“Ngày mùa” của Tổ dịch vụ Nông nghiệp Bản Loan
HGĐT - Trên 60% điện tích đất sản xuất của người dân thôn Bản Loan, xã Yên Định (Bắc Mê) trong vụ mùa vừa qua đã được sự “giúp sức” của Tổ dịch vụ Nông nghiệp thôn để kịp thời gieo cấy đúng khung mùa vụ. Tổ dịch vụ này không chỉ góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất cho cây trồng mà còn giúp người dân tiếp cận nhanh, hiệu quả hơn với các dịch vụ nông nghiệp.
Tổ trưởng Vương Văn Tiếp sửa chữa máy cày sau mùa vụ, đảm bảo cho hoạt động vào vụ sau.
Khất lần mãi những lời hẹn làm việc vì tổ dịch vụ đang bận rộn ngày mùa, cuối cùng khi những thửa ruộng đã xanh màu ngô, lúa; khi máy cày đã về nhà nằm nghỉ, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với những người “làm thuê” cho xóm. Bản Loan là một thôn đông dân với 93 hộ sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng diện tích đất sản xuất của thôn lại hạn chế, toàn thôn chỉ có 34,7 ha đất trồng lúa và 6,4 ha ngô bãi. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh qua từng năm. Đến thời điểm này, thôn chỉ còn 5 hộ nghèo. Bên cạnh đó, là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bắc Mê, Bản Loan cùng với toàn xã Yên Định tích cực tuyên truyền người dân áp dụng KHKT, đưa cơ giới hóa, giống mới năng suất cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập và hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, trong đó sự ra đời của Tổ dịch vụ nông nghiệp là một giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện để người dân đến gần hơn với các dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn. Tổ dịch vụ nông nghiệp Bản Loan được huyện Bắc Mê hỗ trợ 90% giá mua 2 chiếc máy cày từ vụ Xuân năm nay và thực sự “vào mùa” nhộn nhịp từ thời điểm sản xuất vụ Mùa vừa qua. Tổ có 7 thành viên tự góp vốn và đề ra quy chế hoạt động; nhờ có thêm 1 máy cày từ chương trình hỗ trợ xây dựng NTM của huyện và một máy cày của Dự án Chia Sẻ trước đây nên hiện tại, tổ dịch vụ có 4 máy cày hoạt động liên tục, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu làm đất sản xuất của người dân vào thời điểm chính của mùa vụ.
Gặp Tổ trưởng Vương Văn Tiếp khi anh đang mải miết sửa chữa, bảo dưỡng máy cày sau mùa vụ, chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong bước đầu đi vào hoạt động, anh Tiếp cho biết: “Cái khó nhất để duy trì hoạt động của Tổ là thiếu vốn; các tổ viên đều là nông dân, chỉ góp vốn được một số tiền nhất định làm vốn; vừa phải chi trả 10% giá máy, vừa đảm bảo hoạt động của Tổ, dầu máy chạy suốt mùa vụ; trong khi số tiền thu lại từ việc làm công cho người dân lại rất lâu và nhỏ giọt; nhiều hộ dân phải chờ đến mùa gặt mới có tiền trả công cho tổ. Với mục đích hoạt động của Tổ, trước hết là ưu tiên giúp đỡ những hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công... không có điều kiện mua máy cày nên việc thu tiền chậm cũng là điều không tránh khỏi. Chúng tôi mong muốn được huyện, ngành chức năng hỗ trợ về vay vốn, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để mở rộng thêm nhiều dịch vụ nông nghiệp khác, đồng thời có thể cho bà con vay tạm ứng trước và thu hồi vốn khi thu hoạch vụ sản xuất...”. Mong muốn ấy của Tổ dịch vụ cũng chính là mong muốn của người dân khi mà các dịch vụ nông nghiệp về với người dân vẫn còn đơn điệu, chưa hiệu quả. Chị Mã Thị Hoàn tỏ ra vui mừng vì năm nay, việc làm đất trồng cây ngô, cây lúa đã có Tổ dịch vụ nông nghiệp thôn lo giúp: “Nay có Tổ dịch vụ, không phải lo đi thuê người đổi công như trước nữa, giá công đã được quy định theo giá chung từ phòng Nông nghiệp huyện gửi xuống, nên người dân yên tâm lắm; Tổ dịch vụ cần có thêm nhiều dịch vụ nữa để chúng tôi được vay, cung ứng kịp thời về giống, phân bón và không phải đi mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, không đảm bảo ở ngoài thị trường nữa, đến cuối mùa, người dân có thu hoạch từ cây trồng sẽ trả thu hồi đầy đủ cho Tổ dịch vụ”.
Bước đầu đi vào hoạt động, dù là mô hình không mới nhưng trong thời gian tới, bằng cách làm mới như: Sự tham gia của cán bộ khuyến nông viên thôn bản trong việc giúp đỡ, hướng dẫn người dân về trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... và quyết tâm của những người trong cuộc, Tổ dịch vụ nông nghiệp thôn Bản Loan trở thành “nút thắt” quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp người dân thoát nghèo và sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc