Thảo quả trên đỉnh Xà Phìn
HGĐT- Dưới tán rừng đặc dụng ở độ cao trên 1.500m, quanh năm sương mù giăng phủ đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) phát triển rừng cây thảo quả.n trong những lớp sương là hình ảnh người dân đang tích cực hoàn thành đợt chăm sóc cuối cùng để đón mùa thảo quả vào tháng 9-10 âm lịch.
Người dân Xà Phìn chăm sóc thảo quả trước mùa thu hoạch.
Trên con đường mòn dốc đứng, đầy vắt với muỗi rừng, chúng tôi theo chân trưởng thôn Xà Phìn, Tương Văn Điện “mục sở thị” rừng thảo quả. Trong tiếng thở phì phò của người leo dốc, những câu chuyện về cuộc sống lao động, sản xuất ngày một khá của đồng bào người Dao nơi đỉnh Xà Phìn được ông Điện kể lại như “món quà” vô giá khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn. Cách đây 12 năm, gia đình ông Đặng Văn Thăm là người đầu tiên trong thôn trồng thành công cây thảo quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đó đến nay, cả thôn đã cùng nhau phát triển diện tích rừng thảo quả lên đến 127,5 ha. Ông Điện chia sẻ: “Ở Xà Phìn cùng với cây chè Shan tuyết, thảo quả trở thành loại cây chính giúp bà con thoát nghèo bền vững. Tuy thảo quả có giá trị kinh tế cao nhưng nếu không có những biện pháp nghiêm trong việc quản lý và sản xuất thảo quả sẽ dẫn đến những tác động xấu lên rừng tự nhiên hoặc xảy ra hiện tượng trộm cắp, thu hoạch quả non,... Do vậy, bà con trong thôn đã bàn bạc, thống nhất và tự nguyện xây dựng Quy ước quản lý, sản xuất thảo quả bền vững. Theo đó, người dân trồng thảo quả dưới tán rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng; tuân thủ mọi quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Quy ước cũng chỉ rõ quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cho đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Bất cứ ai để gia súc phá hoại diện tích thảo quả sẽ bị phạt gấp 3 lần giá trị thảo quả đã mất và lao động công ích 3 ngày tại thôn. Mặt khác, việc thu hái thảo quả non, trộm cắp thảo quả, chặt cây rừng trong nương thảo quả,... cũng có những hình phạt nghiêm ngặt để răn đe, giáo dục. Do vậy, 45 hộ dân với trên 200 nhân khẩu trong thôn luôn phát huy vai trò của mình trong việc trở thành “công an, kiểm lâm” để cùng quản lý, bảo vệ rừng thảo quả.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ leo bộ, trước mắt chúng tôi là rừng thảo quả vươn lên xanh thẫm một màu. Giữa bạt ngàn núi với sương mù, những chùm thảo quả mọc san sát thêm “cháy” đỏ một vùng, đang cố “vươn” mình trên những tầng thảm mục chờ ngày thu hoạch. Trước mùa thảo quả chín chừng 1 tháng, những cây thảo quả già được bà con chặt bỏ, phát quang khóm để tránh sự phá hoại của chuột và thuận lợi cho việc thu hoạch. Đồng thời, khi hoai mục, chúng sẽ cùng với lá cây rừng trở thành nguồn dinh dưỡng chăm sóc những khóm thảo quả mùa sau. “Việc thu hái thảo quả cũng phải chọn đúng thời điểm quả vừa chín tới để đạt giá trị thương phẩm cao. Nếu để thảo quả chín quá, quả sẽ rụng khỏi chùm, khó cho việc thu lượm rồi quả bị vỡ khi sấy khô. Nếu thu thảo quả non cũng không đảm bảo giá trị thương phẩm. Do vậy, để xây dựng được thương hiệu thảo quả, sức mạnh của quy ước quan trọng lắm!”, ông Điện nhấn mạnh.
Người ta vẫn thường nói: Trồng thảo quả “một vốn bốn lời” bởi việc đầu tư, chăm sóc không nhiều. Nhưng điều ít ai biết đến, đó là khâu vận chuyển thảo quả đầy gian khổ và cực nhọc. Để chuyển thảo quả từ đỉnh Xà Phìn về nhà không có con đường nào khác ngoài con đường mòn, dốc đứng và cũng không có phương tiện nào hữu hiệu hơn... vác bộ. Để giảm sức nặng của thảo quả tươi, hầu hết các gia đình đều làm lò sấy tại nương rồi vác bộ những bao thảo quả về nhà trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí có những cánh rừng thảo quả phải đi bộ mất 12 giờ đồng hồ để thu về một bao thảo quả khô có trọng lượng từ 35-38kg. Nhiều gia đình như Đặng Văn Thăm, Tương Văn Điện mỗi năm thu vài trăm triệu đồng nhưng công sức họ bỏ ra không ít và không dễ dàng chút nào... Mặt khác, con đường để thương lái vào thu mua cũng trải qua bao gian nan, nhọc nhằn, thấm đẫm mồ hôi của người dân Xà Phìn. Bởi những năm 2002, người ta chỉ có thể đi bộ đến Xà Phìn. Thảo quả đến mùa thu hoạch không có thương lái đến thu mua. Song, với tinh thần không khuất phục khó khăn, người dân trong thôn đã cùng nhau tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng và trên 1.000 ngày công, mở con đường đất dài 2 km để ô-tô trọng tải 3 tấn có thể di chuyển để thu mua thảo quả. Nhiều đoạn đường dốc trở nên trơn trượt vào những ngày trời mưa đã được bà con đổ những dải bê tông nhỏ để việc đi lại dễ dàng hơn.
Chúng tôi chuẩn bị rời vùng thảo quả thì trời bất ngờ đổ mưa. Cố bấm mười đầu ngón chân xuống con đường đang được trời mưa “láng mỡ” nhưng vẫn không tránh khỏi những cú trượt ngã khiến người đau ê ẩm... trong những cơn mưa ướt đường còn có cả những giọt mồ hôi của bao người trồng thảo quả. Trên đôi vai họ mang cả vác nặng suốt chặng đường dài, miệt mài dựng xây kinh tế Xà Phìn no ấm.
Ý kiến bạn đọc