3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn
HGĐT- Phát triển nông nghiệp-nông thôn (NN-NT) nhằm không ngừng nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước. Ngày 12.4.2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT. Sau 3 năm triển khai, Nghị địnhđã đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn vốn tín dụng vào NN-NT, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và từng bước công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Theo thống kê của 2 đơn vị chủ lực cho vay vốn đối với NN-NT là Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH): Từ năm 2010 đến cuối tháng 8.2013 đã có 275.501 lượt khách hàng vay vốn trên địa bàn nông thôn, với doanh số cho vay 6.832 tỷ đồng; dư nợ cho vay liên tục tăng hàng năm (từ 2.546 tỷ đồng năm 2010 lên 3.840 tỷ vào tháng 8.2013), đạt mức tăng trưởng hàng năm 15%; so năm 2010 tăng 1.294 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 50,8%...
Nhờ chính sách tín dụng phục vụ NN-NT, người dân từng bước xóa được đói, giảm được nghèo.
Trong ảnh: Nông dân xã Yên Thành (Quang Bình) chăm sóc cây trồng.
Đánh giá kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết: Thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, vốn tín dụng đã đầu tư cho các thành phần kinh tế sản xuất – kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực NN-NT. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 371.740 tấn, tăng 41.055 tấn so 2010; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; các mô hình kinh tế HTX kiểu mới, tổ chức sản xuất, kinh tế trang trại, kinh tế hộ phát triển; khoa học-kỹ thuật được áp dụng hiệu quả, các sản phẩm đặc trưng địa phương được nâng cao, như sản lượng chè búp tươi năm 2012 đạt 58.675 tấn, tăng 15.641 tấn so 2010; sản lượng cam, quýt năm 2012 đạt 9.416 tấn, đàn gia súc, gia cầm phát triển và tăng 2.514 con so năm 2010, trong đó đàn trâu 158.717 con, bò 103.757 con, lợn 497.524 con, tăng 47.809 con so năm 2010...
Bằng các thủ tục linh hoạt nhanh gọn, 3 năm qua, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH địa phương. Tính đến 31.8.2013, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp 65.863 hộ nghèo có vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho 3.778 lao động; 13.619 hộ nghèo có nhà ở; 9.097 hộ dân được cải thiện chất lượng cuộc sống qua Chương trình tín dụng nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn... Kết quả đó góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 41,8% năm 2010 xuống còn 30,13% năm 2012. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng NN-NT được tỉnh và các cấp tập trung đầu tư và thực hiện đạt kết quả cao. Vốn tín dụng ngân hàng cũng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; dư nợ cho vay lĩnh vực này tại 40 xã điểm của tỉnh đạt 864 tỷ đồng, với 30.174 hộ dân và 28 doanh nghiệp; đầu tư cho làm đường bê-tông liên thôn, xây dựng bể nước, trạm biến áp, xây dựng mô hình “Nhà sạch-vườn đẹp”, kiên cố hóa kênh mương, cho vay tấm lợp, xóa nhà tạm đến tận thôn bản... làm cho bộ mặt nông thôn khang trang hơn...
Có được kết quả đó, trước hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn về điều kiện, tủ tục hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác tiếp nhận, thẩm định, trả lời khách hàng, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; xử lý nghiêm cán bộ gây khó khăn, sách nhiễu khách hàng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm...
Nghị định 41 của Chính phủ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận đồng vốn thuận lợi, giúp người dân đủ vốn, kịp thời phát triển sản xuất, mạnh dạn áp dụng KHKT, từng bước loại bỏ tập tục làm ăn cũ, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Cùng đó, việc cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình kinh tế của Chính phủ, cho vay ưu đãi tiếp tục được thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo ở một bộ phận nông dân gặp khó khăn và đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn. Sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội vào quá trình cho vay đã thúc đẩy xã hội hóa hoạt động ngân hàng. Việc liên kết giúp đỡ nhau sản xuất trong khuôn khổ của các Hội địa phương gắn cho vay của các tổ chức tín dụng góp phần làm cho việc sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn và hạn chế tối đa cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy nguồn vốn tín dụng ý nghĩa này, Chính phủ cần có chính sách tài chính hỗ trợ các tổ chức tín dụng, như tăng nguồn vốn đầu tư lãi suất thấp, bù đắp lãi suất cho vay đối với các đối tượng vay làm nông, lâm, ngư nghiệp...
Ý kiến bạn đọc