Làm giàu từ nghề chổi chít
HGĐT- Với tinh thần không khuất phục khó khăn của người lính, ông Tạ Quang Đới, tổ 9 thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã làm giàu từ nghề chổi chít trên mảnh đất quê hương. Khi HTX Đức Duy của ông ra đời đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp nhiều gia đình tăng thu nhập và gắn bó với nghề chổi chít.
Trước năm 1982, ông Tạ Quang Đới từng là bộ đội công tác ở Tỉnh đội Hà Giang. Những năm tháng tham gia quân đội, tranh thủ thời gian giúp dân phát triển kinh tế, ông đã học được nghề làm chổi chít. Khi trở về cuộc sống thường nhật, không có đất sản xuất nông nghiệp, cuộc sống gia đình bộn bề khó khăn, khiến ông trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Sẵn biết cách làm chổi cùng với việc tiếc nguồn nguyên liệu chít có sẵn nơi cánh rừng của các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê,... ông liền vay tiền anh em trong gia đình để thu mua chít về làm chổi. Khi ấy, ông chỉ nghĩ đơn giản: Làm chổi chít nhất định sẽ có thị trường tiêu thụ bởi gia đình nào cũng cần chổi quét nhà.
Ông Tạ Quang Đới thực hiện công đoạn bó chổi chít.
Với đôi tay khéo léo cùng với việc là người tiên phong thu mua chít để làm chổi, những chiếc chổi đầu tiên ra đời được thị trường đón nhận đã khích lệ hướng sản xuất đúng đắn của ông. Năm 1990, khi việc sản xuất trên đà phát triển, ông đã đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi nhánh huyện Vị Xuyên vay 30 triệu đồng để mở rộng việc thu mua nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy nghề làm chổi chít đem lại thu nhập cao, có thị trường tiêu thụ lớn, cùng với suy nghĩ muốn tạo nghề mới, tăng thêm thu nhập, giảm bớt những nhọc nhằn của người dân, năm 2004 cùng với đồng vốn sau nhiều năm tích góp, ông tiếp tục đến Ngân hàng Nông nghiệp vay thêm 50 triệu đồng để thành lập Hợp tác xã (HTX) Đức Duy. HTX của ông ra đời thu hút được 10 gia đình tham gia làm nghề chổi chít. Đây là mô hình HTX kiểu mới nên tất cả các thành viên tham gia đều thực hiện công việc làm chổi tại nhà và hưởng thù lao theo sản phẩm. HTX Đức Duy đảm nhận việc thu mua nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các gia đình. Hơn nữa, nghề làm chổi có thể huy động được tất cả nguồn nhân lực trong gia đình, tận dụng thời gian rảnh rỗi cùng tham gia vào việc tạo nên sản phẩm qua các công đoạn: Chọn bông, làm sạch, bó cán, tết hoa văn, cắt xén đến đóng gói, bảo quản. Việc làm chổi đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì và cả kinh nghiệm thực tế nhưng lợi nhuận thu được khá cao và ổn định. Trung bình 8 giờ/ngày, một nhân công có thể hoàn thành được 20 chiếc chổi, có giá bán 18.000 đồng/chiếc.
Nhằm mở rộng việc kinh doanh và cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa qua, ông Đới mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp để thu mua lâm sản phụ như: Mây, guột, giang cung cấp sản phẩm ban đầu cho làng nghề mây, tre đan ở các tỉnh miền xuôi. Trong tháng 8 vừa qua, được Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ kinh phí, HTX của ông đã mở lớp dạy cách làm chổi chít cải tiến mẫu mã cho 30 hộ đang làm nghề chổi chít trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, hạ giá thành sản phẩm. Với cách làm này, chiếc chổi được cải tiến sẽ có cổ đan bằng dây nilon theo kiểu tết thành lóng và cán chổi được cuốn bằng dây nilon với nhiều màu sắc tạo nên mẫu mã đẹp, bắt mắt và bền hơn so với những chiếc chổi truyền thống có cổ và cán buộc bằng dây mây và lạt giang. Ông Đới cho biết: Ban đầu, việc vận động người dân tham gia làm chổi cải tiến mẫu mã rất khó. Bởi tâm lý nhiều người đã quen với cách làm truyền thống nên e ngại cách làm mới, khó hơn. Song, với cách thuyết phục cùng với việc phân tích lợi ích kinh tế một cách thấu tình, đạt lý, đến nay, nhiều gia đình trong thị trấn đã làm thành công chiếc chổi kiểu mới, được thị trường ưa chuộng như gia đình ông: Phạm Văn Hiệp, bà Trần Thị Hoài, Phạm Thị Thảo,... Trong thời gian tới, HTX sẽ mua máy ép cán để cán chổi gọn hơn và mịn hơn. Với việc cải tiến mẫu mã, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tương lai không xa, những chiếc chổi của HTX sẽ chinh phục thị trường quốc tế. Chia sẻ về những thành công này, ông Đới bộc bạch: “Ngoài kỹ năng và lòng yêu nghề thì đồng vốn rất quan trọng. Nếu không có nguồn vốn vay Ngân hàng thì khó làm nên cơ nghiệp. Nhưng đã vay tiền rồi thì phải tìm cách phát triển đồng vốn có hiệu quả để giữ chữ tín”.
Chia tay HTX Đức Duy, tâm sự của ông Đới - một người gắn bó và mong giữ nghề chổi chít khiến chúng tôi có nhiều cảm xúc: “Trải qua bao năm tháng gắn bó với nghề, tôi có thể khẳng định: Làm chổi chít là nghề làm giàu chứ không phải nghề xóa đói, giảm nghèo. Nhưng có những năm cây chít mất mùa, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nguyên liệu sản xuất. Mong sao có sự chung tay của các cấp, ngành để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, góp phần đắc lực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực và những tiềm năng sẵn có ở địa phương”...
Ý kiến bạn đọc