Tranh chấp vùng nguyên liệu lâm sản “bài toán” đã có lời giải
HGĐT- Tỉnh ta được đánh giá là vùng cung cấp nguyên liệu dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản với sản lượng hàng trăm nghìn m3 mỗi năm. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nên đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, chồng lấn vùng nguyên liệu.
Người dân Xín Mần ươm cây giống trồng rừng kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở chế biến giấy và bột giấy, vàng mã, giấy vệ sinh; 17 cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; 234 cơ sở sản xuất, buôn bán giường tủ, bàn ghế, đồ gia dụng... với sức tiêu thụ hàngtrăm nghìn m3 gỗ nguyên liệu, hàng triệu cây tre, nứa mỗi năm. Nhu cầu nguyên liệu rất lớn, nhưng hiện chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam đóng trên địa bàn là Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham, Ngòi Sảo, Vĩnh Hảo xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích trên 8,8 nghìn ha. Các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản còn lại, chưa tạo được vùng nguyên liệu ổn định, nên đã dẫn đến tình trạng tranh mua sản phẩm, gây mất ổn định thị trường.
Còn nhớ, những năm đầu của thế kỷ XXI, khi Nhà máy giấy Hải Hà được xây dựng tại Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) với diện tích 33 nghìn m2, công suất giai đoạn I là 12 nghìn tấn/năm. Đi cùng với quá trình đầu tư, xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu rộng lớn với quy mô trên 30 nghìn ha cũng được xác lập tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Theo dự tính ban đầu, nhà máy làm ra bột giấy, nhưng khi đi vào hoạt động lại chủ yếu sản xuất giấy đế xuất khẩu ra nước ngoài. Còn vùng nguyên liệu theo quy hoạch, chưa được lãnh đạo nhà máy chú trọng thực hiện, nên ngay thời gian đầu đi vào hoạt động đã xảy ra tranh chấp. Có thời điểm nhà máy không thu mua được nguyên liệu, do các cơ sở khác cũng nhảy vào thị trường, đẩy giá sản phẩm đầu vào tăng cao. Vùng nguyên liệu của nhà máy không được củng cố, nó còn bị teo tóp do có thêm các quy hoạch khác xâm lấn.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh, nhưng để nó thực sự phát triển, đòi hỏi phải có quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch. Từ đó, các nhà máy, cơ sở chế biến mới yên tâm đầu tư, tiến hành liên doanh, liên kết nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, vừa phục vụ tốt quá trình hoạt động, vừa nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề rừng. Giải quyết tình trạng khan hiếm, tranh giành trong thu mua nguyên liệu, ngành Nông nghiệp đã xây dựng quy hoạch phát triển lâm nghiệp đến năm 2020. Vùng quy hoạch nguyên liệu tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các xã phía Nam huyện Xín Mần. Mục tiêu đặt ra, xây dựng và phát triển lâm nghiệp hàng hoá, đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng lâu dài, ổn định nhu cầu gỗ, các loại lâm sản khác cho phát triển kinh tế. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cây đa mục đích và phòng hộ, áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến nhu cầu tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị rừng kinh tế, phát triển sản xuất lâm nghiệp thành một ngành quan trọng, đem lại thu nhập cho người trồng rừng; nâng dần tỷ trọng giá trị dịch vụ môi trường rừng; nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm lâm sản. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 40% cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp. Theo đó, vùng cung cấp nguyên liệu gỗ lớn được xác định với diện tích 872 ha, tập trung ở các huyện Bắc Quang, Bắc Mê và Vị Xuyên; vùng cung cấp gỗ xây dựng và gia dụng, diện tích trên 1.042 ha tại các huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên; vùng cung cấp nguyên liệu chế biến giấy, diện tích trên 65.672 ha tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Bắc Mê; vùng cung cấp nguyên liệu chế biến ván thanh, gỗ bóc và nguyên liệu cho nhà máy MDF, diện tích trên 182.089 ha, thuộc các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Mê.
Theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu chế biến lâm sản trong nước và thế giới rất lớn, tỉnh ta lại nằm trong vùng cung cấp nguyên liệu có tính liên kết cao với các nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang), Bãi Bằng (Phú Thọ)... nên thời gian trước mắt, cần tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp ổn định mỗi năm khoảng 120 nghìn tấn nguyên liệu sợi dài, 80 nghìn tấn sợi ngắn cho các nhà máy bột giấy, bột giấy tẩy trắng. Bên cạnh đó, cần đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị các xưởng chế biến nhằm phát huy tối đa công suất, sản xuất ra các sản phẩm như gỗ xây dựng cơ bản, đồ mộc dân dụng, gỗ bao bì, ván sàn và các sản phẩm nội thất từ ván nhân tạo đạt chất lượng, được thị trường chấp nhận.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Trên cơ sở quy hoạch, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân, các địa phương phải thực hiện nghiêm, ổn định đến năm 2020. Đồng thời tiến hành trồng rừng kinh tế trên diện tích đất chưa có rừng, trồng lại rừng sau khai thác với các loài cây đa tác dụng, cây nguyên liệu, cây công nghiệp trên diện tích được quy hoạch. Ứng dụng khoa học công nghệ, trồng rừng thâm canh, tạo thành rừng trồng có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng chế biến và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân; từng bước thực hiện các giải pháp lâm sinh nâng cao chất lượng rừng sản xuất, tạo thành rừng nguyên liệu gỗ lớn, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung theo hướng thâm canh năng suất cao. Như vậy, tỉnh ta hoàn toàn chủ động nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ lâm sản.
Ý kiến bạn đọc