Giá cát xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Giang tăng cao

09:27, 26/10/2013

HGĐT- Giá cát xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Giang trong mấy tháng gần đây tăng rất cao, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng cơ bản. Nguyên nhân giá cát tăng cao là do giấy phép khai thác cát ở các điểm mỏ đều hết hạn.


Anh Đỗ Sơn, nhà ở phường Minh Khai, chủ xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng cho biết: “Từ đầu tháng 8 đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn thành phố nhảy vọt từ 50.000 đồng/m3 lên khoảng 100.000 đồng/m3. Nguyên nhân tăng là do hầu hết các mỏ khai thác cát trên địa bàn đều đang dừng hoạt động. Hiện tôi đang hợp đồng vận chuyển cát cho gần 10 công trình tư nhân, giá cát tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư của người dân nên khi thông báo giá mới đến hộ nào cũng nhận được lời phàn nàn, thắc mắc. Không chỉ có thế, việc mua cát xây dựng cũng rất khó bởi các điểm mỏ chỉ bán số lượng cát rất hạn chế tồn lưu từ những tháng trước”.

 

Tìm hiểu thực tế tại các cơ quan chức năng được biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 10 điểm khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lô phục vụ nhu cầu cát xây dựng cho địa bàn thành phố Hà Giang và khu vực lân cận. Trước năm 2010, các điểm mỏ đều có giấy phép khai thác ngắn hạn. Đến năm 2011, các điểm mỏ khai thác cát trên địa bàn thành phố đều hết hạn khai thác. Từ đó cho đến nay, chưa có điểm mỏ nào được cấp giấy phép. Nguyên nhân là do trước khi có Luật Khoáng sản năm 2010 (có hiệu lực từ 1.7.2011), việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường nói chung và cát, sỏi nói riêng được thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2005, theo đó, trình tự thủ tục xin cấp phép khai thác cát, sỏi rất đơn giản. Các tổ chức, cá nhân chỉ cần làm đơn, làm thủ tục là được cấp phép khai thác ngắn hạn ngay. Sau khi Luật Khoáng sản mới có hiệu lực, trình tự thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản thông thường chặt chẽ hơn trước rất nhiều, điểm khác biệt, quan trọng nhất là các đơn vị, cá nhân phải được cấp phép khai thác thăm dò để các ngành chức năng đánh giá trữ lượng, sau đó mới cấp phép khai thác nhằm đảm bảo các doanh nghiệp xin khai thác có sự đầu tư bài bản, lâu dài bởi việc cấp phép theo trữ lượng chứ không cấp phép theo thời gian ngắn, công suất nhỏ lẻ như trước.

 

Việc cấp phép khai thác cát cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 đòi hỏi chặt chẽ hơn, khắt khe hơn nên gây nhiều khó khăn cho các tổ chức, cá nhân. Đại diện HTX Quý Linh, đơn vị trước kia được cấp giấy phép khai thác cát tại khu vực tổ 4, phường Quang Trung, cho biết: “Trước năm 2010, HTX được cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực tổ 4, phường Quang Trung, đến năm 2010 thì hết hạn giấy phép. Chúng tôi đã làm thủ tục xin cấp giấy phép mới nhưng không được giải quyết. Để đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như duy trì hoạt động của HTX và đáp ứng nhu cầu sử dụng cát của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, trong quá trình xin cấp phép, HTX vẫn hoạt động. Đến năm 2013, HTX phải dừng hoạt động theo yêu cầu của ngành chức năng, khi nào có giấy phép mới đi vào hoạt động. HTX cũng tìm hiểu thủ tục để làm hồ sơ theo quy định nhưng gặp khó khăn khi phải bỏ một số tiền rất lớn, hàng trăm triệu đồng để thuê đơn vị tư vấn, thăm dò điểm mỏ cát”. Không chỉ riêng HTX Quý Linh mà hầu hết các tổ chức, cá nhân khi xin cấp phép khai thác cát trên sông Lô đều gặp khó khăn khi phải đầu tư số tiền lớn để thuê đơn vị tư vấn, thăm dò. Bởi đa phần các tổ chức, cá nhân từ trước đến này đều khai thác nhỏ lẻ, lợi nhuận không cao. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hầu hết các điểm mỏ khai thác trên địa bàn thành phố Hà Giang hiện nay dừng hoạt động khiến giá cát tăng gấp đôi gây nhiều khó khăn không chỉ cho nhân dân, doanh nghiệp mà cho cả chính quyền các xã khi thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới.

 

Nhu cầu vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Giang và các khu vực lân cận là rất lớn, bức thiết nên việc nhanh chóng giải quyết cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác là rất cần thiết. Do đó, trung tuần tháng 7, 6 tổ chức, cá nhân có đơn đề nghị tiếp tục được lập thủ tục cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông Lô thuộc địa bàn phường Quang Trung và xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Giang họp bàn và đưa ra hướng giải quyết, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp tục được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, trình tự hồ sơ, thủ tục vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định Luật Khoáng sản năm 2010. Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đưa 7 điểm mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc tổ 2, tổ 3 phường Quang Trung vào khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản với hình thức hạn chế về tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác và thời gian khai thác (thời gian cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản mỗi lần không quá 5 năm) và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Sở Tài nguyên – Môi trường lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để thẩm định, trình tỉnh xem xét, cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu được tỉnh xem xét, quyết định cho phép 7 điểm mỏ khu vực tổ 2, 3 phường Quang Trung không đấu giá quyền khai thác theo quy định thì đó là “hướng mở” cho các tổ chức, cá nhân. Còn việc xin cấp phép khai thác vẫn cần được thực hiện theo đúng trình tự Luật Kháng sản năm 2010 quy định.

 

Như vậy, chắc chắn, trong thời gian tới khi các điểm mỏ trên địa bàn thành phố Hà Giang dừng hoạt động để chờ quyết định của tỉnh và chờ xin cấp phép thì người dân vẫn tiếp tục phải mua cát, sỏi giá cao hơn so với trước rất nhiều. Đây cũng là vấn đề cần được các cấp, các ngành nghiên cứu, có hướng giải quyết.


TUYÊN BÌNH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
HGĐT- Sáng 25.10, tại Hội trường UBND tỉnh diễn ra Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII năm 2013. Đến dự có các đồng chí: Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Cục Bộ Công thương và đại biểu Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công xúc tiến công
25/10/2013
Hội thảo tiềm năng hợp tác kinh doanh với thị trường Ấn Độ.
Chiều 24.10, tại TPHG, Bộ Công thương phối hợp với tỉnh ta và Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Hội thảo Tiềm năng hợp tác kinh doanh với thị trường Ấn Độ và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Asean - Ấn Độ. Dự có đại diện: Bộ Công thương; Đại sứ quán Ấn Độ; Sở Công thương Hà Giang và đại biểu Sở Công thương, các doanh nghiệp của 28 tỉnh phía Bắc…
25/10/2013
Sẵn sàng cho Hội chợ Công nghiệp-Thương mại Quốc tế (Việt – Trung)
HGĐT- Hội chợ Công nghiệp, Thương mại Quốc tế (Việt – Trung) Hà Giang năm 2013 gắn với Hội nghị khuyến công 28 tỉnh khu vực phía Bắc lần thứ VIII sẽ được tổ chức từ ngày 25-31.10, tại Sân vận động C10, TPHG. Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị cơ bản đã được triển khai xong, chỉ còn chờ đến giờ khai mạc.
24/10/2013
Giống lúa Japonica ĐS1 – mở hướng phát triển sản xuất hàng hóa cho các huyện vùng cao
HGĐT- Trong vụ Xuân, vụ Mùa 2013, Sở NN – PTNT tỉnh phối hợp với huyện Yên Minh và huyện Mèo Vạc thực hiện mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng cao Japonica ĐS1 gắn với cánh đồng mẫu. Kết quả của dự án khẳng định đây là giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết vụ Xuân, có giá trị kinh tế cao... Từ những ưu điểm đó cho thấy giống lúa Japonica ĐS1 mở ra hướng phát triển sản
24/10/2013