Sơn Vĩ - xóa đói, giảm nghèo từ phát triển chăn nuôi
HGĐT- Sơn Vĩ (Mèo Vạc) là xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Song, cũng chính từ cái khó khăn đó mà thời gian qua, xã luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nguồn lực để phát triển KT-XH. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của xã, cùng với việc đẩy mạnh phát triển cây lương thực; chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là một trong những thế mạnh đã và đang mang lại những bước tiến khả quan trên hành trình XĐGN của xã.
Những năm qua, tuy điều kiện thời tiết diễn biến thất thường. Mùa đông rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn gia súc, gia cầm. Song do làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh nên trong nhiều năm gần đây, trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định. Để khắc phục những khó khăn trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân; cấp ủy, chính quyền xã Sơn Vĩ đã lựa chọn phát triển đàn gia súc, gia cầm phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Có thể nói, nhờ chăn nuôi trâu, bò, ngựa... theo hướng hàng hóa, đến nay nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Sơn Vĩ đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tính đến nay, toàn xã có trên 73 con trâu, trên 2.906 con bò, lợn 2.900 con, dê 2.050 con, ngựa 47 con, gia cầm 21.050 con, đàn ong 495 đàn... Đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển nhanh trong những năm gần đây là nhờ có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; người dân có vốn để mua trâu bò, cải tạo giống. Nhiều năm qua, ngoài đồng cỏ tự nhiên, ngành nông nghiệp đã nhân rộng giống cỏ phục vụ chăn nuôi cho các hộ gia đình. Với nguồn thức ăn dồi dào và cách bảo quản, chế biến thức ăn ngày càng được nâng cao là một trong những yếu tố quan trọng để đàn gia súc, gia cầm của xã tăng nhanh, hạn chế tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn vào mùa đông.
Đảng bộ xã Sơn Vĩ xác định, để chăn nuôi gia súc của địa phương thực sự trở thành hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi, chuyển hoàn toàn sang chăn thả có sự quản lý. Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt; quy hoạch những diện tích đất còn bỏ trống tập trung cho việc trồng cỏ có giá trị dinh dưỡng như cỏ chăn nuôi VA06; tập trung nguồn lực, vận động nhân dân làm chuồng trại cho gia súc đảm bảo phòng, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông; điều chỉnh cơ cấu đàn gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, phát huy được lợi thế đặc thù riêng của địa phương để sản phẩm từ chăn nuôi thực sự trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo anh Trần Thạch Hồng, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ cho biết : Nhờ chủ trương đúng đắn của Nhà nước mà người dân xã Sơn Vĩ đã có sự thay đổ đáng kể. Để chăn nuôi có bước phát triển mạnh, xã đã triển khai đến từng thôn, bản với mục tiêu xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, giúp duy trì và nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp chưa lớn. Tới đây, xã sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để đưa chăn nuôi thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.
Ý kiến bạn đọc