Giống lúa Japonica ĐS1 – mở hướng phát triển sản xuất hàng hóa cho các huyện vùng cao
HGĐT- Trong vụ Xuân, vụ Mùa 2013, Sở NN – PTNT tỉnh phối hợp với huyện Yên Minh và huyện Mèo Vạc thực hiện mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng cao Japonica ĐS1 gắn với cánh đồng mẫu. Kết quả của dự án khẳng định đây là giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết vụ Xuân, có giá trị kinh tế cao... Từ những ưu điểm đó cho thấy giống lúa Japonica ĐS1 mở ra hướng phát triển sản xuất hàng hóa cho các huyện vùng cao.
Mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao Japonica ĐS1 gắn với cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại thôn Nậm Ban, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) và thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trên tổng diện tích 20 ha (vụ xuân 10 ha, vụ mùa 10 ha). Giống lúa Japonica ĐS1 do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo từ nguồn Japonica nhập nội của Đài Loan có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% giống lúa nguyên chủng; 90% đạm Urê; 100% lân, kali và thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình thực hiện mô hình, Phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT tỉnh trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân theo phương pháp “Cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con ngay trên đồng ruộng ở từng giai đoạn và theo phương châm 5 cùng “cùng giống, cùng gieo cấy, cùng chăm sóc, cùng thuốc bảo vệ thực vật, cùng thu hoạch”.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp Yên Minh thăm mô hình trồng lúa Japonica ĐS1 tại xã Mậu Duệ.
Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Sở NN – PTNT tỉnh thường xuyên bám sát đồng ruộng, nắm bắt sự phát triển của cây lúa. Qua đó khẳng định cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh đậm, khỏe; hạt bầu ít rụng, chịu thâm canh; đẻ nhánh khá; trỗ tập trung... Thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân là 146 ngày, vụ Mùa 118 ngày. Qua gặt thực tế lúa ở cả 2 vụ đánh giá năng suất bình quân cả năm đạt 60 tạ/ha (thóc đã phơi khô), cao hơn hẳn so với các giống lúa thuần khác. Đặc biệt, do chất lượng gạo ngon nên giá bán cao, bình quân 9.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi ha đất trồng lúa Japonica ĐS1 cũng cho thu 54 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, công lao động cũng cho lãi gần 25 triệu đồng. Qua mô hình từ vụ Xuân đến vụ Mùa có thể khẳng định giống lúa Japonica ĐS1 có một số ưu điểm khi trồng trên các huyện vùng cao đó là: Năng suất ổn định; giống thích hợp trên đất vàn, vàn thấp, nhất là vàn cao; chất lượng gạo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nổi bật nhất, giống Japonica ĐS1 có đặc tính chịu lạnh rất tốt, có thể chịu lạnh trong nhiệt độ từ 8 đến 10oC. Đặc tính này giúp các huyện vùng cao có thể triển khai gieo cấy lúa xuân sớm trong điều kiện nhiệt độ thấp mà không sợ mạ, lúa bị chết rét, đảm bảo lịch thời vụ để triển khai sản xuất 3 vụ/năm.
Đồng chí Giang Đức Hiệp, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT tỉnh cho biết: “Qua mô hình, chúng tôi hỗ trợ bà con nông dân được tiếp cận với kỹ thuật thâm canh như kỹ thuật ngâm ủ, gieo mạ sớm có che phủ nilon chống rét; kỹ thuật nhổ mạ, cấy lúa 2 đến 3 dảnh và cấy mạ non khi có 3 lá thật đối với giống lúa thuần; cấy thẳng hàng, đảm bảo mật độ, để hàng xông lấy lối đi chăm sóc lúa và thực hiện 5 cùng thuận tiện. Đặc biệt, khi tham gia mô hình, người dân đã có sự thay đổi nhận thức về tư duy mùa vụ, đẩy khung thời vụ gieo trồng lúa vụ Xuân sớm hơn từ 20 đến 25 ngày so với thời vụ gieo trồng những năm trước. Đẩy khung thời vụ sớm hơn (cả vụ Xuân và vụ Mùa) nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, năng suất của lúa. Việc làm này hết sức có ý nghĩa bởi nó góp phần giúp các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai kế hoạch trồng cây vụ 3 đúng lịch thời vụ, giá giống lại giảm từ 500-750.000đ/ha so với lúa lai và các giống lúa thuần khác, năng suất lại tương đương”. Mô hình góp phần nâng cao nhận thức về đầu tư thâm canh tăng năng suất, sử dụng các giống lúa chất lượng cao đem lại giá trị lớn, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng dần làm quen với kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất theo phương pháp “5 cùng”, gieo cấy tập trung liền vùng, liền khoảnh, giúp người dân giảm chi phí đầu tư sản xuất, tạo nên vùng sản xuất đồng bộ hơn.
Qua triển khai thực hiện sản xuất vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013 có thể thấy giống ĐS 1 thể hiện được những đặc tính của giống (gồm cả đặc tính tốt và đặc tính chưa tốt), về cơ bản giống ĐS 1 có khả năng thích ứng với điều kiện về khí hậu, đất đai cũng như tập quán canh tác người dân trên địa bàn huyện Yên Minh, cũng như Mèo Vạc. Đây là cơ sở tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tiến tới sản xuất thành hàng hóa, và dần có thể tạo thành vùng lúa đặc sản cho địa phương. Sở NN - PTNT đưa giống Japonica ĐS1 vào cơ cấu giống lúa xuân của các huyện vùng cao trong năm 2014 và khuyến cáo bà con nên đưa giống lúa này vào sản xuất trong vụ Xuân bởi khả năng chịu lạnh cao, năng suất ổn định. Khuyến cáo do đây là giống chịu lạnh nên bà con chỉ nên gieo cấy trong vụ Xuân, không nên mở rộng trong vụ mùa bởi qua thực tế theo dõi, giống ĐS1 xảy ra hiện tượng phân ly trong vụ Mùa (xuất hiện cây có chiều cao cao hơn, bông to hơn, nhiều hạt hơn trong quần thể) bởi giống lúa này phản ứng mạnh với điều kiện nhiệt độ cao.
Từ việc triển khai mô hình, các huyện Yên Minh, Mèo Vạc sẽ tiếp tục nhân rộng việc sử dụng giống trên địa bàn. Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch huyện Yên Minh cho biết: “Mô hình trồng giống lúa Japonica ĐS1 tại Mậu Duệ cho thấy đây là giống lúa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương, có tính chịu rét cao nên huyện có thể gieo cấy vụ Xuân sớm hơn so với những năm trước khoảng 30 ngày, tạo điều kiện cho sản xuất 3 vụ. Do đó, trong năm 2014, huyện tiếp tục duy trì trồng tập trung ở thôn Cốc Cai và mở rộng ra các thôn khác trong xã Mậu Duệ. Cùng với đó, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón để thực hiện thí điểm trồng giống lúa mới tập trung tại các xã trọng điểm lúa với mục tiêu năm 2014 trồng 100 ha”. Cùng với Yên Minh, huyện Mèo Vạc cũng mở rộng diện tích trồng giống lúa mới trên diện tích 150 ha trong vụ Xuân năm tới.
Ý kiến bạn đọc