Đồng Văn trồng thử nghiệm khoai tây sớm trên đất nương
HGĐT- Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây trồng vụ 2 phù hợp với khí hậu, thời tiết, mang lại giá trị kinh tế cao, từ vụ Đông – xuân 2011-2012, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, Trạm Khuyến nông Đồng Văn trồng thử nghiệm mô hình khoai tây Solaza trên đất ruộng tại thị trấn Đồng Văn; vụ Đông năm nay thử nghiệm mô hình khoai tây sớm trên đất nương tại xã Sủng Là, Sủng Trái để nhân rộng ra các xã, thị trấn trong huyện.
Kiểm tra mô hình trồng khoai tây sớm trên đất nương tại xã Sủng Là.
Cây khoai tây đã được bà con nông dân huyện Đồng Văn gieo trồng từ nhiều năm nay, đây là loại cây được đánh giá có năng suất và mang lại thu nhập khá cao cho nông dân. Tuy nhiên loại cây trồng này do nhân dân tự trồng, thiếu hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, giống cây trồng chưa đảm bảo nên không phát huy được hết thế mạnh. Từ năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện đã phát hiện giống khoai tây Solaza có xuất xứ từ nước Đức mang những chỉ số kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở một số vùng trên địa bàn huyện và đã trồng thử nghiệm tại thị trấn Đồng Văn. Mô hình đạt hiệu quả khá cao, năng suất đạt 22 tấn/ha, khẳng định rằng giống khoai tây Solaza mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với các loại giống khoai tây và các cây trồng khác trong vụ Đông. Từ thực tế thành công trồng khoai tây sớm trên đất ruộng ở thị trấn Đồng Văn, vụ Đông này, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục xây dựng phương án trồng khoai tây sớm trên đất nương để giải quyết những bất cập về việc làm cho người dân trong thời gian nhàn rỗi; đất đai được thâm canh tăng lên 2 vụ trong năm; đáp ứng được nhu cầu thực phẩm an toàn trên địa bàn, hạn chế việc vận chuyển khoai tây từ Trung Quốc sang; góp phần ổn định giá cả thị trường trong huyện; nâng cao thu nhập kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo...
Theo phương án, mô hình trồng khoai tây sớm trên đất nương được triển khai thành 2 mô hình trình diễn, có tổng diện tích 1,4 ha (xã Sủng Trái 0,7 ha, xã Sủng Là 0,7 ha). Mô hình được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% giống, vật tư, kỹ thuật với tổng số tiền 48.930.000 đồng; nhân dân đóng góp đất canh tác, nhân lực lao động, phân chuồng... với tổng kinh phí khoảng 26.600.000 đồng. Sản phẩm thu được nhân dân thụ hưởng 100%. Mô hình được thực hiện trong 4 tháng, bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 11. Trạm Khuyến nông đã ký kết trách nhiệm với các hộ gia đình tham gia mô hình; mở 2 lớp tập huấn tại 2 xã thực hiện mô hình, mỗi lớp 45 người gồm các hộ nông dân trực tiếp tham gia, cán bộ khuyến nông viên thôn bản, trưởng thôn với nội dung: Thực hành quy trình kỹ thuật tất cả các giai đoạn liên quan đến trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản khoai tây.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, phương án trồng khoai tây sớm trên đất nương sẽ có năng suất thấp hơn so với trồng trên đất ruộng vì có thể nguồn nước tưới bị hạn chế nên năng suất chỉ đạt khoảng 18 tấn/ha. Mặc dù vậy phương án này vẫn mang hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ mọi chi phí đầu tư ban đầu, kể cả công lao động thì lợi nhuận phương án mang lại là khoảng 63.070.000 đồng cho cả 2 mô hình trình diễn (1,4 ha), 1 ha mang lại lợi nhuận 45.000.000 đồng. Bên cạnh đó, khoai tây là loại cây dễ trồng, có tính chất cải tạo đất, sau khi thu hoạch thân cây có thể dùng làm phân bón, hiếm khi sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật do cây có đề kháng cao, do đó sản phẩm khoai tây là thực phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường. Về hiệu quả xã hội, phương án làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; giúp người dân tiếp thu những tiến bộ KHKT đầu tư thâm canh tăng vụ, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây trồng trên 1 đơn vị diện tích; hỗ trợ tích cực trong việc tuyên truyền nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động; tạo mô hình cho nhân dân học tập kỹ thuật thâm canh các loại giống mới có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn...
Đến thời điểm này, khoai tây Solaza tại 2 điểm trình diễn phát triển tốt, không có sâu bệnh và đã hoàn thành chăm sóc đợt 2. Với lợi thế đất nương sẵn có, khí hậu thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc,; thị trường tiêu thụ rộng lớn... nên việc mở rộng mô hình ra trồng đại trà là rất khả thi, phát triển nhanh, bền vững và khẳng định việc trồng khoai tây sớm trên đất nương ở Đồng Văn là bước đi đúng hướng, góp phần phát triển KT – XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến bạn đọc