012, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, Trạm Khuyến nông Đồng Văn trồng thử nghiệm mô hình khoai tây Solaza trên đất ruộng tại thị trấn Đồng Văn; vụ Đông năm nay thử nghiệm mô hình khoai tây sớm trên đất nương tại xã Sủng Là,
31/10/2013
Người dân khó tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế
HGĐT- Năm 2012, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 47 về một số chính sách khuyến khích phát triển KT-XH. Theo đó, có 6 lĩnh vực được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp; chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; thương mại - dịch vụ; sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề, lao động việc làm;
31/10/2013
Nhiều giải pháp đồng bộ xóa đói, giảm nghèo ở Xín Mần
HGĐT- Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành; huy động mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững là điểm đáng ghi nhận ở Xín Mần trong 9 tháng qua.
30/10/2013
Tranh chấp vùng nguyên liệu lâm sản “bài toán” đã có lời giải
HGĐT- Tỉnh ta được đánh giá là vùng cung cấp nguyên liệu dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản với sản lượng hàng trăm nghìn m3 mỗi năm. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nên đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, chồng lấn vùng nguyên liệu.
30/10/2013