Ý chí làm nên cơ nghiệp

16:44, 23/09/2013

HGĐT - Dù đã 12 giờ trưa, nhưng chị Bùi Thị Liễu, tổ 2, Thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) vẫn luôn chân, luôn tay trong việc nhận và thanh toán tiền hàng cho khách. Nhờ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp, gia đình chị đã mở được xưởng chế biến chè, không chỉ giúp người dân trong vùng có nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.


Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Liễu cười: “Bây giờ mà dừng hoạt động của máy sấy sẽ khiến chè hỏng mất. Các em thông cảm đợi chị một chút nhé. Mình nói chuyện ở xưởng thôi”. Nói rồi, đôi tay chị thoăn thắt đưa chè lên máy để thực hiện công đoạn sấy chè. Lẫn trong những tạp âm của máy sấy, máy sào lăn chè là chất giọng trầm ấm của chị: “Suốt 12 năm làm việc tại nhà máy chè Việt Lâm khiến tôi trở nên “nặng” lòng với chè như một duyên nợ. Năm 1992, tôi về nghỉ hưu. Cứ nghĩ đến cảnh không còn được làm những công việc mình yêu thích, khiến tôi nhiều đêm thao thức”. Để giữ lại những năm tháng đã gắn bó với chè như một thói quen khó bỏ, chị bàn với chồng gây dựng xưởng chế biến chè. Quyết tâm là vậy, nhưng để có vốn mở xưởng không phải là điều dễ thực hiện. Bởi đồng lương hai vợ chồng có được đều đã “cạn” khi dành phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi các con ăn học thành người. Không khuất phục khó khăn lúc tuổi về hưu, anh chị cùng nhau làm đủ mọi công việc để có tiền xây ước mơ về một xưởng chè.



Xưởng chè của chị Liễu giúp người dân trong vùng có nơi tiêu thụ sản phẩm.
 

“Lúc nào tôi cũng nung nấu quyết tâm mở xưởng. Nhưng nếu không có tiềm lực về kinh tế thì khó có thể vay vốn Ngân hàng để xây dựng xưởng chè. Do vậy, tôi đã từng bước gây dựng kinh tế, tạo thế vững để dần mở rộng quy mô sản xuất”, chị Liễu chia sẻ. Để có từng đồng vốn, anh chị đã làm nhiều nghề: bán hàng hoa quả, nuôi lợn, nhận đấu thầu ao cá của nông trường. Sẵn bản tính cần cù, chịu khó cùng với niềm “đam mê chè đến kỳ lạ” đã giúp chị tích lũy được một chút vốn liếng để bắt đầu công việc yêu thích. Ban đầu, chị thu mua từng cân chè tươi của bà con, tự tay sao chè bằng chảo rồi đem bán lẻ cho các cửa hàng, lấy vốn xoay vòng. Dù đồng tiền thu lại không nhiều nhưng sau bao năm tích góp, chị đã có tiền mua bộ máy sao chè mini và mở xưởng chế biến chè. Từ đây, chị thực hiện việc thu mua chè tươi cho bà con trong vùng rồi chế biến thành chè khô, bán lại cho các công ty chè trên địa bàn. Sau khi đã tích lũy được vốn cùng việc gây dựng cơ ngơi khang trang, năm 2010, chị đến Ngân hàng Nông nghiệpvà PTNT huyện Vị Xuyên mạnh dạn vay vốn 200 triệu đồng để đầu tư: Máy xào đầu, máy vò, máy sấy và máy xào lăn để nâng cấp xưởng và thay thế máy sao chè mini bằng những máy sao hiện đại, đem lại năng suất, chất lượng cao hơn cho sản phẩm. Với những kinh nghiệm có được cùng sự ham học hỏi cách chế biến chè của nhiều địa phương nên công việc làm ăn của gia đình chị Liễu khá suôn sẻ. Yêu thích công việc cùng với việc nhanh nhạy nắm bắt được thị trường, năm 2011, chị tiếp tục vay thêm 300 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư ô-tô tải 3,5 tấn làm phương tiện vận chuyển chè đến nơi tiêu thụ...

 

Câu chuyện chị Liễu kể trở nên gián đoạn khi 2 khách hàng chở những bao tải chè đến bán. Vào vụ chè, mỗi ngày, xưởng của chị thu mua hàng tấn chè búp tươi cho 4-5 chủ đầu mối. “Chè búp tươi có giá 35.000 đồng một yến. Tổng chè của chú là 1,5 tấn. Chị gửi tiền này”.... Cầm trên tay số tiền vừa được thanh toán, anh Nguyễn Văn Cường, tổ 7 (thị trấn Nông trường Việt Lâm) vui vẻ: “Thuận mua, vừa bán. Chúng tôi bán được sản phẩm, mong nhận được tiền “tươi” để đảm bảo cuộc sống. Cơ sở của chị Liễu đáp ứng được điều đó nên chúng tôi yên tâm bán hàng cho chị”. Còn cô Đào Thị Óng, tổ 2 chia sẻ: “Nhà tôi cũng có xưởng chè nhỏ. Làm được chè khô, tôi bán lại cho xưởng của chị Liễu. Có những lần gia đình tôi xuất 2 tấn chè khô, thu về trên 42 triệu đồng... Cơ sở của chị Liễu luôn thanh toán tiền đầy đủ nên chúng tôi có vốn xoay vòng để tiếp tục tái sản xuất. Từ ngày chị Liễu mở xưởng, chúng tôi yên tâm hơn về một đầu ra tin cậy cho sản phẩm”. Chia sẻ bí quyết thành công của mình, chị Liễu cho biết: “Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin với khách hàng rồi mới tính đến chuyện kinh doanh. Bên cạnh đó, tiềm lực về kinh tế, sự kiên trì và một chút táo bạo cũng là điều cần thiết”.

 

Mỗi năm, xưởng chè cho gia đình chị xuất trên 100 tấn chè khô sang thị trường Trung Quốc, thu về hàng trăm triệu đồng. Vào vụ chè, xưởng của chị còn tạo công ăn, việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, năm 2010, chị còn đầu tư 100 triệu đồng, mua bộ máy sao chè mini cho con gái mở xưởng. Đồng thời, con gái chị - Nguyễn Thị Mây cũng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên 150 triệu đồng để đầu tư mở rộng xưởng, cùng mẹ “chinh phục” thị trường chè.


Thu Phương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp Ban vận động nguồn vốn ODA
HGĐT - Ngày 20.9, Ban vận động nguồn vốn ODA của tỉnh họp báo cáo kết quả thực hiện vận động, thu hút ODA và vốn vay ưu đãi từ năm 2012 đến tháng 8.2013 và triển khai kế hoạch vận động, thu hút vốn giai đoạn 2013 – 2015. Dự họp có các đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành,
23/09/2013
Giúp người dân Hoàng Su Phì từng bước cải thiện cuộc sống
HGĐT - Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoàng Su Phì đã cố gắng, khắc phục khó khăn về thời tiết, địa bàn để thực hiện tốt các chương trình đầu tư cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh và người nông dân trên địa bàn.
23/09/2013
“Bông hoa rừng” của nền kinh tế tập thể tỉnh ta
HGĐT - Với 150 triệu đồng tiền vốn quay vòng hàng năm, 20 xã viên HTX Dệt Thổ cẩm xã Tân Bắc, huyện Quang Bình và hàng chục lao động thời vụ đã có được những công việc phù hợp gắn với những niềm vui, sở thích và cũng là sở trường của phụ nữ người dân tộc Pà Thẻn.
20/09/2013
HTX - Nơi trao gửi niềm tin của người dân Hoàng Su Phì
HGĐT - 40 HTX thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp xây dựng – TTCN, dịch vụ tổng hợp... đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã tạo được lòng tin và khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển sản xuất; cải thiện đời sống và góp phần xóa đói giảm nghèo.
20/09/2013